– Thưa Thầy chỉ cho con cách chế ngự, loại trừ hay giải thoát khỏi cơn sân?
Trả lời :
– Không phải chế ngự, loại trừ hay giải thoát khỏi cơn sân mà phải thấy ra nó. Nếu không thấy ra nó sinh diệt như thế nào, lợi hại ra sao và nguyên nhân hậu quả ở đâu thì chưa giác ngộ sự thật, làm sao giải thoát được!
Thấy ra sân là chính, còn chế ngự, loại trừ hay giải thoát khỏi nó là phụ, chỉ là hệ quả. Nếu chế ngự hoặc loại trừ nó đi, thì không những không học được bài học sân là gì, tại sao sân, mà còn dồn nén nó vào vô thức chẳng khác nào đuổi cọp vào rừng.
Trên thực tế không thể nào loại trừ được sân khi gốc của nó là tham và si vẫn còn. Sân là do tham nhưng không được như ý. Tham lại do vô minh của bản ngã mà ra nên còn ngã chấp, còn dục ái thì làm sao thoát khỏi sân? Cho nên chữa bệnh thì phải chữa tận gốc chứ không phải chữa trên ngọn. Nếu muốn chữa tận gốc thì phải hiểu gốc của nó là gì. Cho nên mỗi lần sân khởi lên thì phải thận trọng chú tâm quan sát nó. Nhưng cũng không phải đợi khi nào sân khởi lên mới quan sát mà phải thận trọng chú tâm quan sát mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp trong đời sống hàng ngày thì lúc sân khởi lên mới thấy được sự sinh sự diệt v.v… của nó.
Có rất nhiều lý do để sân sinh khởi, nhưng đều bắt nguồn từ bên trong mà ra chứ không phải do đối tượng bên ngoài, bên ngoài chỉ là duyên phụ thôi. Cố dẹp duyên bên ngoài chỉ làm sân tăng trưởng, cố dẹp nhân bên trong thì sân bị dồn nén vào vô thức và ở đó nó sẽ được nuôi dưỡng lớn mạnh lên.
Thí dụ người cha lúc nào cũng xử ép con và người con cố nhịn ngày này qua ngày khác đến một lúc chịu không nổi nữa thì hoặc dẫn tới bệnh tâm thần hoặc tức nước vỡ bờ lúc nào không hay.
Vì vậy cố kiềm nén sân là một sai lầm nguy hại khó lường. Phải thường sáng suốt quan sát mọi hoạt động đời sống để thấy ra sân sinh diệt thế nào, bản chất ra sao, phát xuất từ đâu thì mới không bị sân chi phối được nữa.
HT VIÊN MINH
NAMO BUDDHAYA