Tôi phải tập tâm từ bi như thế nào?
(Các đoạn sau đây là sự kết hợp giữa những lời dạy của Dipa Ma đã được ghi âm, với các hồi tưởng của Michelle Levey về lời Dipa Ma đã dạy. Michelle Levey đã thực tập thiền về tâm từ bi trong hơn hai mươi năm. Các bạn có thể chọn, hoặc dùng suốt thời thiền toạ về tâm từ bi, hoặc khởi đầu hay chấm dứt thời khoá với tâm từ bi. Sau cùng, năm giai đoạn, được kể ra sau đây, có thể phối hợp tập chung trong một thời khoá; nhưng khi mới bắt đầu tập, mỗi lần nên chỉ chiếu soi kỹ vào một giai đoạn mà thôi).
a) Giai đoạn một.
Giai đoạn đầu là phải thương ngay chính mình, là bạn thân với chính mình. Bắt đầu rải tâm từ bi đến cho mình. Bạn có thể dùng các câu nguyện sau đây, hay các tâm ảnh để soi đường cho bạn trong việc làm phát khởi và hướng dẫn tâm từ bi của bạn:
Nguyện tôi chẳng có kẻ thù.
Nguyện tôi chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện tôi chẳng âu lo
Nguyện thời thời tôi được thân an tâm lạc.
“Kẻ thù” có nghĩa là kẻ thù bên ngoài, mà mình cũng làm kẻ thù cho chính mình nữa. Kẻ thù có thể thấy ở các cảm thọ, từ một chút bực bội cho đến sự sân hận mãnh liệt, hoặc đối với mình hay đối với kẻ khác. Trong khi thầm niệm các câu trên, hãy nhìn vào trong tâm bạn thấy thật rõ ràng hình ảnh của chính bạn. Nếu chẳng thể dùng tâm nhãn như thế, thì cố nhớ lại bóng dáng bạn khi bạn soi gương. Nếu nhớ lại chẳng được hết, thì bạn cứ nhìn thẳng vào một bức ảnh còn mới của bạn cho đến khi nào bạn có thể thấy rõ bạn bằng mắt tâm.
Lập lại các câu trên theo thứ tự. Nếu tâm đi vẩn vơ và đang quên mất một câu nào, thì nhẩm đọc lại ngay từ câu đầu. Ðem tâm quay về với mỗi câu nhiều lần như thế sẽ khiến cho định lực của bạn càng thâm sâu.
Ðiều quan trọng là bạn phải bỏ rơi nghĩa chữ và cảm tưởng của bạn dính sau các chữ ấy, mà vẫn để trọn lời nguyện trong câu hướng dẫn bạn, cắm sâu bạn vào sự thực tập mà đi tới. Hãy nuôi dưỡng trong tâm trí cảm giác an lạc cùng hình ảnh của bạn và miên mật niệm các câu nguyện trong bao lâu mà thời khoá cho phép.
Khi việc thực tập đã khá sâu, khi bạn cảm thấy bạn thật tình yêu chính bạn, khi bạn có thể lưu giữ vững trong tâm bạn hình ảnh rõ ràng của chính bạn, thời bấy giờ, nếu bạn muốn, hãy chuyển sang giai đoạn thứ hai, về cách rải tâm từ bi đến cho một người bạn lành.
b) Giai đoạn hai.
Dùng các câu nguyện cũ như trước, hướng tâm từ bi đến một người bạn lành hay đến vị thầy đã tỏ ra thân ái với bạn. Cũng như khi bạn đã rải tâm từ bi đến cho chính bạn, hãy nhìn lâu thật rõ hình ảnh của người thân trong tâm bạn và rải tâm từ bi đến cho người ấy:
Nguyện cầu bạn chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu bạn chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu bạn chẳng âu lo.
Nguyện cầu thời thời bạn được thân an tâm lạc.
Khi bạn cảm thấy rằng bạn thương người thân ấy cũng như bạn thương chính bạn vậy, hoặc khi bạn có lưu giữ tâm ảnh của người thân nơi tâm bạn thật lâu và thật rõ cùng với những câu cầu nguyện, thời nếu bạn muốn, bạn có thể chuyển sang giai đoạn thứ ba.
c) Giai đoạn ba.
Nhóm người kế tiếp để rải tâm từ bi được gọi là những người đang đau khổ — bất cứ ai hoặc nhóm nào đang khổ sở. Trước đây, bạn lưu giữ trong tâm hình ảnh của mỗi một người, thì nay bạn hãy mở rộng nhãn quan để chiếu soi đến một nhóm đông người. Bắt đầu nhìn tâm ảnh của một nhóm người đang đau khổ. Rải tâm từ bi đến những người đó như bạn đã rải cho chính bạn và cho người thân:
Nguyện cầu các bạn chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu các bạn chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu các bạn chẳng âu lo.
Nguyện cầu thời thời các bạn được thân an tâm lạc.
Nếu có những hình ảnh của các nhóm khác tự động khởi lên trong tâm bạn, ví dụ như những bệnh nhân trong nhà thương, hoặc các nạn nhơn chiến tranh, thời cũng tốt vậy, bạn cứ hướng tâm từ bi đến với họ, làm như thế là thiền quán theo một đường lối linh động với một dòng các hình ảnh di động. Hãy tiếp tục niệm những câu nguyện trong khi cố gắng chú tâm càng nhiều đến các cảm giác về từ bi ẩn sau các chữ.
Từ trên căn bản biết thương chính mình, bạn nhận ra rằng: sự tự mình thương yêu mình chính là căn bản và chất nhiên liệu để nới rộng tình thương đến người khác. Vừa thương mình, bạn thương luôn người thân như thương chính bạn. Rồi bạn thương đến những người đang đau khổ, như bạn đã thương người thân của bạn, và thương người nầy cũng như bạn đã thương chính bạn. Với sự tập luyện miên mật, tất cả mọi nhóm đều được hoà hợp lại thành một nhóm duy nhứt.
d) Giai đoạn bốn.
Trong giai đoạn thứ tư nầy, tâm từ bi và tâm bình đẳng được hoà chung nhau lại. Việc thực tập là lưu giữ trong tâm một ý nghĩa thật rộng rãi về mọi chúng sanh và rải tâm từ bi một cách đồng đều đến cho họ — các bằng hữu, các người đau khổ, các người mà bạn dửng dưng, các người gây khó khăn cho bạn, và tất cả chúng sanh khắp nơi.
Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng âu lo.
Nguyện cầu mọi chúng sanh thời thời được thân an tâm lạc.
Muốn được như thế, hãy khiến tâm của bạn trở thành tâm từ bi, bằng cách chú ý và quan tâm nhứt về tình cảm của mình đối với sự từ bi. Các chữ, các câu nguyện, mà bạn dùng đã nhiều lần đến nay, chỉ là những mốc chỉ đường cho bạn hướng về các tình cảm đó. Hãy để tâm trí bạn trở nên từ bi và an trú nơi đấy với sự bình đẳng chẳng cho nghiêng riêng về một hướng nào cả.
c) Giai đoạn năm.
Giai đoạn cao điểm nhứt của sự quán chiếu tâm từ bi là phối hợp tất cả các giai đoạn lại, rồi chiếu rọi trong một lúc đến mỗi giai đoạn riêng biệt, vào suốt thời gian dành cho việc quán chiếu. Thực tập theo đường lối đó, sự quán tưởng trở nên như một buổi hoà tấu của tâm từ bi trong đó bạn khởi lên với chính bạn, rồi mở rộng ra, mở rộng thêm ra, mở rộng mãi thêm ra, cho đến khi nào tâm bạn thật sự an trú trong bình đẳng tâm vô lượng và vô biên.
Trích trong : Ngập Sâu Trong Ân Sủng
Knee Deep In Grace – Amy Schmidt
Cố Thiền sư Dipa Ma
Thiện Nhựt phỏng dịch
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.