RẢI TÂM TỪ
Có nên rải tâm từ mỗi sáng và trước khi đi ngủ?
Không được. Mình rải tâm từ suốt cả lúc đi đứng nằm ngồi luôn, chớ không phải chỉ là sáng tối.
Mà cái tâm từ đó là Bhāvanā (pháp tu tập) thiền Chỉ. Trong thiền Chỉ có Tứ phạm trú: Từ, Bi, Hỷ Xả.
TỪ: Mong cho chúng sanh được AN VUI.
Ta được an vui, ta mong cho chúng sanh được an vui, là mình có Tâm Từ.
BI: mong chúng sanh được THOÁT KHỔ ĐAU, BI LỤY.
Ta thoát được khổ đau bi lụy, những buồn bã, đau khổ, ta mong chúng sanh thoát khổ đau bi lụy.
HỶ: ta thành tựu quả phước, mong rằng chúng sanh cũng thành tựu quả phước, được an lành.
Phải tu tập mới có tâm Từ Bi Hỷ Xả này. Nhiều người chỉ chú ý metta (từ) mà thôi.
XẢ: giữ cái tâm mình quân bình qua những thăng trầm, những nghiệp báo (Những nghiệp báo đó nó cản trở mình)
Khi rải tâm Từ thì thật sự là mình phải có tâm Từ. Khi quí Phật tử rải tâm từ trong trạng thái máy móc, trạng thái không có ý nghĩa, thì tâm từ đó nó không có hiệu quả.
Ngay khi quí Phật tử rải tâm Từ: “Mong rằng chúng sanh được an vui như tôi được an vui” thì thật sự lúc này quí Phật tử đang an vui, trong tâm Từ thật. Trước một phút tâm mình còn sân, trước một phút tâm mình còn khổ não bi lụy về nghiệp báo cuộc đời của mình, nhưng khi mình rải tâm từ ở đây mình đã cắt cái đó đi. Bây giờ ở đây nè, tôi bây giờ được an vui, mong rằng tất cả chúng sanh được an vui như tôi, thế là quí Phật tử thành tựu cái Từ ái liền.
1. TỪ:
Bởi có cái gì mà mình an vui? Bây giờ mình có thời giờ tu nè, người ta lúc này người ta không tu được. Do đó là mình an vui nè, mình có phước nè. Bây giờ là mình an vui thật, biết bao nhiêu người bây giờ đâu có thời giờ ngồi (học Phật pháp) được như mình đâu. Mình có phước quá mà, thế là bắt đầu mình chia sẻ phước báu này, vì lúc đó mình có được an vui.
2.BI:
Thoát khổ đau và bi lụy, những sự buồn bã đau khổ: Mình không có khổ đau bi lụy, vì mình đang rải tâm từ. Thế là mình bước tới cái Bi liền, “Mong rằng chúng sanh nào còn đang trong khổ, còn trong bi lụy, họ được thoát khỏi như tôi”. Thế là mình chia sẻ cái bi mẫn.
Qua 1, và 2, quí Phật tử thấy có kết quả không? Phút giây đang ngồi quí Phật tử có tâm Từ, và khó có cái bi lụy đau khổ. Hiện giờ thì biết bao nhiêu chúng sanh đang bịnh hoạn, thương tích, mất cha mất mẹ, khổ đau bi lụy đó, còn mình thì đang không có, mình thành tựu quả phước, mình hoan hỷ với hai cái Từ và Bi.
Thành tựu quả phước trên cái gì? Thành tựu quả phước trên cái tâm Từ đã viên mãn, thành tựu quả phước của tâm Bi. Mình đã thành tựu, đã làm xong.
3. HỶ:
Hỷ đó là hỷ của tu tập, Hỷ do mình có gặt hái.
Qua Từ và Bi, mình mới có hỷ, chớ không phải Hỷ là mình có tài sản là mình được khen ngợi, là danh thơm tiếng tốt. Không phải là được mọi người thương yêu ủng hộ mình rồi mình Hỷ, rồi ngồi đây rải tâm Hỷ. Đó là hỷ… thân.
Mình tu (Bhāvanā) Từ Bi Hỷ Xả là từng bước từng bước (step by step) lên. Thành tựu quả phước là do tâm Từ tôi đã viên mãn, thành tựu quả phước là do tôi có tâm xót thương chúng sanh đang khổ, bi lụy. Do quả phước này tôi có, tôi hoan hỷ, và như vậy mới thành tựu hỷ.
4. XẢ:
Khi mình hoan hỷ rồi, mình nhìn cái nghiệp báo đến với mình và giữ tâm quân bình không dao động, đó là hành tâm XẢ
Trong Từ Bi Hỷ Xả, thì Xả là cấp cao nhất. Nhưng Phật tử VN mình cứ nắm cái Từ cho là đỉnh cao. Từ mới chỉ là bước đầu tiên, bước 1 mới vô thôi. Bước kế tiếp là tâm Bi – thương xót chúng sanh đau khổ. Quí Phật tử đang vui, mà không bi mẫn với chúng sanh đau khổ, như vậy là ích kỷ lắm.
Hồi xưa khi Sư đi học, mẹ Sư nói, con lo học nghen, không được nhiều chuyện này kia nghen, không được nói chuyện người này người kia, không lo ra, mà phải chú tâm học nghen, con phải thương con nghen. Thế là Sư vô học lo nghe thầy dạy học thôi, không có tâm Từ. Sư toàn đứng nhứt. Mẹ sư nói, con ích kỷ lắm, con không giúp bạn bè, mấy đứa nó rớt đụi đụi, con phải giúp đỡ chia sẻ cho tụi nó chớ. Lúc đó mới có tâm Bi.
Bây giờ quí Phật tử có cơm ăn áo mặc, có nhà cửa, có đời sống tiền lương ổn định, trong khi đó có biết bao nhiêu người lầm than. Thấy cái chữ ‘homeless’ (không nhà cửa) là đầu tiên quí Phật tử có Bi mẫn rồi, không thể nào không có Bi mẫn được. “Tôi thoát khổ đau bi lụy rồi, thì mong rằng chúng sanh đang có khổ đau bi lụy đó thoát khỏi khổ đau bi lụy”, đó là có tâm Bi mẫn.
Thấy người ta đau khổ, nhưng làm sao để mình không nổi tâm Sân khi thấy họ bị rơi vào hoàn cảnh đau khổ? Đó là phải tu tập. Từ cái Từ mới qua Bi, còn không có Từ mà qua Bi thì trước cái khổ của chúng sanh, mình thấy thương rồi là dễ nổi tâm sân liền.
Đức Phật từ bi hỷ xả lắm, chớ không thể nào Ngài chỉ có Bi mà không có Từ. Phải kiên cố cái Từ mới có Bi được, chớ còn chưa vững cái Từ mà qua Bi là chịu không nổi đâu. Mình sân vì chịu không nổi cái cảnh khổ đó. Quí vị nhìn thấy người nhà quằn quại trên căn bịnh ung thư là nổi tâm sân không hà, dù là đang Bi đó. Quí vị lau chùi, tắm rửa, thay áo săn sóc cho họ, nhưng toàn là Sân không hà. “Tôi làm sao đây tôi làm sao đây? Bạn đau tôi biết, tôi muốn chia sẻ cái đau của bạn nhưng mà tôi làm sao đây?” Lúc đó mình không có tâm từ mà chỉ có tâm Sân thôi, vì mình chưa vững cái tâm Từ.
Sư đọc tờ báo thấy người chồng chứng kiến cảnh sinh của người vợ, anh ta ngồi bên ngoài mà khóc. Đó là tâm sân, chớ không có tâm Từ. Bỏ cái Từ, nhảy vô cái Bi liền, chưa vững cái tâm, đối diện với cảnh khổ với cái đau của chúng sanh là mình nổi tâm Sân liền, Sân ở đây không phải là tức tối mà là buồn thương, lo nghĩ. Bất toại nguyện (paṭigha) là tâm Sân, tức là tâm mình không hài lòng với cảnh nghịch đó.
Người bác sĩ nhìn con thú bị đau, bịnh nan y không chữa được. Ông phát lên lòng bi mẫn, muốn cứu nó thoát khỏi cơn đau khổ đó bằng một mũi thuốc, cho nó chấm dứt cơn đau này. Nhưng trong khi ông châm mũi thuốc vào nó là ông có một cái paṭigha ( không hài lòng ), muốn chấm dứt sự đau khổ đó đi cho nó được an vui bằng giải pháp mới, đó là paṭigha, không có tâm từ. Ở ngoài nhìn vô thấy là có lòng bi mẫn, chớ ông không có tâm Từ.
Khi mình muốn đi qua tâm Bi thì tâm Từ phải kiên cố kiên định lắm chớ không là mình có một cái ‘paṭigha’ lên liền.
Mình thấy người ta liệt, người ta đau khổ, mình tâm Từ hay Tâm Bi hay tâm sân? Tâm Từ. Mình phải bỏ mình, phải sống nhập vô đó, bhavana. Lúc đó cái gì mình cũng phải làm hết cho họ, chớ không phải cho mình, đó mới là Bi với Từ, tức là Bi mà làm cho họ với tâm Từ của mình.
Quí Phật tử nhìn ông bác sĩ, y tá trong bệnh viện chữa bệnh cho bệnh nhân, ổng xài tâm Bi, ổng có tâm Từ không, hay là ổng chỉ xài với nghề nghiệp của ông ta thôi? Ông ta săn sóc cho một người bệnh, ông ta có tâm Bi, ông chỉ làm vì nghề nghiệp thôi, chớ không có vướng bận. Nhưng một bác sĩ có tâm Từ với một người bệnh thì ngày đêm sáng tối ông ta lăn xả vì người đó, chia sẻ vì người đó, đó là ông ta có tâm Bi và có tâm Từ.
Tâm Bi mà không có tâm Từ thì mình không có gắn bó bền bỉ với tâm Bi mẫn được. Tâm Từ làm cho Bi súc tích lên, nếu như tâm Bi mà không có tâm Từ thì một thời gian nó sẽ cho mình tâm Sân (bất toại nguyện). Do bất lực trước nghịch cảnh đó mà mình có tâm Sân, mình chịu không nổi trước cơn đau của chúng sanh, chịu không nổi trước cực khổ của chúng sanh. Không giữ cái tâm Từ đó, mình không biết làm gì hết, mình chỉ còn trạng thái bất toại nguyện (nhất là khi quí Phật tử có người thân).
Khi quí Phật tử muốn hoan hỷ vui vẻ (mudita), mình phải nhìn trên trạng thái an vui của tâm Từ và tâm Bi mà mình đã thành tựu, thì mới hoan hỷ. Không bao giờ quí Phật tử đứng trên lầu 3 mà không nhớ ơn lầu 1 lầu 2 đã đưa quí Phật tử lên lầu 3 này. Cái Hỷ này là thành tựu quả phước trong tâm Từ và Bi đã viên mãn. Bằng không thì Hỷ đó là máy móc hay hình thức thôi.
Hai đứa học cùng lớp, một đứa học ngày đêm không vui chơi, khi thi làm bài được. Và một đứa thì không học hành gì hết, ngày đêm vui chơi, copy được đứa kia và làm bài được. Đứa nào hỷ? Đứa kia là hỷ thân thôi, còn đứa này hỷ thiệt. Nó thương nó, nó lo học, nó biết nếu không học thì đời nó bị khổ bầm dập, nó lo Bi cho nó, bây giờ nó làm bài được, nó Hỷ, nó thành tựu quả phước báu. Còn thằng kia thì ngồi kế bên không có gì hết.
Phải trên thành tựu của Từ với Bi mới có Hỷ. Đời sống của mình là hoan hỷ vui vẻ, mình đâu có gì khổ, mình đâu có gì bi lụy, đời sống của mình an vui, mình thành tựu tâm Từ, đời sống của mình an vui mình thành tựu tâm Bi, đời sống mình không có gì khổ đau, mình mới thành tựu tâm Hỷ thiệt.
Người có tâm Từ tâm Bi khi thành tựu viên mãn, thì người đó có tâm Hỷ thiệt. Khi thành tựu như vậy, họ thấy cuộc đời này chỉ là sự thăng trầm do nghiệp báo dắt đi mà thôi, họ giữ tâm Xả quân bình, không còn dao động cho mình, cho người. Tất cả đều là hiện bày của nghiệp báo, là sanh là diệt, là vô thường, chớ không có gì khác.
Sư Sán Nhiên giảng
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Rải tâm từ
13 Months ago.
