Hỏi : Thưa Thầy, ai sống trên đời rồi cũng phải chết, và sợ chết luôn là nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Xin Thầy chia sẻ làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi này, và có được sự chuẩn bị thích đáng cho cái chết của mình được thanh thản, không lo lắng sợ hãi ạ?
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu tại sao chúng ta sợ chết. Thường chúng ta sợ hãi những gì chưa biết, những gì chúng ta không nắm chắc. Nỗi sợ chết cũng có khởi điểm như vậy. Cho dù đã đọc rất nhiều những tài liệu nói về cái chết, và ngay cả ở bên cạnh những người thân đang hấp hối, thì chúng ta vẫn không thực sự biết rõ cái chết xảy ra như thế nào, và nhất là sau khi chết chúng ta sẽ không còn tồn tại hay vẫn tiếp tục sống? Và nếu còn tiếp tục tái sinh thì sẽ đi về đâu? Ai cũng biết rồi mình cũng sẽ phải chết đi, nhưng những gì xảy ra khi chết và sau khi chết luôn là một dấu hỏi rất lớn. Hầu hết chúng ta đều chẳng biết gì về cái chết, nên chúng ta tưởng tượng mông lung mà sinh ra sợ hãi.
Dù có tích luỹ thêm nhiều kiến thức về cái chết, dù có dùng ý thức mà suy luận thì những gì xảy ra khi chết vẫn không rõ ràng minh bạch, không được soi sáng và vì thế mỗi người chúng ta chỉ còn cách chôn dấu nỗi sợ hãi này xuống tận đáy lòng, hoặc cố gắng biện luận để che giấu sự thật, hoặc tìm chỗ dựa siêu nhiên nào đó để tự trấn an. Có thể đó là đức tin của các Kito hữu tin rằng sau khi chết linh hồn của những con chiên lương thiện sẽ được lên Thiên Đường với Chúa, hoặc sau khi chết các Phật tử chân chính sẽ được tiếp dẫn lên cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, hoặc tín đồ Bà La Môn giáo có niềm tin sau khi chết tiểu ngã sẽ trở về với Đại Ngã trong ánh sáng của đấng Sáng Tạo.
Chúng ta cho cái chết là đau khổ, xấu xí nên cần những hình ảnh siêu huyền như Thiên Đường, Cực Lạc để mong cái chết trở nên cao đẹp hơn. Chúng ta cho cái chết là màn đêm tối tăm nên cần ánh sáng của Thượng Đế để cứu rỗi, hoặc Phật A-di-đà tiếp dẫn. Tóm lại đức tin mạnh mẽ là một trong những vũ khí mà các tôn giáo dùng để đối phó với nỗi sợ chết và các lo lắng, bất an khác.
Ngoài ra, con người cũng thường sợ hãi những điều họ cho là xấu, chứ không sợ những gì được cho là tốt đẹp. Ai cũng cho cái chết là điều xấu nên mới sợ hãi. Thường những người mong mình được chết trong tốt đẹp, an lành lại sợ chết nhiều hơn những người có thể chấp nhận chết cách nào cũng được. Một sự thật có vẻ nghịch lý nữa là những người chết sau một thời gian dài bệnh hoạn, đau đớn thường rất dễ siêu thoát hơn người chết khi đang mạnh khoẻ. Vì người trải qua thời gian đau đớn không ham sống sợ chết, trong khi người mạnh khoẻ còn quá yêu đời nên chết chẳng cam lòng.
Nỗi sợ chết cũng có liên quan đến nỗi sợ hãi tội lỗi của mình khi đã làm điều bất thiện. Vì vậy, để chấm dứt nỗi sợ hãi trước cái chết không phải đơn giản, mà người ấy cần phải thông suốt nguyên lý của đời sống và phải biết rõ về cái chết mới được.
Tóm lại đa số chúng ta đều cho cái chết là sự kiện tiêu cực, và thế là chúng ta tìm mọi cách để đối phó với nó, giống như chúng ta vẫn đang đối phó hàng ngày với những gì không theo ý muốn của mình. Nhưng nếu thực sự xem kỹ lại, thì tất cả những phương tiện đối trị vẫn chỉ là che lấp nỗi sợ ấy, để không chú ý tới nó nữa, để chôn nó đi càng sâu càng tốt. Những phương tiện ấy không chấm dứt hoàn toàn được nỗi sợ hãi đối với cái chết. Ai ai cũng đều biết rất rõ nỗi sợ chết vẫn luôn còn đó, luôn tiềm ẩn sâu bên trong mỗi người chúng ta.

Hỏi : Thưa Thầy, con thấy nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta sợ chết là do chúng ta cho rằng chết tức là hết, Ta không còn tồn tại nữa. Những người thân, bạn bè chúng ta cũng chỉ nhớ về Ta trong một thời gian ngắn. Sau ba hay năm năm họ cũng sẽ hoàn toàn quên mất…
Đúng, sợ chết là sợ “Ta” không còn tồn tại nữa cho nên nếu thực sự có kiếp sau thì sẽ tốt hơn, phải không? Hiện nay các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến những hiện tượng mang tính tâm linh, nhất là giả thuyết về sự tái sinh trong các kiếp sống khác nhau. Sự xuất hiện những người có khả năng nhớ lại kiếp sống trước của mình đang được xã hội cũng như giới khoa học tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy các nhà khoa học chưa có kết luận rõ ràng nhưng giả thuyết chết không phải là hết mà chỉ là chuyển sang một kiếp sống khác ngày càng được nhiều người trên thế giới tin tưởng. Niềm tin ta vẫn sẽ tồn tại sau khi chết, dù không biết sẽ tồn tại ở đâu, dưới hình thức nào, nhưng cũng là một trong những chỗ dựa giúp ta đối diện với nỗi sợ chết.
Theo Đạo Phật, con người trải qua một kiếp sống tùy theo duyên nghiệp của mình. Khái niệm nghiệp của Đạo Phật ở đây cần hiểu cho đúng. Nghiệp của mỗi người chính là nhận thức và hành vi của người ấy. Mỗi người mỗi khác vì nhận thức và hành vi của họ khác nhau. Nhận thức đúng và hành vi tốt gọi là nghiệp thiện, nhận thức sai, hành vi xấu gọi là nghiệp bất thiện.
Trải qua một đời sống chính là quá trình giúp con người điều chỉnh nhận thức và hành vi, những gì xảy ra với họ trong cuộc sống đều là những bài học quý giá để giúp họ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình từ sai-xấu chuyển thành đúng-tốt. Như vậy đời sống chính là một trường học vĩ đại, với các kiếp sống khác nhau giống như các lớp học khác nhau. Kiếp này học xong lớp một thì kiếp sau sẽ được học lớp hai. Học không xong lớp một trong kiếp này thì phải học lại trong kiếp sau. Vì vậy đối với Đạo Phật, việc chết đi rồi tái sinh là cần thiết để cho mỗi người có thể học hết những bài học mà mình còn học chưa xong. Trường học cuộc sống khác với trường học trong học đường, ở đây mỗi người được tự do chọn lựa bài học của mình, nhưng chọn lựa cách gì thì cũng phải học cho xong bài học mình chọn. Nếu chấp nhận sống là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi thì chắc chắn phải có chết đi và tái sinh lại vì cần phải học tiếp những gì học chưa xong, đúng không?