Cũng như các địa phương khác, làng Thanh Thủy Thượng cũng có những câu chuyện truyền khẩu dân gian. Những truyền thuyết của TTT có điều khác biệt, đó là những chuyện này dựa trên những sự việc có thật, dân làng chỉ hư cấu để câu chuyện mang thêm màu sắc thần linh.

1.Ngôi Miếu hậu làng.
Chuyện kể rằng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, ngày 20 tháng 12 Âm lịch, hôm đó mưa to gió lớn. Mặc dù ban ngày nhưng trời đất tối sầm. Bỗng ở phía bụi tre Một ngoài đồng sáng rực một vùng. Dân làng rủ nhau chạy ra xem thì thấy một cái đầu người nổi bập bềnh ở vùng nước xoáy. Người dân nhiều lần lấy sào đẩy cho trôi đi nơi khác, nhưng chiếc đầu lặn sâu một lúc rồi nổi lên ở vị trí cũ. Dân làng vớt vào chôn cất dưới chân độn Rùa gần đường Vọi. Sau này có người nói đó là vị tướng triều Tây Sơn bị vua Gia long xử trảm. Làng đã xây miếu để thờ, cho đến ngày nay ngôi Miếu hậu làng vẫn còn và hàng năm đến ngày 20.12 Âl dân làng vẫn sắm lễ để giỗ cúng.

2. Những ngôi mộ lạ trên độn Lăng :
Do vua Tự Đức có kế hoạch xây dựng lăng mộ trên dãy Tam Sơn, nhiều người biết rằng : “ Thanh Thủy giáp Dạ lê, hữu đế vương nhất huyệt ” , Dân làng mua chuộc thầy địa, để vua chuyển lên xây dựng tại Thủy Xuân. Sau đó có người nổi máu tham, lén dời mộ của bố mẹ mình lên chôn trên độn Lăng. Truyền thuyết kể lại rằng , những ngày liên tiếp sau đó cả làng Thanh Thủy Thượng chó không kêu, gà không gáy. Dân làng đi kiểm tra và phát hiện ra hai ngôi mộ mới. Dân làng phải dời chuyển về Cồn Mồ thì chó gà mới kêu lại.

Từ đó làng có lệ bất thành văn là không được xây cất lăng mộ trên độn Lăng để giữ linh khí chung cho cả làng.


Lăng Phạm Bà

3. Tảng đá bên Lăng Mộ Cung.

Truyền thuyết về bà Hoàng Thái phi Phạm Thị Ngọc Chơn, Hồng quận Phu nhân: Do ngưỡng mộ một vị hoàng phi chôn cất trên đất của làng, nhiều truyền thuyết về Phạm Bà còn lưu truyền lại.

Sau khi Phạm Bà được chôn cất tại xứ đạt ruộng Cồn tiêu, Hoành hạ thỉnh thoảng dân làng thấy một bà lão đi hái rau quanh mộ. Khi bà đi đến đâu đều có mây ngũ sắc bay che trên đầu.

Cách xa lăng Bà có một tảng đá lớn nằm choán nhiều diện tích, làng muốn di chuyển để thuận lợi cày bừa. Nhiều thanh niên khỏe mạnh hợp sức nhưng không di chuyển được. Lúc đó có một bà lão tới chê cười, dân làng thách bà nếu bà mang tảng đá đi được bao nhiêu thì đất đó thuộc về bà. Bà xắn tay nhấc tảng đá một cách nhẹ nhàng. Dân làng sợ mất nhiều đất, chạy đến kéo khố Bà, Bà mắc cỡ thả đá xuống để giữ lấy khố. Ngày nay tảng đá vẫn còn ở cạnh lăng Phạm Bà. Đạt ruộng gần 10 mẫu quanh lăng Bà từ đó có tên xứ ruộng Mộ Cung. Từ câu chuyện này, dân làng TTT còn lưu truyền câu : “ Trăm đàn ông không bằng một hông đàn bà ”.

4.Đôi rắn thần Hậu Miếu;

Ngày trước, Hậu Miếu còn hoang vu, rậm rạp, ít người lai vãng. Vào những ngày sóc vọng có đôi rắn to bằng cột nhà, vảy ánh màu ngũ sắc, thường xuất hiện nơi ấy. Đôi rắn có màu đỏ tía, nghển đầu thở phì phò trông đến khiếp. Tuy thế chúng rất hiền, chẳng hại ai.Mỗi lần chúng đến rồi đi, cỏ cây rạp xuống thành lối, sau đó trở lại nguyên trạng như chẳ ng có gì xảy ra. Từ khi rừng bị phá, không còn thấy đôi rắn ấy nữa. Dân làng truền nhau cho rằng chúng là đôi ngựa của ngài cỡi mỗi khi ngài ngụ về Miếu.

5.Dãi lụa điều miếuThần Nông (Miếu ông Tường)

Từ bến cát nhìn ra, thấy bụi tre một và ngôi miếu nhỏ giữa đồng, đó là miếu Thần Nông. Chẳng hiểu vì sao miếu mang tên ông Tường. Lúc còn hoang vu, vào những “giờ linh”, người ta thấy một cụ già áo trắng, cỡi dải lụa điều từ thinh không thường đáp xuống nơi ấy. Nghĩ là các bậc tiên ngự về thi ân bố đức cho dân, dân làng bèn lập miếu thờ.

Mặc dù những câu chuyện trên có mang một số màu sắc thần thoại, nhưng nhừng truyền thuyết này giúp cho những người nghiên cứu lịch sử, sau khi tách một số bụi thần thoại bao phủ, vẫn thấy được một số tư liệu lịch sử quý qua những hiện vât đang còn tồn tại với thòi gian.
Miếu Thần Nông ( Miếu Ông Tường)
Thần Nông (phồn thể: 神農, giản thể: 神农) (3220 TCN—3080 TCN), còn được gọi là Thần Nông thị (神農氏), Khôi Ngôi thị (魁隗氏), Liên Sơn thị (連山氏), Liệt Sơn thị (列山氏), Tắc thần (稷神), thường được biết với tên gọi Viêm Đế (炎帝). Theo ghi chép, Thần Nông là một vị thần huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Bách Việt, ở Trung Hoa ông cũng là một trong Tam Hoàng và được xem là một anh hùng văn hóa .

Đại Việt sử ký toàn thư xem Thần Nông là Thủy tổ của người Việt, Vương quốc của ngài bao trùm cả sông Dương Tử lẫn một phần sông Hoàng Hà và kéo dài xuống phía Nam tới khu vực mà hiện giờ là đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm và là người đã dạy dân người Việt nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như phát triển nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông thường bách thảo, giáo nhân y liệu dữ nông canh (神農嘗百草, 教人醫療與農耕; Thần Nông nếm trăm cây thuốc, dạy người chữa bệnh với cày cấy). Vì thế, ông còn được xưng là Dược vương (藥王), Ngũ Cốc vương (五穀王), Ngũ Cốc Tiên Đế (五穀先帝), Thần Nông đại đế (神農大帝).

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Đại Việt sử ký toàn thư xem Thần Nông là Thủy tổ của người Việt, Vương quốc của ngài bao trùm cả sông Dương Tử lẫn một phần sông Hoàng Hà và kéo dài xuống phía Nam tới khu vực mà hiện giờ là đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.
(Theo Võ Huy Phương trong Tìm hiểu Lịch sử Việt Nam)’
Miếu Thần Nông kết hợp với Trẹt Lấp nằm giữa đồng ruộng trước Đình làng Thanh Thủy Thượng tạo thế cái Bút và cái Nghiên. Theo phong thủy đây là cuộc đất phát Văn. Phải chăng đúng với thật tế: Ở làng Thanh Thủy Thượng ra đời của nhiều nhà thơ nổi tiếng như Phùng Quán và địa phương có rất nhiều thầy cô giáo.
Năm 2021 Miếu Thần Nông (Miếu Ông Tường) đã bị giải tỏa, chuyển vào xây dựng lại tại khuôn viên Miếu ẤP Nhì.