(Trước tháng 8.1945)
Trong lịch sử quốc gia, làng xã tồn tại và phát triển cùng dân tộc. Đó vừa là địa bàn dân cư , vừa là đơn vị hành chánh tài chánh cơ sở của nhà nước phong kiến. Làng có tính chất tự trị, nhưng là một bộ phận thống nhất trong tổng thể Nhà – Làng – Nước.
Dù chỉ được thành lập trên 250 năm, nhưng làng Thanh Thủy Thượng đã được kế thừa kinh nghiệm quản lý hàng ngàn năm của dân tộc. Làng TTT đã có những hình thức tổ chức tinh khôn, có những cơ cấu quản lý năng động để đoàn kết người dân trong quá trình dựng làng và giữ làng.
NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC LÀNG
Khi mới thành lập, những vị khai canh vừa là anh em, vừa là những xóm giềng nhận nhau trong tình nghĩa bà con. Cho nên trong quá trình phát triển làng, con cháu trong Họ ngày càng đông đúc thì quan hệ huyết thống ngày càng bền vững và quan hệ xóm giềng ngày càng thắt chặt.
GIA ĐÌNH :
Gia đình là đơn vị tổ chức nhỏ nhất của xã hội, nhưng gia đình có tác dụng rất quan trọng trong việc phát triển xã hội.
Gia đình là một tế bào tự nhiên của xã hội, là hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Sự hưng thịnh của làng xã, của dòng Tộc được cố kết bằng sự hưng thịnh của các gia đình.
Một gia đình hưng thịnh được đánh giá trên cơ sở sự quan tâm, thương yêu chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Việc thành đạt của con cái đặt nền tảng trên sự hy sinh gian khổ “ một nắng hai sương ” của bố mẹ và ý chí vươn lên của bản thân .Chính nhờ bờ vai của bố mẹ, mà con cái thành đạt ngoài xã hội, cho nên dân làng Thanh Thủy Thượng tâm niệm : “ Con hơn cha là nhà có phúc.”
Thông thường, gia đình có một vợ chồng chung sống với những người con chưa đến tuổi trưởng thành. Nhiều gia đình có bố mẹ ở chung. Gia đình nào còn cả bốn, năm đời đang chung sống ( gọi là tứ đại đồng đường, hay ngũ đại đồng đường ) thì được xem là nhà có phước đức. Khi con cái đến tuổi trưởng thành thì được dựng vợ gã chồng, phân hóa thành những gia đình nhỏ. Vai trò của người con trai trưởng trong gia đình khá quan trọng, không những có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc các em mà còn phải lo tròn bổn phận đối với dòng Họ, làng xã và các việc thờ cúng, kỵ giỗ trong gia đình.
Như vậy, gia đình với hàng trăm năm tồn tại, có cơ sở bền vững trong lòng làng xã. Đó là một tổ chức xã hội nhỏ hẹp, vừa là một nhà trường để giáo dục, để bảo vệ phẩm giá đạo đức. Đó là bức tường đầu tiên ngăn chặn những thói hư tật xấu từ bên ngoài. Mỗi gia đình đều có một bề dày lịch sử, có một nền nếp văn hóa riêng được ghi nhận cụ thể trong từng bộ Gia phả của các gia đình.
Tuy nhiên, tính gia trưởng độc đoán, trọng nam khinh nữ và tục nhiều vợ đã hạn chế mặt tích cực của gia đình, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
DÒNG HỌ:
Họ bao gồm những gia đình có cùng huyết thống, có cùng một ngài Thủy Tổ sinh hạ. Những người trong cùng một Họ thì mang chữ đầu tiên của tên mình đều giống nhau . Họ đông người thì chia làm nhiều Phái. Họ Ngô có 3 phái : Ngô Hữu, Ngô Văn, Ngô Viết. Họ Lê Trọng- Văn- Đắc ở Thanh Thủy Chánh lên TTT thành Lê Bá- Thúc- Quý. Mỗi Phái có nhiều Chi. Mỗi Chi lại có một hay nhiều nhánh chạp. Làng TTT có 13 vị khai canh nhưng chỉ có 12 nhà thờ Họ. Ngài Lê Đô không có dòng nối dõi được thờ tại đình làng.
Mỗi Họ có một nhà thờ được xây dựng khang trang, chạm khảm sành sứ, với bộ tứ quý: Long – Lân – Quy- Phụng và những hoa văn rất đẹp. Đây là nơi thờ phụng ngài Thủy Tổ khai canh và các vị Tổ đầu phái, nơi chạp giỗ, tế lễ vào những ngày lễ lớn của Họ. Ngoài ra còn là nơi tập trung con cháu để bàn những việc chung của Họ.
Đứng đầu mỗi Họ có một Tộc trưởng. Tộc trưởng là người có quyền hạn lớn đối với trong Họ, ngoài Làng.
Đối với Làng, Tộc trưởng nằm trong Thập nhị Tộc trưởng của Hội Đồng quan viên làng. Tham gia bàn thảo việc làng : Kế hoạch xây dựng công trình công cộng, phân chia ruộng công điền và các ngày tế lễ…
Đối với Họ, Tộc trưởng chăm lo việc thờ cúng Tổ tiên : Kỵ ngài Thủy Tổ khai canh, chạp Họ, kỵ Cô, kỵ các ngài đầu Phái ( tham gia với các Phái ). Lễ tế : Lễ Tân niên, lễ Tất niên…Tộc trưởng có nhiệm vụ quản lý ruộng hương hỏa, từ đường, tài chánh của Họ. Ngoài ra Tộc trưởng còn triệu tập Hội đồng quản tộc và con cháu để bàn việc nội bộ của Họ, giải quyết các việc tranh chấp của con cháu trong Họ. Tham gia tang ma, hôn lễ…
Mỗi Họ có một bộ Tộc phả được gọi là bộ Đồng Liệt để ghi tên từ ngài Thủy Tổ khai canh cho đến con cháu các thế hệ kế tiếp. Hàng năm vào đến ngày chạp Họ, những người con trai của Họ đủ 16 tuổi được vào Họ tức là ghi tên vào Tộc phả, sẽ được nhận một suất ruộng cùng những nghĩa vụ như những dân đinh khác.
Về mặt tinh thần, con cháu trong Họ không chỉ có mối quan hệ huyết thống mà còn có mối quan hệ về đạo đức và cả chính trị. Một người trong Họ nếu vi phạm phẩm chất đạo đức, phạm lệ làng nếu lỗi nhẹ thì đem 5 miếng câu trầu đến xin lỗi Họ, nếu lỗi nặng thì bản thân xấu hổ tự bỏ Họ, bỏ làng mà tha hương. Những người trong Họ có bổn phận động viên nhau giữ gìn phẩm giá của Họ mình. Ngược lại, một người trong Họ đỗ đạt hay giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước phong kiến thì con cháu trong Họ không những được hãnh diện mà còn được giúp đỡ về vật chất hoặc tinh thần: “ Một người làm quan, cả Họ được nhờ ”. Tiêu biểu như ba người đỗ Cử nhân Hán học: Lê Bá Duệ, Lê Trọng Huyến, Ngô Vĩnh Tuy được nhà Nguyễn cử giữ các chức quan Án sát bộ Hộ, Tri phủ Thanh Hóa.Sự thành đạt của ba vị Cử nhân đầu tiên của làng đã có tác động đến nhận thức của dân làng về vấn đề học tập của con cháu, về giá trị vẽ vang của một cá nhân đối với gia tộc, làng xã.
Như vậy, với những sinh hoạt và kết cấu: Gia đình- Dòng Họ- Làng nước, trong chừng mực nào đó con người bị ràng buộc vào những luật lệ của lễ giáo phong kiến .Tuy nhiên nhìn chung, người dân TTT tham gia việc Họ, việc Làng với tinh thần tự nguyện . Họ quan niệm được làm trưởng Họ hay Thủ chỉ làng để được “ hầu Ngài” thể hiện sự tri ân với Tổ tiên, đó là niềm vinh hạnh của bản thân và gia đình được đóng góp cho Họ, Làng. Quyền lợi đem lại cho cá nhân rất ít: hàng năm chỉ có vài cái đầu, hoặc cái nọng của vật phẩm cúng tế. Một quan niệm được khắc sâu trong tiềm thức của dân làng Thanh Thủy Thượng : lấy tiền bạc hay vật dụng của chùa, của Họ, của làng về làm của riêng thì suốt đời không cất đầu lên được.
XÓM LÀNG
Ngay từ khi mới thành lập, các vị khai canh của làng Thanh Thủy Thượng đã nhận nhau làm anh em, phân ngôi thứ. Cư dân trong làng sống đan kết với nhau không phân biệt dòng Họ, tập hợp nhau thành những điểm tụ cư nhỏ. Đó là xóm. Xóm có thể là nơi bao gồm những gia đình sống hai bên kiệt đường, hoặc là những tụ điểm độc lập như xóm chợ, xóm Lò.
Xóm chỉ là sự phân thế của làng về mặt cư trú, nhưng đối với người dân trong một xóm thì có sự gắn kết chặt chẽ với nhau về tinh thần cũng như vật chất:
“ Anh em xa , xóm giềng gần.”
“ Tối lửa tắt đèn có nhau ”.
Mỗi khi nhà nào có việc vui hay buồn như tang ma, hôn lễ, hỏa hoạn…thì người trong xóm luôn sẵn sàng đến giúp đỡ mà không hề tính công. Họ giúp dỡ tận tụy cho đến lúc hoàn thành công việc. Trong lao động sản xuất, người trong xóm đổi công cho nhau những lúc thời vụ khẩn trương. Tình cảm xóm giềng được hình thành và gắn bó với nhau một cách tự nguyện, mang tinh thần xã hội rõ rệt.
Mỗi xóm có một cái miếu thờ Thần. Những ngày đầu năm người trong xóm tự động quyên góp nhau để cúng xóm. Đó là lễ cúng cầu an đầu năm của xóm, thể hiện mong ước một năm sống mạnh khỏe, được mùa. Đêm cúng xóm, người dân tập trung ở miếu xóm cùng bàn bạc công việc làm ăn, chuyện trò vui vẻ.
Nhiều xóm họp lại thành một ấp. Đứng đầu mỗi ấp có một hương chủ, một ‘trùm’ ấp và một người làm ‘xâu’. Hương chủ điều hành việc chung trong ấp bao gồm việc thu thuế, thực hiện các nghĩa vụ phong kiến, bảo vệ thôn xóm. Trùm ấp giúp hương chủ trong các việc trên và chủ yếu lo việc cổ bàn trong các ngày tế lễ của ấp. Xâu còn gọi là ‘Mõ’ là người có địa vị thấp nhất trong xã hội, có nhiệm vụ thông báo tin tức của làng cho dân ấp.Mỗi ấp có một bộ đồ đưa đám tang. Khi trong ấp có người qua đời, gia đình đến nhờ ấp đưa đám, người ‘xâu’ đem thanh la đi đánh khắp xóm. Trai tráng trong ấp tập trung đầy đủ tại nhà hương chủ để đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Làng Thanh Thủy Thượng là nơi tụ cư của các gia đình con cháu của 12 Họ. Làng có bốn ấp, trong đó có xóm Lò và Xuân Sơn-Phường Chánh. Những người không phải con cháu 12 Họ đến cư trú trong làng gọi là dân ngụ cư. Những người ngụ cư phải chịu những nghĩa vụ phong kiến, nhưng không được hưởng các quyền lợi khác như nhận ruộng khẩu phân, tham gia việc làng. Thanh Dạ, Dương Phẩm tuy được gọi là làng nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ nằm trong khu vực làng TTT.
Dân làng Thanh Thủy Thượng suốt tuổi thơ được sống trong tổng thể gắn kết giữa quan hệ máu thịt, tình cảm xóm giềng, được tắm mình trong hồ nước Nguyệt Trì, ngụp lặn đùa vui giữa dòng sông Lợi Nông, được hái sim ngắm cảnh trên đỉnh Độn Sầm. Tuổi thơ ấy ghi mãi trong lòng mỗi dân làng TTT không chỉ là những kỷ niệm sâu sắc, mà là những tình cảm thiêng liêng, tạo nên sự gắn bó thiết tha với quê hương .
BỘ MÁY QUẢN LÝ LÀNG.
Buổi đầu khi mới lên khai phá, lập làng (Cảnh Hưng nguyên niên 1740) cư dân Thanh Thủy Thượng là một bộ phận kinh tế mới của xã Thanh Tuyền.Việc tổ chức quản lý làng do thập nhị Tộc trưởng điều hành . Đó là những vị có vai vế và uy tín trong Họ. Hội đồng Tộc trưởng tổ chức việc khai hoang lập làng. Mặt khác phải điều hành con cháu thực hiện các nghĩa vụ phong kiến từ tổ chức hành chánh của xã Thanh Tuyền phân bổ lên. Sau khi cuộc sống dân làng tương đối ổn dịnh, năm 1742, thập nhị Tộc trưởng đã làm đơn xin tách làng. Các Họ cũng lần lượt phân chia con cháu giữa hai làng Thượng, Hạ.
Đến trước năm 1776 bộ phận kinh tế mới này đã được nhà nước phong kiến công nhận là một đơn vị hành chánh có tên là Thanh Tuyền thượng thuộc tổng Sư lỗ, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.
Làng Thanh Tuyền Thượng có bộ máy quản lý làng, nhưng ruộng đất vẫn còn sở hữu chung với Thanh tuyền hạ. Đến năm 1808 triều Gia Long tạm phân điền thổ giữa hai làng, từ đó Thanh Tuyền thượng mới trở thành đơn vị kinh tế, hành chánh cơ sở của nhà nước phong kiến.
Làng TTT đã tổ chức xây dựng bộ máy quản lý làng như sau :
+ Hội đồng quan viên làng : Còn gọi là Hội đồng kỳ mục, đó là bộ máy quản lý làng, gồm các chức sắc quan lại về hưu , tân cựu Thập nhị Tộc trưởng . Đứng đầu Hội đồng quan viên làng là một Tiên chỉ và thứ chỉ. Đây là cơ quan có toàn quyền quyết định những công việc quan trọng của làng: phân bổ thuế khóa, sưu dịch, binh tráng, bầu Lý trưởng, phó lý, phân cấp công điền, xây dựng và tu bổ đình chùa, tổ chức hội làng. Những thành viên của Hội đồng là những người có chức sắc, có uy tín và vai vế trong các Họ. Hội đồng không do dân cử và không cần sự công nhận của nhà nước phong kiến. Tiên, thứ chỉ là những người có phẩm hàm, chức tước cao nhất làng, đã tham gia bộ máy nhà nước phong kiến được về nghỉ hưu. Những vị Tiên chỉ của làng Thanh Thủy Thượng qua các thời kỳ như : Điển tri Ngô Hữu Trí, Phó quản cơ Ngô Văn Tuyên, Lãnh binh Ngô Văn Hoài, Chánh quản Ngô Đồng, Chánh quản Lê Viết Khuê …
+ Bộ phận chức dịch: Còn gọi là lý dịch, đây là bộ phận thi hành kế hoạch do Hội đồng quan viên làng đề ra. Bộ phận lý dịch là tổ chức đại diện bộ máy nhà nước phong kiến tại làng, chịu trách nhiệm thu nộp các khoản sưu thuế, phu lính cho nhà nước phong kiến. Đứng đầu bộ máy này là Lý trưởng và phó lý do Hội đồng viên quan làng cử ra. Ngoài ra còn có một số người giúp việc cho tổng Lý : Cai tuần, cai binh, tri lễ…
Trên danh nghĩa công việc làng do Hội đồng viên quan làng quyết định, nhưng trên thực tế trong việc giải quyết các công việc làng, Tiên thứ chỉ và hội đồng viên quan làng thường giữ thái độ ôn hòa vì đã được các lý dịch lo lót trước. Bởi vậy tiếng nói quyết định thuộc về tổng, phó lý. Đó là những người chịu trách nhiệm trước nhà nước phong kiến về các nghĩa vụ sưu thuế, phu dịch và sự tuân thủ luật pháp của các thành viên trong làng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình- trong bối cảnh một xã hội tiểu nông chồng chất những mâu thuẫn, khó khăn- trưởng phó lý thường tạo cho mình có uy quyền tuyệt đối. Nhân danh là người đại diện cho nhà nước phong kiến tại làng, lý dịch tìm cách lũng đoạn ruộng đất công, tiền công quỹ…Từ ngày nào còn là nông đân, một bộ phận tha hóa thành tầng lớp ‘quan liêu’ ở làng.
Từ thế kỷ 19 trở đi sự phân hóa đẳng cấp phát triển mạnh và bắt đầu ngự trị trong đời sống dân làng. Sự phân hóa ấy thể hiện qua việc phân hạng cấp bậc dân làng và hệ thống tôn ti trật tự ở chốn đình trung. Dân làng tùy theo phẩm hàm, chức tước, bằng cấp và điền sản của mình mà được phân định vào một trong các đẳng cấp sau :
+ Hạng chức sắc : gồm những người đã đỗ đạt làm quan, khi về hưu trở thành những người có chức tước, danh vọng của làng, được mọi người kính nể. Tùy theo chức vụ mà tên mỗi người có tên gọi khác nhau: Chánh Đồng, Lãnh Khuê, Đội Long…Những người được triều đình phong kiến ban phẩm hàm từ cửu phẩm trở lên, tên gọi cũng được gắn kèm với chức phẩm: Cửu Chi, Thất Liên, Lục Điền. Những vị Tộc trưởng cũng là những vị chức sắc của làng; Trưởng Khuê, Trưởng Hào…Ngoài ra các cựu trưởng, phó lý cũng được dự phần trong hàng ngũ chức sắc.
Hạng chức sắc là đẳng cấp cao nhất trong làng, được ăn trên ngồi trước, được tham gia bàn bạc công việc chung của làng, được miễn sưu dịch và các quyền lợi khác.
+ Hạng chức dịch : gồm trưởng phó Lý và các bộ phận giúp việc.Chức dịch là những người trực tiếp điều hành công việc chung của làng.
+ Thí khóa sinh : Khóa sinh bao gồm những người được chấm đậu kỳ thi sơ cấp của tỉnh. Thí sinh gồm những Nho sinh đã qua một kỳ sát hạch ở tỉnh và được lựa chọn cho đi thi hương nhưng không đỗ Cử nhân.
Ba hạng trên tập hợp thành Hội tư văn còn gọi là Quan viên làng.
Dân còn lại trong làng được chia làm ba hạng :
+ Lão hạng : từ 60 tuổi trở lên, những người này không phải nộp thuế thân, phu phen tạp dịch hay những công việc phục dịch khác của làng trong các ngày lễ tế.
+ Dân đinh : Trai làng được nhận ruộng khẩu phân từ 16 tuổi đến 59 tuổi. Những người này chỉ được gọi bằng tên, khi ra đình làng chỉ đứng dựa cột đình để nghe các cụ sai bảo. Dân đinh là những người phải đóng nghĩa vụ nặng nề nhất. Phải tham gia việc làng việc nước. Phải đóng thuế đinh, thuế điền. Dân đinh là lực lượng nông dân đông đảo, sản xuất ra sản phẩm để nuôi sống xã hội.
+ Hạng ti ấu : Là những trẻ em dưới 16 tuổi đang còn nương nhờ vào cha mẹ.
Như vậy, mỗi người dân trong làng tùy theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tuổi tác của mình mà được xếp vào một ngôi thứ. Được đứng vào đẳng cấp quan viên làng được hưởng những quyền lợi về ruộng khẩu phân, quà cáp chia biếu, có vị trí ở đình làng, có chức năng quyền hạn trong tế lễ hay trong họp bàn công việc chung. Những người có chức tước phẩm hàm càng cao thì càng được xếp vào bậc danh giá, được hưởng nhiều quyền lợi vật chất, tinh thần. Chế đẳng cấp ở làng trở thành một trục trung tâm chi phối mọi công việc và đầy sức hút đối với mọi người. Địa vị gắn liền với lợi ích. Có chức là có quyền, có quyền là có lợi. Muốn được củng cố, duy trì, tăng thêm quyền lợi cho mình phải có chỗ đứng. Một địa chủ dù giàu có đến đâu nhưng không có phẩm hàm chức tước, thì cũng bị mọi người gọi bằng tên. Chế độ đẳng cấp và hệ thống quan liêu phong kiến đầy hấp dẫn đối với mọi người trong làng, làm cho dân làng tìm cách tạo cho mình một chỗ đứng trong hệ thống thang bậc đẳng cấp đó.
Đến khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, lúc đầu phong trào chống pháp của nhân dân ta còn mạnh thì Pháp còn giữ nguyên hệ thống tổ chức làng xã như cũ. Năm 1898 cùng với việc đo lại ruộng đất, cấp châu bộ ruộng đất Thành Thái, thực dân Pháp đã tổ chức lại bộ máy tay sai ở làng.
Bộ máy quản lý làng thời kỳ Pháp thuộc có hai bộ phận :
Hội đồng Hào mục vẫn chức năng nhiệm vụ như cũ nhưng trong đó thực dân Pháp đề cao vai trò của Thập nhị Tộc trưởng.
Thay vì bộ phận lý dịch, Pháp đề ra hội đồng Lý hương: Đây là cơ quan thừa hành, là bộ phận tay sai của Pháp ở các làng xã. Đứng đầu là Lý trưởng, phó Lý và có ngũ hương giúp việc :
Hương bộ : coi về việc ruộng đất, sinh đẻ, giá thú.
Hương bản : còn gọi là Khán thủ coi về việc tài chánh của làng.
Hương kiểm : coi về việc tuần phòng an ninh thôn xóm.
Hương mục : coi về đường sá cầu cống trong làng.
Hương dịch : lo việc liên lạc giữa làng và cấp trên.
Năm 1942 một Đạo dụ của Nam triều và Khâm sứ Pháp quy định rõ về thành phần quyền hạn của Hội đồng hào mục và trưởng, phó lý để quản lý chặt chẽ làng xã.
Làng TTT được tập hợp trên cơ sở quan hệ huyết thống và quan hệ xóm giềng, cho nên ảnh hưởng của các Họ ở trong làng chi phối mạnh mẽ đến việc quản lý làng xã. Vai trò của Thập nhị Tộc trưởng có địa vị quan trọng trong bộ máy quản lý làng xã. Sự tồn tại lâu dài chế độ ruộng đất công và chính sách phân cấp quân điền có tác động mạnh đến chức năng bộ máy quản lý làng xã. Tác động đó bao gồm cơ sở kinh tế và hình thức sở hữu tư liệu sản xuất . Với cơ sở kinh tế đó, người nông dân mang trong mình hai đặc điểm: Một là luôn dự tính, từ dự tính kinh tế đến dự tính xã hội. Hai là với nền nông nghiệp đó, cho phép người nông dân sống theo nhịp điệu, khi đến thời vụ thì khẩn trương làm việc ‘đầu tắt mặt tối’, khi nông nhàn thì vừa làm vừa nghỉ ngơi .
Sự phân hóa đẳng cấp ngày càng sâu sắc của xã hội phong kiến đã làm cho bộ máy quản lý làng dần dần thuộc vào tay những người có chức tước, tầng lớp Nho sĩ và những người có vai vế trong làng.
Có trình độ, có tâm huyết lại ở vào thời kỳ sơ khai lập làng, vì thế hầu hết các thành phần trong bộ máy quản lý làng qua các thời kỳ đã đoàn kết được dân làng tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, các công trình văn hóa xã hội, cơ sở vật chất, tinh thần của làng ngày càng phát triển.