Vô thường, khổ, vô ngã

– Thưa Thầy, con đọc trong quyển sách hướng dẫn Thiền của Ngài U Sīlananda, Ngài nói rằng mục đích của thiền Vipassanā là thấy thực tánh “vô thường, khổ, vô ngã”. Con hiểu cụm từ này rất mù mờ, ví dụ như khổ thì không phải lúc nào cũng có để mà thấy. Kính xin Thầy dạy cho con hiểu rõ hơn về vô thường, khổ, vô ngã?

 

– Cụm từ “vô thường, khổ, vô ngã” không nên hiểu theo định nghĩa từ điển mà phải thực thấy; cũng không cần thiết phải thấy hết cả ba mà chỉ cần thấy một trong 3 đặc tính đó thôi là được. Tùy theo căn tính mà người thấy vô thường, người thấy khổ, người thấy vô ngã. Thấy một đặc tính thì tự nhiên thấy hai đặc tính kia.

 

Khổ có 3 loại: Khổ tự nhiên, khổ quả và khổ ảo. Khi chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy ra khổ tự nhiên rất cần thiết trong đời sống, nếu mất đi khả năng cảm nhận được khổ này thì còn tệ hơn đời sống thực vật và sẽ chỉ sống như gỗ đá mà thôi. Còn khổ quả thì đã tạo nhân sai xấu ắt gặp quả khổ sầu, vì vậy khổ quả mang tính giáo dục rất cao, giúp nhận ra sai lầm để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Cuối cùng là khổ ảo do thái độ tâm lý tạo ra. Đó là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ, chỉ phát sinh khi vô minh ái dục tức có phi hữu ái, hữu ái và dục ái mà thôi.

 

Vô thường tuy có nghĩa là biến đổi mà ai cũng biết, nhất là các nhà khoa học, nhưng chứng ngộ vô thường là chuyện khác. Không đơn giản là chỉ thấy mọi sự mọi vật biến đổi thôi, chủ yếu là thấy mọi biến đổi mà tâm không dao động, không bị chi phối mới gọi là thấy vô thường. Như khi đi qua một cánh đồng thấy gia đình nọ đang thiêu một xác chết nhưng thấy họ rất bình tĩnh, không hề dao động, đức Phật hỏi mới biết họ đang thiêu đứa con trai duy nhất vừa mới bị rắn cắn chết, trong đó có cả người vợ trẻ cũng đang rất tỉnh táo trước cái chết của người chồng. Họ đều nói vô thường là chuyện bình thường, với người đã khuất họ đã đối xử hết lòng khi còn sống với nhau nên không có gì phải phải đau buồn ân hận khi phải chia tay giã biệt. Đức Phật khen ngợi họ đã thực sự thấy vô thường, tức đã biết trả pháp lại cho pháp như nó là.

 

Vô ngã cũng vậy, khi đã thấy vô thường, đau khổ không như ý mình thì mới nhận ra chẳng có gì là “ta” và “của ta” cả. Thật ra mọi cơ cấu hoạt động của thân, tâm và cảnh đều là sự vận hành của pháp tự nhiên, dù có thêm vào khái niệm “ta” hoặc “của ta” hay không thì pháp vẫn vậy: Tim vẫn đập, máu vẫn chảy… nhưng khi có “cái ta sợ hãi” xen vào thì mới sinh ra nhồi máu cơ tim. Cho nên trong 3 đặc tính của pháp thì vô ngã là quan trọng nhất. Tu không phải để thoát khỏi vô thường, khổ, vô ngã mà là thấy ra 3 đặc tính đó để không sống chủ quan theo tư kiến tư dục, biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha.