Pháp Lục Hoà
1. Thân hoà:
Nên dùng thân này làm việc lợi ích cho mình và cho người. Chúng ta không lấy thân để đánh đập kẻ khác hoặc tìm phương kiếm cách làm hại kẻ khác . . .
Trái lại ta dùng thân này làm các việc hữu ích cho kẻ khác, như viết kinh sách cho người xem; làm nhà cho người ở, trồng cây cho người hưởng trái, làm cầu, đắp đường, sắc thuốc dùm người bệnh, dìu dắt, nâng đỡ người yếu đuối . . .
2. Khẩu hoà:
Là chúng ta luôn luôn nói lời êm dịu, mát mẻ, không chửi mắng, nói những lời độc ác, hoặc nói lời đâm thọc làm cho chia rẽ giữa người này với người khác.
Khẩu hoà này muốn cho thực hành đầy đủ, ta nên dùng cái miệng vào việc thuyết pháp, giảng kinh, dạy học cho mở mang trí huệ về đời cũng như đạo, nói lên những lời tán dương công đức, hoặc khẩu thường tụng niệm, cầu nguyện cho tất cả chúng sanh được an vui hạnh phúc, và nhờ lời nói hiền hoà của mình, mà chúng sanh được nhiều lợi ích, nhất là hoà nhã với nhau, do đó sẽ không còn có oan trái oán thù nhau.
3. Ý hoà:
Là chúng ta có tâm luôn luôn mát mẽ, sẵn sàng thông cảm với cái hay, cái đẹp của mọi người cùng sống chung . Với ý hoà, chúng ta tỏ ra nhu thuận và rộng rãi hay tha thứ cái không hay, không đẹp cho kẻ khác, nhất là không chấp nê một điều quấy lỗi nào của người, chỉ nhắm vào một chiều hướng duy nhất là điều hay lẽ phải của họ, ngỏ hầu ta đem tâm hoan hỷ hoà đồng với họ, để thực hiện điều lợi ích cho mình cùng tất cả người chung quanh mình.
4. Lợi Hoà:
Là khi có một lợi lộc nào phát sanh, ta nên chia sớt cho nhau, để đồng hưởng, nhất là công lợi. Dù tư – lợi, ta cũng nên phân chia cho người ở chung với mình, chẳng nên tham lam, dành phần lớn cho mình, để phần nhỏ và xấu cho kẻ khác. Muốn chận đứng lòng tham, dứt trừ bỏn – xẻn, ta nên noi theo lời Thánh Ngôn của Đức Xá Lợi Phất:
“Tôi sẵn sàng chia sớt phần cơm của tôi, cho người đói, rồi tôi mới ăn sau”
5. Giới Hoà:
Là chúng ta phải có giới hạnh nghiêm trang, chúng ta là Phật tử, ngũ giới là phần căn bản mà mỗi người phải thực hành trước hết, nếu sống trong một đoàn thể, ai ai cũng giữ giới, song riêng ta là người phá giới. Ấy là giới bất hoà, thậm chí ai khuyên nhắc cũng không chừa.
Người tại gia tối thiểu hơn hết là phải giữ 5 giới. Còn bậc xuất gia phải thọ trì Cụ Túc GIới. Nhất là bậc xuất gia, tối quan trọng về sự trì giới, có câu: “Trụ Phật gia, trì giới vi bản”. Nếu không giữ giới cho hoà đồng với nhau, ắt sự bất hoà sẽ phát sanh và cuối cùng phải xa lánh nhau, không thể nào chung tu chung học với nhau được.
6. Kiến Hoà:
Là sự hiểu thấy giống nhau, nghĩa là hàng Phật tử chúng ta cần phải có tri kiến đúng đắn. Chúng ta không nên ép người khác phải chìu theo tri kiến của mình nếu tri kiến ấy không được chính đáng. Một lập luận riêng mà mình cho là hay, là đúng, điều đó có thể sai, vì không đúng theo kinh, luật, luận của Đức Thế Tôn giáo truyền. Bất cứ trường hợp nào trước chơn lý ta cũng phải tôn trọng. Không vì một tri kiến riêng tư cho rằng cái nào thuộc về mình là tốt, còn cái của người khác thì cho là sai.
Người Phật tử luôn có một kiến thức rất cởi mở không gò bó trong phạm vi nhỏ hẹp, vì tôn giáo riêng, vì chủng tộc riêng, vì đoàn thể riêng . . . Trái lại phải hiểu thấy hoà nhịp với đại đồng tập thể. Riêng chỗ nào tri kiến của ta không thấu – triệt được, thì nên nhờ các vị thiện trí thức là bậc cao minh chỉ dạy cho, rồi chúng ta kiến hoà đồng giải với nhau. Lại nữa trong bước đường tìm chơn lý, tri kiến là phần quan trọng nhất, do đó, đoàn thể Tăng chúng cũng như tập thể thiện nam, tín nữ không thể dùng tri kiến riêng tư được, trái lại phải hiểu theo kinh luật Phật dạy, người nào cải kinh, luật, gọi người ấy là kiến thức bất hoà.
Nói tóm lại, pháp lục hoà đem lại sự an vui thiết thực cho người sống tập thể, dù tại gia hay xuất gia, kể từ hai người trở lên đã phải áp dụng lục hoà ngay.
Trích trong: Pháp Lục Hoà
Hoà Thượng Giới Nghiêm biên soạn
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Pháp lục hòa
7 Months Ago.