* Thiền sinh: Có những lúc con thấy tâm mình rất mờ, mờ đến mức không thể tập trung vào việc gì được cả. Dù cố thế nào chăng nữa cũng không thể chú tâm được vào bất cứ cái gì.
Thiền sư: Đừng cố làm gì cả , và cũng đừng bao giờ cố gắng chú tâm. Kiểm tra lại xem mình đang cảm thấy như thế nào về cái tâm mờ mịt ấy.
Khi mọi việc không giống như chúng ta nghĩ, tâm liền cho rằng: chúng ta phải làm một việc gì đó ngay, chúng ta cần phải cải thiện tình trạng ấy.
Nếu có thái độ sai lầm như thế, bạn sẽ càng khó làm việc với tình huống hiện tại. Nếu không thấy ra được thái độ sai lầm này, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy bạn hành động hay phản ứng.
Nếu thấy mình ở trong tình huống khó khăn như vậy, thay vì cố gắng làm một điều gì đó, bạn hãy dừng lại một chút và suy nghĩ. Hãy nhìn vào sự việc, suy nghĩ xem điều hợp lý nhất nên làm là gì, rồi nhìn tiếp vào những gì đang diễn ra. Suy nghĩ cẩn thận về những điều mình sắp làm còn quan trọng hơn việc làm điều gì đó để thoát ra khỏi tình huống hiện tại.
* Thiền sinh: Nhưng khi tâm mờ mịt thì rất khó để nghĩ ra được điều gì.
Thiền sư: Chỉ chấp nhận như nó đang là.
Đây là điều rất quan trọng. Nếu không thể chấp nhận được hoàn cảnh, không chấp nhận được khó khăn, bạn sẽ không thể quan sát được nó.
Hãy chấp nhận cảm giác mờ mịt đó như là một tính chất của tâm, một cách thức hoạt động mà bỗng nhiên tâm rơi vào trong lúc này.
* Thiền sinh: Nhưng khi tâm mờ, nó mụ mị
Thiền sư: Thái độ của bạn đối với trạng thái tâm đó như thế nào mới thực sự là điều quan trọng. Nếu cảm thấy tiêu cực, bạn sẽ không thể làm được điều gì, không thể học hỏi được gì từ nó.
Tự nhắc mình rằng: cảm giác mụ mị chỉ là một trạng thái tâm.
Tự nhắc mình rằng: mình muốn hiểu được trạng thái tâm này, hiểu cách thức hoạt động của nó như thế nào.
Như vậy, chính trạng thái tâm mờ đó sẽ trở thành đề mục để bạn quan sát. Hãy quan sát những gì diễn ra với nó. Nó có trở nên mờ hơn hay giảm mờ đi? Bây giờ bạn đã biết cách làm, lần sau nếu tâm mờ, hãy thử làm xem sao.
Một lần nữa bạn thấy thông tin hướng dẫn quan trọng đến mức nào. Mới hôm vừa rồi, tôi có nói với một thiền sinh người Miến rằng: mỗi khi có một cảm xúc sanh khởi trong tâm, bạn hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi cảm thấy cảm xúc đó hay là hay biết nó?”. Nói cách khác: “Bạn sẽ quan sát nó tách biệt như một người bên ngoài nhìn vào, hay sẽ nhào vô, tham gia vào cảm xúc đó?”.
Câu hỏi đó đã tạo nên sự thay đổi rất lớn cho rất nhiều thiền sinh. Chỉ cần nghĩ đến câu hỏi đó, chỉ cần đặt câu hỏi đó thôi cũng đem lại sự khác biệt lớn cho cách phản ứng của tâm.
Bạn cần có thông tin hướng dẫn đúng đắn để có được cách suy nghĩ đúng đắn và để có được thái độ đúng đắn.
Trích trong : “Chỉ Mỗi Chánh Niệm Thì Không Đủ”
Ngài Thiền sư Sayadaw U Tejaniya
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Vấn đáp – Sayadaw U Tejaniya
7 Months Ago.