Hỏi: TÂM SANH LÊN DO MẤY NHÂN? GIẢI THÍCH?
Ðáp:
Tâm là một pháp hữu-vi (saṅkhāradhamma), cho dù là loại tâm nào: Dục-giới, Sắc-giới, Vô-sắc-giới hay Siêu-thế tâm, đều phải sanh khởi do có nhân có duyên cả, mỗi loại nhân duyên tương ứng cho từng loại tâm cá biệt. Nhưng tổng quát thì tâm sanh lên do bốn nguyên nhân:
a- Nghiệp quá khứ (aṭīṭakamma)
b- Có cảnh (ārammaṇa)
c- Có sở-hữu (ceṭasika).
d- Có vật nương (vaṭṭhu).
* Gọi là “Do nghiệp quá khứ” là sự tích lũy thiện nghiệp hay bất-thiện nghiệp trong quá khứ, nghiệp này tạo thành quả luân-hồi, khiến chúng sanh luân chuyển trong thế-gian .
Khi một kiếp sống vừa dứt, chính nghiệp thiện hay bất-thiện tạo ra một tâm quả (vipākaciṭṭa) nối liền giữa kiếp sống mới và kiếp sống cũ, thuật ngữ Abhidhamma gọi là Thức Nối Liền (paṭisandhiviññāṇa) hay Thức Tái Tục. Sau thức tái tục ấy là những chuỗi dài tâm thức nối tiếp nhau sanh diệt, nếu giống như thức tái tục thì nó mang tên là hữu-phần tâm (bhavaṅga) có nhiệm vụ duy trì đời sống tâm thức.
Trong đời sống bình nhật của chúng sanh, tâm sanh diệt nối tiếp nhau như những giọt nước trôi chảy tiếp nối trên dòng sông “cuộc sống”. Trong quá trình sanh diệt của dòng tâm hữu-phần ấy, cảnh từ bên ngoài du nhập vào, hay tự khởi hiện ở bên trong, đã làm nảy sinh những loại sở-hữu sai biệt, và tâm có tên gọi khác nhau vì những sở-hữu ấy, ví như chỉ là nước thôi, nhưng khi hòa lẫn với trà thì có tên gọi là nước trà, khi hòa với muối thì có tên là nước muối, kết hợp với đường thì có tên là nước đường… cũng từ những sở-hữu ấy mà tâm có đặc tánh thiện, bất-thiện hay vô-ký (abyākaṭa).
Nghiệp quá khứ ở đây chỉ cho nghiệp luân-hồi (vaṭṭakamma), nghiệp này do phiền-não luân-hồi (vaṭṭakilesa) quến tụ, tích lũy, từ đó tạo ra quả luân-hồi (vaṭṭavipāka). Pháp khởi sinh đầu tiên của quả luân-hồi chính là THỨC TÁI TỤC, đưa chúng sanh từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, từ cõi người sang khổ-giới, thiên-giới hoặc ngược lại từ thiên-giới sang nhân-giới, khổ-giới hay từ khổ-giới sanh về nhân-giới, thiên-giới… từ hình thức này chuyển sang hình thức khác tương ứng với quả nghiệp ấy, như từ tướng bàng-sanh trở thành tướng nhân loại, chư-thiên hoặc ngược lại.
Trong Thập nhị Duyên-khởi có ghi rằng:
“Avijjā paccayā saṅkhārā. Saṅkhārā paccayā viññāṇaṃ…”.
“Vô-minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức…”
Vô-minh chính là phiền-não luân-hồi, hành là nghiệp luân-hồi và Thức là quả luân-hồi.
Vị Thánh A-la-hán đã diệt tận phiền-não luân-hồi, do đó nghiệp luân-hồi cũng tuyệt, thế là chẳng còn quả luân-hồi, sau đời sống ấy chẳng còn đời sống nào khác cho vị Thánh Lậu-tận. Như Phật-ngôn dạy rằng:
“Avijjāya ṭveva asesa virāga nirodhā saṅkhāra nirodho saṅkhāra nirodhā viññāṇa nirodho…”.
“Nhờ Thánh-đạo nên Vô-minh diệt, Vô-minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt…”.
Vị Thánh A-la-hán khi chưa Vô-dư Níp-bàn (parinibbāna), trong đời sống còn lại, các Ngài vẫn còn tâm thức, nhưng đó chỉ là dư sót quả của nghiệp luân-hồi quá khứ, ví như hơi nóng dư tàn của đống lửa đã tắt (đống lửa tắt ví như phiền-não đã bị tận diệt). Trong hiện tại vị Thánh A-la-hán đã đoạn trừ phiền-não, nghiệp luân-hồi quá khứ, ngay cả phiền-não, nghiệp luân-hồi hiện tại cũng chẳng còn. Do đó mới gọi là “chẳng còn đời sống nào nữa sau kiếp sống này”, tức là các Ngài sẽ Vô-dư Níp-bàn, đạt trạng thái vô sanh, bất tử.
Tóm lại, vị Thánh A-la-hán chẳng còn dư sót lậu-hoặc hay phiền-não gì cả, dù chỉ là chút ít.
* Gọi là “Có cảnh” vì đặc tính của tâm là “BIẾT CẢNH”, như thế, cảnh là điều kiện phải có để tâm sanh lên bắt lấy, nếu không có cảnh (đối tượng) thì tâm không thể hiện khởi được, ví như nước là điều kiện cho sự sống của cá, không có nước, sẽ không có cá. Cũng vậy, không có cảnh thì tâm không thể sanh lên được.
Ðã là cảnh tất nhiên có nhiều loại cảnh, có cảnh tốt, có cảnh xấu. Và do nương theo cảnh tâm sanh lên có tốt cũng có khi xấu, có khi thiện, có khi bất-thiện. Nên ghi nhận rằng: Không nhất thiết cảnh tốt tạo tâm tốt, cảnh xấu tạo tâm bất-thiện. Vị Tỷ-kheo tu quán với đề mục bất mỹ (asubha), thấy cảnh xác chết (là cảnh xấu) nhưng tâm quán sát lại là tâm thiện, đức Ðế-thích thấy nàng tiên nữ Rohinī (là cảnh-sắc tốt) nhưng tâm Ngài rơi vào luyến ái tiên nữ Rohinī, đó là tâm bất-thiện tham.
* Gọi là “Có sở-hữu” (ceṭasika)”, sở-hữu tâm là pháp tùy thuộc Tâm, tâm chỉ có chức năng BIẾT CẢNH, phần tạo tác trở thành thiện, bất-thiện hoặc phi thiện phi bất-thiện là do chức năng của sở-hữu tâm. Nói cách khác, tâm có vai trò lãnh đạo, phần thực hiện tạo thành kết quả sai biệt chính là sở-hữu tâm. tâm là pháp thuộc lĩnh vực tinh thần, thì sở-hữu tâm cũng thuộc lĩnh vực tinh thần, là Danh-pháp. Sở dĩ tâm trở nên đa dạng, phức tạp mang nhiều loại tên khác nhau là do tác năng của sở-hữu. Do đó gọi là “có sở-hữu”, ví như có nhiều tài sản mới được gọi là Trưởng-giả, hay có bảy báu mới được gọi là Chuyển-luân vương, mặt dù tài sản chỉ là vật phụ thuộc của Trưởng-giả, bảy báu chỉ là tài sản tùy thuộc vào vua Chuyển-luân. Cũng vậy, phải có sở-hữu, tâm mới sanh khởi được, tuy rằng sở-hữu tâm là vật phụ thuộc vào tâm.
Trong Dhammapāda có ghi rằng:
“Dūraṅgamaṃ ekacaraṃ
Asīrīraṃ gūhāsayaṃ. Yeciṭṭaṃ…”.
“Lao mình vào cuộc hành trình xa xôi dịu vợi, đó đây đơn độc, không thể xác, nằm trong hang. Ðó là Tâm..”. (Pháp Cú 37)
Có câu hỏi rằng: Chữ eka (đơn độc) chẳng phải chỉ cho tâm không thôi, không có sở-hữu sao?
Ðáp rằng: Không phải như thế, chữ eka (đơn độc) ở đây, không phải chỉ cho mỗi pháp tâm, ÐƠN ÐỘC ở đây có nghĩa là: Trong từng thời điểm một, cho dù là thời điểm cực ngắn (khaṇa – sát na), chỉ có một cái tâm (và sở-hữu hợp với nó) có mặt, không thể tìm thấy hai cái tâm trong cùng một thời điểm.
Cũng không nên hiểu eka (đơn độc) chỉ cho một cái tâm “thường trụ bất biến” như một vài chủ thuyết về đại-ngã hay linh-hồn.
Chính Ðức Phật đã dạy trong Aṅguṭṭara nikāya:
“Yāvañcidaṃ bhikkhave upemā pi na sukarā yāva lahuparivaṭṭaṃ ciṭṭaṃ
– Này các Tỷ-kheo! Tâm này sanh diệt cực kỳ mau lẹ, rất khó tìm ví dụ nào để diễn tả sự mau lẹ đó được”.
Như tâm hữu-phần (bhavaṅgaciṭṭa) chẳng hạn, chẳng phải chỉ một cái tâm hữu-phần này kéo dài trong kiếp sống, mà là một chuỗi sanh diệt liên tục của loại tâm đó, như dòng điện chẳng phải một hạt âm điện tử (elecṭron) mà là sự kết hợp không gián đoạn của vô số hạt âm điện tử ấy chạy nối tiếp nhau.
Cũng vì tính chất sanh diệt quá mau lẹ như thế của tâm, một số chúng sanh có chủ thuyết rằng: Chính “cái Tâm” (một cái tâm) ấy tinh anh trong sạch, cao khiết, nhưng bị cảnh trần làm ô nhiễm, nên tâm bị nhơ bẩn, ví như viên ngọc trong sáng bị vấy bùn nên không tỏa sáng được, không làm hiển lộ màu sắc-tinh diệu, cần phải tẩy trừ cấu uế phiền-não để trả tâm về trạng thái nguyên thủy tinh anh lúc ban đầu, chính cái tâm này BẤT BIẾN không thay đổi và THƯỜNG HẰNG.
Nên trả lời rằng: Tâm là một pháp hữu-vi, những gì thuộc về pháp hữu-vi hằng phải thay đổi, hoại tiêu theo tướng trạng vô-thường, như Phật-ngôn:
“Sabbe saṅkhārā aniccāṭi …”.
Tất cả Pháp hữu-vi đều là Vô-thường …”.
Danh từ bhavaṇga (hữu-phần) được các triết-gia Tây-phương gọi là TIỀM THỨC. “Tiềm thức” là một ṅgăn đặc biệt” ở trong tâm, nằm dưới tâm thức. Nhưng giáo-lý Abhidhamma không chấp nhận, vì nếu như thế thì trong một thời điểm có hai loại tâm cùng hiện hữu, đó là THỨC và TIỀM THỨC. Như vậy, sai lệch ý nghĩa từ eka (đơn độc).
* Gọi là “Vật có nương”. Ðây là nói về cõi Ngũ-uẩn. Trong cõi Ngũ-uẩn, tâm là một pháp phải nương vào vật (vaṭṭhu), như Pháp-cú câu 37: “… Gūhāsayaṃ – nằm trong hang”, là chỉ vật (vaṭṭhu) nương cho tâm. Chính tại nơi này tâm sinh lên, trụ và diệt tại nơi ấy, như Phật-ngôn dạy rằng: “Nhân sinh nơi nào, diệt tại nơi ấy”
Trong bốn nhân sinh tâm, ba nhân đầu phổ biến khắp mọi cõi hữu tâm, riêng “vật có nương” chỉ nói đến cõi Ngũ-uẩn mà thôi. Cõi Vô-sắc do năng lực thiền-định của thiền Vô-sắc mà Hành giả đã tu-tiến chứng đạt được, năng lực thiền này đã tách lìa danh-pháp và sắc-pháp, nên ở cõi Vô-sắc tâm không cần có vật nương, như bong bóng lơ lửng giữa hư không do có chất khí chứa bên trong.
Tóm lại, tâm sanh lên do bốn nhân như đã giải, cũng do nhân này mà chủ thuyết ṅhất thế duy tâm tạo” (mọi sự đều do tâm tạo) không đứng vững. Mặc dù tâm tạo tác các thành phần khác nhau trở thành phức tạp, nhưng chính tâm vẫn là pháp “bị tạo” vậy.
Trích: Vấn Đáp Đại cương Vi Diệu Pháp và Tâm
Tỳ kheo Chánh Minh
Fb Erudite Egress
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.