Câu hỏi: Thưa Ngài! Vì sao Myanmar là đất nước Phật giáo, nhiều thánh Tăng như vậy, cả đất nước là Phật tử mà giờ lại nhiều đau thương tới vậy (nội chiến, lạc hậu, đói nghèo…). Điều này khiến con nghi ngờ liệu Nhân Quả có thật sự công bằng hay không?
Thiền sư Ottamatha trả lời : Đây là góc nhìn thông thường của người Thế gian. Tuy nhiên, góc nhìn của Phật – Pháp – Tăng lại hoàn toàn trái ngược.
Thực hành Thiền là thay đổi góc nhìn của chúng ta, từ cái nhìn của người bình thường sang góc nhìn của Sự thật, góc nhìn của Phật – Pháp – Tăng.
Để làm được như vậy, cần có nguồn sức mạnh rất to lớn để chuyển từ góc nhìn thông thường sang góc nhìn của Phật – Pháp – Tăng. Và không gì khác hơn, sự Khổ chính là nguồn sức mạnh lớn nhất để giúp chúng ta thay đổi góc nhìn này.
Càng nhiều khổ đau, chúng ta sẽ càng có động lực để thay đổi góc nhìn. Và cũng bằng cách này – thấy ra sự Khổ – Myanmar đã trở thành một quốc gia Phật giáo.
Tại các quốc gia Phật giáo, rất nhiều người có thể chuyển đổi từ góc nhìn thông thường sang góc nhìn của Phật – Pháp – Tăng.
Điều tương tự cũng đã xảy ra tại Ấn Độ. Bạn có thể thấy rằng: có rất nhiều người đau khổ tại nơi đây. Họ thực sự cần được giúp đỡ.
Người Ấn Độ đã tìm nhiều cách để thoát khỏi đau khổ. Và chính Đức Phật của chúng ta cũng là một trong số đó.
Nếu không có nhiều đau khổ, sẽ không có nhiều nỗ lực để thoát khỏi khổ đau. Nếu không có nỗ lực để thoát khỏi khổ đau, sự Giác ngộ sẽ không xuất hiện. Các vị Phật cũng sẽ không xuất hiện trên Thế giới này.
Nếu bạn không thấy ra Khổ, liệu bạn có tu tập không? Bạn phải thấy ra Khổ, bạn mới có thể thấy ra Sự thật và Giác ngộ.
Vẫn có một số người có thể đạt được Giác ngộ, không phải tại các quốc gia có đạo Phật. Nhưng số lượng này chiếm rất ít. Rất hãn hữu.
Nơi đâu có hiện thân của Đức Phật, nơi đó tiềm năng Giác ngộ được mở rộng. Bởi khi đó, mọi người có thể nương tựa vào nguồn sức mạnh không giới hạn của Phật – Pháp – Tăng.
Tất cả các vị Phật trong quá khứ đều đã đạt được Giác ngộ khi xã hội ngập chìm trong biển Khổ.
Bạn cần ghi nhớ một Sự thật rằng: nếu chất liệu khổ đau không hiện tiền, Đức Phật có thể đã không Giác ngộ.
Vì vậy, Khổ và Giác ngộ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhiều đau khổ hơn, đồng nghĩa với nhiều tiềm năng Giác ngộ hơn.
Bất cứ khi nào có Khổ, sẽ có sự Giác ngộ. Sự Giác ngộ tượng trưng cho Phật và A La Hán. Không có Khổ, sẽ không có Phật & A La Hán.
Ngoài ra, Đức Phật đại diện cho tất cả chúng sinh. Chỉ khi Đức Phật tự thấy mình và các chúng sinh đang đắm chìm trong biển Khổ, Đức Phật mới Giác ngộ. Tương tự, chỉ khi chúng sinh đắm chìm trong biển Khổ – nhận ra sự Khổ, họ mới có thể Giác ngộ.
Bằng cách này, ngày càng nhiều người có thể đi tới Giác ngộ. Ngày càng nhiều người có thể nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng để đạt được Giác ngộ.
Tại Myanmar, có rất nhiều người đang đau khổ. Và phần lớn mọi người đều đã và đang sẽ quyết định trở thành Tăng – Ni để hành Thiền. Nhờ vậy, thêm nhiều người hơn nữa sẽ có cơ hội thay đổi góc nhìn, sang góc nhìn của Phật – Pháp – Tăng, góc nhìn của Sự thật và đi tới Giác ngộ.
Chính nhờ Khổ, Phật giáo Therevada (Phật giáo Nguyên thuỷ) tại Myanmar mới tồn tại và phát triển bền vững đến ngày nay, dù sự Khổ ở đây đang ngày một tăng lên, như câu hỏi của bạn.
Thiền sư Ottamathara
Fb Ho Nga
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.