Cho đến thế kỷ XVIII vùng đất TTT vẫn còn là rừng núi. Thú dữ, vượn nai… vẫn còn sinh sống quanh hòn độn Sầm .Ở giữa làng có con đường Thượng quan được các triều đại thiết lập để thông thương hai miền Nam Bắc. Hai bên đường lau sậy, cây cối um tùm.
Lúc mới lên, dân làng khai phá chủ yếu từ đường Thượng quan xuống đường Bến. Những triền núi được chặt cây dọn đá để là vườn, dựng nhà cửa thành khu dân cư.Vùng đất thấp trước làng được san bằng làm đồng ruộng. Đất đồi núi phía sau được dân làng dùng phương pháp“ đao canh hỏa chủng”, xây dựng thành khu nương rẫy.
Lúc đầu, làng Thanh Thủy Thượng chỉ có mấy nóc nhà tranh nằm rải rác dọc theo đường bến để tiện công việc đồng áng. Dần dần, con cháu sinh sôi nẩy nở phát triển thành bốn ấp. Những con đường xóm nối liền từ đường Thượng quan xuống đường bến dược hình thành. Dọc theo hai bên đường Thượng quan mỗi ấp có lập một cái miếu để thờ Thần, đầu năm mới, được lễ tế long trọng .
Nhằm bảo vệ làng kết hợp với thủy lợi, dân làng đã đào một cái hói bao quanh trước mặt làng. Ở trước hói ấp 2 và ấp 3 có đào hai cái Hội : Đây là những cái hồ nhỏ, dùng để đậu ghe thuyền khi hết mùa vụ, ngoài ra còn để điều hòa nước cho đồng ruộng ấp 2, 3. Dọc theo đường bến được trồng những hàng tre xanh dày đặt, chỉ trổ bốn cái cổng theo bốn đường “đập” để đi ra đồng: Đập miếu ông Tường, Đập Viên Thêm, Đập Hội, Đập Ông Mốc. Xung quanh vườn của từng gia đình cũng có những hàng tre gai bao bọc.
Như vậy , cấu trúc của làng Thanh Thủy Thượng được xây dựng theo tính chất kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với phòng thủ quân sự, thể hiện ở lũy tre xanh và con hói như một đường hào sâu vòng quanh trước làng.
Khi mới từ Thanh Thủy Chánh lên ,đình làng được xây dựng ở khu vườn nhà Viên Thủ cũ ( ở Tổ 8 ). Đến đời Gia Long, dân cư tiến xa về thôn 4, đình làng được chuyển đến khu vực hiện nay. Đình làng lúc mới lên chỉ là ngôi nhà tranh ba gian, ngoài việc thờ phụng các vị Khai canh, hàng ngày dân làng thường tập trung ở đây để bàn công việc sản xuất, thủy lợi, cúng tế. Ban đêm đình làng trở thành trung tâm chỉ huy canh gác bảo vệ thôn xóm. Gắn với đình làng là hệ thống điếm canh bốn ấp. Mỗi điếm canh, trai đinh trong làng thay nhau trực chiến hàng đêm, có trang bị mõ để báo động. Vũ khí thông thường là giáo mác tự tạo. Ở đình làng có một cái mõ gỗ dài khoảng 2 mét, khi gõ mõ lên, tiếng vang rất xa. Bất cứ lúc nào có lệnh mõ báo động, dân đinh trong làng đều tập trung để nhận lệnh chiến đấu hoặc bắt cướp, chữa lửa.
Năm 1805 vua Gia Long giao nhiệm vụ cho dân làng Thanh Thủy Thượng cung cấp gạch vồ để xây dựng kinh thành Huế. Một lò gạch được xây dựng bên bờ sông Lợi Nông, phía hạ lưu An Cựu .Hàng trăm dân làng được điều động ra làm gạch, vận chuyển lên kinh thành Huế. Để khỏi ra vào làng vất vả, những người làm gạch phải tạm dựng nhà quanh lò gạch để ở.
Năm 1815 sông Lợi Nông được đào đến làng Dạ Lê. Dãy đất được bồi đắp dọc hai bên bờ sông được gọi là đất “ Thổ quan ”. Năm 1838 kinh thành Huế được xây xong, lò gạch ngưng hoạt động. Khu lò gạch bỏ hoang.
Như vậy, đến cuối thế kỷ 19 khu vực dân cư của làng chỉ quy gọn ở bốn ấp. Hai bên sông Lợi Nông, khu vực Cồn Mồ, Cồn Cát từ Vịnh Mộc qua Miệu Bát đến Thanh Dạ vẫn còn là đất hoang hóa :
“ Tả hữu biên giang chi địa, Cồn Mồ, hậu Miếu chi hoang .”
Năm 1885 hệ thống đường Quốc lộ rãi đá được xây dựng qua làng. Nhà cửa dần dần mọc lên hai bên đường, trở thành khu dân cư đông vui. Ở Cồn Cát cũng bắt đầu hình thành khu dân cư mới.
Khu đất quanh lò gạch được phân chia cho con cháu trong làng ra lập vườn, làm nhà, trở thành xóm Lò.
Ở vùng đồi núi Xuân Sơn-Phường Chánh, từ sau khi triều Tây Sơn tan rã, một số quân lính hoặc sợ bị trả thù, hoặc chán ghét nhà Nguyễn đã rũ nhau vào đây sinh sống. Ban đầu còn thưa thớt, từ thời Tự Đức trở đi, cuộc sống của nông dân bị mất mùa đói kém liên tiếp, nhiều dân làng TTT lại phải vào đây khai phá làm ăn, xây dựng thành ấp Xuân Sơn-Phường Chánh.
Cơn bão khủng khiếp năm Giáp thìn ( 11.9.1904 ) đã làm cho một số dân ở cửa biển Thuận An bị tiêu tan cơ nghiệp, phải vào ngụ cư ở vùng đồi núi sau xóm Cồn Cát, lập làng Thanh Dạ .
Đến đời vua Khải Định ( 1916-1925 ) triều đình giải tỏa một bộ phận dân cư của làng Dương Phẩm nằm trên bờ bắc sông An Cựu để xây dựng cung An Định. Triều đình đã lấy một phần đất của làng Thanh Thủy Thượng – giáp xã Thủy An – để bồi hoàn cho số dân cư này lập làng Dương Phẩm hạ. Thanh Dạ, Dương Phẩm hạ gọi là làng nhưng thật ra chỉ bằng một ấp của làng TTT.
Như vậy, những cư dân sống trên mảnh đất Thanh Thủy Thượng đều là những người nghèo khổ, bị thiên tai thủy họa, hay bị chế độ phong kiến áp bức phải quy tụ về đây. Cùng cảnh ngộ, cùng nghèo khổ, những cư dân này biết đùm bọc, giúp đỡ và thông cảm nhau để vươn lên trong cuộc sống .
Miếu giáp làng Dã Lê Thượng
Có thể nói rằng chỉ mới trên 250 năm, từ ngày đặt chân lên mảnh đất rừng núi và sỏi đá này, với hai bàn tay và truyền thống lao động cần cù, óc sáng tạo và lòng dũng cảm, các vị khai canh cùng các thế hệ nối tiếp đã biến triền đồi hoang sơ thành một làng quê ngày càng hưng thịnh . Đó là công lao to lớn của các vị Khai canh và con cháu trong làng.