Thực ra, khi thân tâm thoát ra khỏi áp lực của cái ta ảo tưởng thì tự thân sự thư giãn, buông xả đã mang lại nhiều kết quả lớn lao mà không một cố gắng cá nhân nào có thể đạt được. Mọi bế tắc, bất an, xáo trộn trong cuộc sống sẽ được hóa giải một cách tự nhiên mà không cần cố gắng giải quyết một cách chủ quan, không mong chờ một giải pháp lý tưởng ở tương lai hay một sự trợ lực nào từ quyền năng bên ngoài. Hiệu quả rất tự nhiên mà thư giãn, buông xả đem lại thật lớn lao không ngờ được.

ÁI chính là lực hấp dẫn thúc đẩy ý muốn hướng tới mục đích dự phóng. THỦ chính là sự lặp đi lặp lại ý muốn đó. HỮU là sự thực hiện hành động tạo tác để đạt đến mục đích ấy. Toàn bộ tiến trình này gọi là nghiệp, là luân hồi sinh tử.

Giúp đỡ cho người đau khổ, khai thị cho người khác giác ngộ cũng có, nhưng trong Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm cứu độ. Như giúp một em học sinh nghèo học hành tốt để lên lớp thì được, nhưng em không học mà cầu xin mỗi năm được lên lớp thì tuyệt đối không ai có thể cho được!

Có thể thân không xuất gia nhưng ngay bây giờ tâm xuất gia cũng vẫn được mà con. Quan trọng là con biết sống chánh niệm tỉnh giác với chính mình là xuất gia rồi đó.

Niết-bàn và Sinh Tử:
Đích này không thể đến. Muốn đến ắt phải đi. Đi chính là sinh tử. Đến chỉ là sầu bi!
Không đi, không dừng lại. Như Lai thoát bộc lưu. Ai còn đi, còn đến. Sao khỏi vướng khổ ưu

Sự giác ngộ giải thoát chỉ có trong tâm hồn con. Hãy hiểu chính con thật rõ thì mới thấy ra được những phẩm chất đích thực của bản thân và cuộc sống.
Chánh niệm chỉ có nghĩa là trọn vẹn một cách tự nhiên với thực tại đang là.
Khi tâm đã mở ra, trí tuệ thấy thực tánh pháp thì sẽ không còn xem bất kỳ trạng thái nào là lý tưởng nữa.