Rất nhiều người cứ ngỡ rằng mình đã hiểu chữ ‘Tin’ ở đây. Nhưng tôi xin nói riêng chỗ này một chút xíu: tùy theo ba-la-mật của mình, tùy theo phước duyên quá khứ của mình mà chúng ta có được niềm tin như thế nào đối với Đức Phật. Đừng nghĩ rằng thấy trong kinh nói vậy thì mình tin vậy, sư phụ nói vậy mình tin vậy, đọc sách thấy vậy thì mình tin vậy. Mà phải hiểu rằng mình tin cái gì, tin kiểu nào, và tin được bao nhiêu.
Dễ xác định niềm tin lắm chứ không khó. Tự hỏi lòng mình đi, mình tin Đức Phật được bao nhiêu. Về vật chất mình có dám bỏ hết, hay bỏ được bao nhiêu phần trăm vật chất để thực hành lời dạy của Ngài? Còn về tinh thần, mình có khả năng xả ly được bao nhiêu trong cõi tinh thần? Giữ giới được tí ti là mình thấy mình bảnh, đó là đã sai rồi. Ngồi lâu lâu một chút mình thấy mình bảnh; có giáo lý kha khá một chút mình thấy mình bảnh; dự vài khóa thiền xong mình thấy mình bảnh, như vậy cho thấy mình hiểu Đức Phật chưa được bao nhiêu hết.
Ngay trong lúc còn là phàm phu, mới 7 tuổi Ngài đã đắc sơ thiền. Năm 29 tuổi Ngài bỏ ngôi đi xuất gia trong rừng sâu núi thẳm; đắc thiền đến tầng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng mà Ngài còn bỏ. Ngai vàng còn bỏ, vợ đẹp con ngoan mà còn bỏ, 8 tầng thiền hiệp thế mà Ngài còn bỏ.
Vậy mà, đến đời mình, được ba mớ mình đã thấy mình hay rồi. Như vậy là niềm tin nơi Ngài đối với bản thân mình có vấn đề. Chưa kể cư sĩ thì còn thảm nữa. Nghèo quá thì suốt ngày cứ lo kiếm miếng cơm. Hơi kha khá một chút xíu thì tối ngày cứ lo sổ sách chi thu lời lãi, lo công ty xí nghiệp, lo hãng xưởng, lâu lâu xẹt vô chùa cúng chút xíu rồi nghĩ mình có đức tin. Nếu như vậy thì tôi nghĩ mình phải xét lại.
Hôm nay đúng là chúng ta có điều kiện phương tiện làm việc tốt hơn thời Đức Phật, ví dụ như chúng ta có internet, chúng ta có các phương tiện đi lại dễ dàng, nhưng phải nói người hiểu Phật, tin Phật như thời Phật thì đốt đuốc giữa ban ngày tìm không ra. Thời Phật có những người chỉ nghe Phật nói một câu là bỏ hết dốc lòng theo Phật. Còn mình thì sao? Đi xuất gia mà có nhúm Phật tử là xong, đi tu có một cái chùa nhỏ nhỏ để trụ trì là xong, có được danh xưng pháp sư giảng sư thì cả đời cứ vùi đầu trong đó, chứ không nghĩ được cái gì xa hơn. Thậm chí già đầu tóc bạc rồi mà đâu có cái gan bỏ hết để đi vô trong rừng tu Vipassana. Mình nói cho đã chứ mình không có cái gan đó. Một tí ti vật chất, một tí ti lợi danh cỏn con, một tí ti quan hệ tình cảm thầy trò sư đồ mà mình còn bỏ không nổi, như vậy thử hỏi mình tin Phật cái gì. Niềm tin nơi Phật khó lắm chứ không phải dễ.
Tự hỏi lòng mình đi, về vật chất ta có khả năng bỏ được bao nhiêu phần trăm cái mình có? Về tinh thần, mình có khả năng xả ly được bao nhiêu? Giới, định, tuệ, tri kiến, mình có bao nhiêu là ôm chặt bấy nhiêu chứ có buông được đâu. Nếu không có khả năng buông đó thì cho thấy rằng đức tin của mình với Đức Phật có vấn đề.
Tôi có thể chứng minh luôn, nếu bà con biết mình bị ung thư kỳ cuối chắc chắn bà con có nếp sống rất là khác. Chính vì bà con tự thấy mình chưa tới lúc nguy ngập, còn lén lén tin mình còn lâu lắm mới chết, cho nên mình có kiểu tu kiểu học rất là ầu ơ ví dầu. Điều đó cho thấy mình tin Phật rất là sơ sài, hời hợt. Bởi vì chúng ta phải biết rằng chuyện hôm nay chúng ta không bịnh ung thư thì đâu có chắc gì tuần sau, tháng sau, năm sau mình không bị? Chuyện đó tôi không lấy gì làm chắc đâu. Bịnh ung thư cũng là một bí mật sinh học, nhiều khi trong dòng họ rất nhiều người bị mà mình không bị, hoặc trong dòng họ không ai bị nhưng mình bị. Hoặc là từ lúc phát hiện đến lúc bịnh nhiều khi năm bảy năm không chết. Lại có khi từ lúc phát hiện đến lúc lăn ra chết chỉ có vài tháng. Bệnh ung thư lạ lùng như vậy. Nhiều khi là di truyền, nhiều khi không di truyền, và thời gian phát tác rất khác nhau giữa người này người kia. Đó là tôi chỉ nói bệnh chứ chưa nói tai nạn hay những bệnh khác…
Sư Giác Nguyên (giảng)
Trích Những bài giảng Kinh Tăng Chi tập 7
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.