BỐN LOẠI NGƯỜI
1. Người khổ vô nhân (Duggati Ahetuka Puggala)
Có số người mang kiết sinh (paṭisandhi) trong những cõi bất hạnh, buồn khổ gọi là apāya (ác thú). Những người như vậy gọi là Duggati Ahetuka Puggala – người khổ vô nhân (tức người ở trong những cõi khổ không có các nhân vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) kèm theo tâm tái sinh của họ).
Người vô nhân này cũng có thể thấy trong cõi nhân loại và những cõi Chư Thiên thấp kém nữa, họ được gọi là người lạc vô nhân (sugati ahetuka puggala: người sống trong các cõi lành nhưng không có các nhân vô tham, vô sân và vô si đi kèm theo tâm tái sinh của họ).
2.a) Người lạc vô nhân (suggati Ahetuka)
Trong đời này có số người sinh ra với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka – paṭisandhi-citta: tâm tục sinh của những người trong cõi vui không kèm theo các nhân vô tham, vô sân, và vô si).
Những người này có thiện nghiệp rất yếu, do đó phải bị đui mù, câm điếc hoặc khờ khạo bẩm sinh. Có số không có giới tính bẩm sinh; và có số là người bán nam bán nữ.
2.b) Chư Thiên lạc vô nhân
Do thiện nghiệp yếu, có số dù tái sinh là Chư Thiên nhưng với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka – paṭisandhi citta) nên không có quyền lực và cũng không có chỗ ở xứng đáng. Họ phải tìm đến nương náu gần thiên cung của những vị Chư Thiên cao hơn như bhumma-devas (Chư Thiên ở trên địa cầu) hoặc rukkha-deva (Chư Thiên ở trên cây), họ không bao giờ được ăn uống tử tế và hầu như phải sống nhờ vào những đồ ăn thừa mà người ta đem quăng bỏ. Đôi khi họ hù doạ phụ nữ và trẻ con để “moi” thực phẩm từ họ và sống nhờ vào vật thực do những người này cúng để làm cho họ nguôi giận (một kiểu hối lộ). Những chư thiên bất hạnh này sống rất khốn khổ dù họ thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương (catumahārajaka). Cũng như có những người thông minh trong số những người nghèo khổ, ở đây cũng thế, trong số những vị Chư Thiên bất hạnh có thể có những vị không phải vô nhân (ahetuka) mà là người nhị nhân (dvihetuka) hoặc tam nhân (tihetuka) như sẽ được giải thích dưới đây. Một số vị Chư Thiên bất hạnh được biết đã thành tựu Đạo (Magga) và Quả (Phala) trong thời kỳ Đức Phật của chúng ta.
3. Người nhị nhân (Dvihetuka)
Trong phần nói về bố thí (dāna) chúng tôi đã giải thích chi tiết về thiện nhị nhân cao thượng hay thù thắng (dvihetuka-ukkattha-kusala) và thiện tam nhân hạ liệt (tihetuka-omaka-kusala) rồi. Có số người được tái sinh làm người hoặc Chư Thiên nhờ thiện nghiệp của họ. Song vì họ đã làm những việc thiện này không có vô si (amoha) đi kèm, hoặc cho dù có vô si (amoha) thì việc thiện ấy cũng được làm với cetanā hay thiện ý yếu ớt, hoặc thậm chí cetanā có sắc bén chăng nữa, vẫn có chút hối tiếc đối với thiện sự đó, nên họ chỉ có hai nhân vô tham và vô sân trong tâm tục sinh (paṭisandhi citta) của họ. Chính vì thế họ trở thành người nhị nhân.
Hai loại người vô nhân (ahetuka puggalas) đã nói ở trên và người nhị nhân (dvihetuka puggala) này có paṭisandhi (kiết sinh) rất yếu ớt, vì thế họ không có cơ hội để đắc thiền (jhāna), hay Đạo Quả (magga – phala) trong kiếp hiện tại. Song nếu họ hành thiền, việc thực hành đó sẽ là một nhân tốt giúp họ trở thành người tam nhân (tihetuka) trong tương lai; và họ sẽ đạt đến thiền hoặc Đạo Quả dễ dàng vì đã có kinh nghiệm về thiền trong quá khứ. Bởi thế, cho dù không thể đắc thiền hay Đạo Quả trong kiếp hiện tại, những người này cũng nên lo cố gắng hành thiền trong đời này đi.
4. Người tam nhân (Tihetuka)
Do tâm thiện tam nhân cao thượng (tihetuka-ukakattha kusala citta), người ta có thể tái sinh vào cõi nhân loại hoặc vào cõi Chư thiên, như một người tam nhân – tức người thông minh và có trí tuệ có thể thành tựu thiền nếu cố gắng thực hành. Họ cũng có thể đắc các Đạo và Quả nếu họ đã hoàn tất các pháp balamật (pārami).
Ngày nay chúng ta có thể thấy đa số là người tam nhân. Chỉ có lười biếng và thiếu giới luật mới ngăn không cho họ trở thành các bậc thánh mà thôi.
Như vậy, do khác nhau về tâm tục sinh (paṭisandhi citta), nên mới có bốn loại người: khổ vô nhân, lạc vô nhân, nhị nhân, và tam nhân như vừa kể.
Trích trong : “Chánh Kiến Và Nghiệp”
Cố Đại Lão Thiền Sư Ledi Sayadaw và nhiều Tác giả khác
Tỳ khưu Pháp Thông dịch
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.