NGĂN NGỪA BẤT THIỆN PHÁP
(HT Viên Minh)
Ngăn ngừa bất thiện pháp phát sinh khi lục căn tiếp xúc với lục trần gồm:
1) THỰC HÀNH 4 PHÁP TINH TẤN (TỨ CHÁNH CẦN):
– Tinh tấn ngăn ngừa bất thiện pháp chưa phát sinh trong tâm (samvara padhāna)
– Tinh tấn loại trừ bất thiện pháp đã phát sanh trong tâm (pahana padhāna)
– Tinh tấn sanh khởi những thiện pháp chưa có (bhavana padhāna)
– Tinh tấn duy trì và phát triển những thiện tâm đã có (anurakkhana padhāna)
2) TIẾT CHẾ TRONG ĂN UỐNG, NGỦ NGHỈ, NÓI NĂNG:
Đức Phật thường dạy các vị tỳ kheo nên tiết độ trong ẩm thực, không dùng vật thực phi thời, không dùng no, không ăn vội. Để cho tâm bớt si mê hôn trầm, mỗi ngày chỉ nên ngủ vừa phải, thay vào đó nên tọa thiền, kinh hành để phát huy định tuệ. Không nói nhiều, khi nói cần có đủ các yếu tố: chân thật, dịu dàng, hữu ích, hợp thời, đúng chỗ, từ ái, bi mẫn.
3) PHÒNG HỘ MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý:
Cẩn thận không để cho tâm phan duyên theo trần cảnh qua các căn thức vì một tâm không khéo tác ý thì các căn sẽ trở thành phương tiện cho tâm buông lung thao túng. Để tránh tình trạng đó, trước hết phải biết THẬN TRỌNG KHI CĂN TIẾP XÚC VỚI TRẦN, đừng để các ác, bất thiện pháp sinh khởi. Tốt nhất là nếu cần nên tránh những tiếp xúc căn trần nào đưa đến bất an, nhiệt não cho mình và người.
4) KHOAN THAI, THƯ THẢ:
Vội vàng, hấp tấp nôn nóng là thái độ của “dục tốc bất đạt” dễ đưa đến căng thẳng, vấp váp, tiêu hao năng lượng , nản chí và bỏ cuộc nửa chừng, kết quả là gia tăng bực tức, nóng giận và phiền não khổ đau. Tập khoan thai thư thả trong đi, đứng, nằm, ngồi và mọi hành động cử chỉ là cách làm cho tâm trở nên lắng dịu sáng suốt và nhờ vậy sẽ mau chóng phục hồi năng lực. Người hành thiền Vipassana thường có hành vi cử chỉ thong thả, chậm rãi không phải vì họ cố gắng chậm lại mà khi tâm sáng suốt trầm tĩnh thì tự nhiên hành động trở nên khoan thai thư thả.
5) TINH TẤN GIÁC NIỆM.
Thường chúng ta không để tâm trọn vẹn trong việc mình đang làm, hay trong tình huống thực tại đang là, thân làm việc này nhưng tâm lại đi làm một việc khác ở đâu đâu. Như vậy gọi là tâm bất tại, thất niệm hay chính xác là tâm thiếu tinh tấn giác niệm:
– Tinh tấn là không để tâm buông lung trôi dạt.
– Giác hay tỉnh giác là sáng suốt, không mê muội, không nhầm lẫn trong thực tại.
– Niệm hay chánh niệm là không bỏ quên thực tại, là chú tâm trọn vẹn nơi mọi động thái của thân, thọ, tâm, pháp đang diễn ra tại đây và bây giờ.
Tâm thường hay rung động nên khó giữ được sự tĩnh lặng, nó thường hay suy nghĩ lung tung, rồi phản ứng thuận hay nghịch tùy theo đối tượng ưa thích hay ghét bỏ… Bởi vậy khi tâm phan duyên theo cảnh trần thì khó mà giữ được yên lặng. Tâm người thiếu giác niệm khó có thể làm chủ được. Đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ kheo, tâm người chưa được huấn luyện, chưa được chế ngự hằng đi đến nơi tai hại. Và tâm người khéo được dạy dỗ, rèn luyện, gìn giữ rồi sẽ hằng đi đến nơi lợi ích cao thượng”. Bởi vậy trong thu thúc lục căn thì thu thúc ý căn là quan trọng hơn cả. Tức là chúng ta nên khéo biết chế ngự tâm mình đừng để cho các ác, bất thiện pháp phát sinh.
Đức Phật dạy:” Người trí nên giữ tâm” có nghĩa là phải ngăn ngừa tâm, không để cho nó nghĩ đến điều ác, hay để cho các tùy phiền não sai sử. Tùy phiền não gồm có: tham, sân, giận, oan trái, quên ơn, thượng mạn, ganh tỵ, bỏn xẻn, giấu lỗi, khoe khoang, cứng đầu, ương ngạnh, ngã mạn, khinh người, trụy lạc, giãi đãi…. Khi chúng ta ngăn ngừa được các tùy phiền não đó phát sinh là chúng ta đạt được phần lớn pháp thu thúc. Tóm lại cần phải ngăn ngừa tâm vọng động khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là dùng trí tuệ phân tích để thấy rõ đâu là tội, đâu là phước, đâu là đúng, đâu là sai … hầu không say mê quyến luyến lục trần hay đắm chìm trong vòng tài, tình, danh, lợi…
Trích từ sách: Con Đường Hạnh Phúc
Ngài Viên Minh.
—————
Nguyện xin đức Phật gia hộ cho con luôn giữ mãi Tâm Nguyện Hoằng Pháp và Hộ Pháp đời đời.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
🙏🙏🙏🙇♂️🙇♂️🙇♂️
Thực hành giáo pháp: ngăn ngừa bất thiện pháp
7 Months Ago.