Trong buổi đầu khi tách khỏi Thanh Thủy Chánh để lập làng mới (giữa thế kỷ XVIII ), dân cư còn ít ỏi, việc quản lý làng còn mang tính chất tự trị. Để tồn tại, làng tự đề ra những quy ước về tập tục ăn ở, sản xuất, đi lại, bảo vệ an ninh, thờ cúng của làng…Dẫu còn phiến diện, đơn giản và chưa được văn bản hóa, nhưng lệ làng đã buộc mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo.
Khi làng đã trở thành một đơn vị hành chánh, có tổ chức bộ máy quản lý thì Lệ làng được lập thành văn bản, bổ sung nhiều điểm mới, bản Hương ước của làng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển của làng.
Hương ước của làng quy định về dân chính cư và dân ngụ cư. Dân chính cư gồm con cháu của 13 họ : Lê Diên, Ngô, Nguyễn Diên, Lê Bá, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Thanh, Phùng, Phan, Đặng, Trần, Phạm, Hồ.
Hương ước quy định việc làm mốc giới phân chia giữa hai làng như sau: Nếu có khe suối thì lấy khe suối làm mốc giới ( Dĩ lập tụ khê vi giới ). Nếu trên đất liền thì mốc giới là nơi phía dưới có chôn ba hòn đá và trên trồng một bụi hóp* ( Dĩ lập thạch sơn vi giới ). Hương ước cũng ghi rõ ranh giới giữa đồng ruộng làng Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Chánh: Làng Thanh Thủy Thượng lấy đá làm mốc giới, làng Thanh Thủy Chánh đóng cọc gỗ làm mốc giới.
Để bảo vệ và phát triển sản xuất, hương ước của làng đề ra một số điểm như sau :
Đồng ruộng của làng có bốn cái cống để ngăn nước mặn. Làng cắt cử một Xã Khoán để lo việc này. Nếu Xã Khoán không hoàn thành nhiệm vụ, để nước mặn tràn vào ruộng thì tùy theo mức độ thiệt hại mà bị phạt nặng hoặc nhẹ.
Khi cấy xong, cấm tất cả trâu bò ăn leo trên đập. Trâu nhà nào vi phạm thì chủ nhà bị phạt đánh roi. Trâu đã ăn lúa thì phải bồi thường cho chủ ruộng.
Về tổ chức quản lý làng, Hương ước quy định chức năng, quyền lợi của các chức sắc trong làng : Tiên chỉ, thứ chỉ là những người đứng đầu của làng, phải là dân chính cư, có chức tước phẩm hàm cao nhất làng. Đó là những người đứng đầu Hội đồng quan viên làng. Sau tế lễ làng, Tiên thứ chỉ được hưởng đầu và nọng của lễ vật cúng ( heo hoặc trâu bò ). Chức vụ này không phải cha truyền con nối, khi các vị này chết thì những người có chức vụ, phẩm hàm cao kế tiếp lên thay.
Trưởng, phó lý do Hội đồng quan viên làng cử có nhiệm kỳ 3 năm.
Lệ làng TTT cũng có một số quy định về sinh tử, giá thú : Khi sinh nở, người mẹ phải ở cử một tháng. Sau khi đưa ‘ phong long ’ mới được tiếp xúc với dân làng. Việc công nhận một thành viên mới ra đời được tiến hành qua lễ ‘đầy tháng ’. Riêng việc giá thú, làng TTT không quy định phải nộp cheo. Khi người con gái có người đi hỏi ( lễ đính hôn ) thì mang cau trầu mời bà con xóm giềng để thông báo. Người con trai cưới vợ xong thì phải mang cau trầu đến lạy Tổ tiên ở Từ đường để là lễ ‘ ra mắt.’
Việc tang lễ, lệ làng TTT quy định cách tiến hành dựa trên cơ sở sách
“ Thọ mai gia lễ ”. Khi trong nhà có người chết thì tang chủ mang cau trầu đến trình với Họ. Họ sẽ cử người đến làm “ Quan Chấp lệnh ”.Vị chấp lệnh là người có tuổi tác, địa vị tương xứng với người quá cố. Quan Chấp lệnh là người điều hành toàn bộ kế hoạch nghi lễ tang ma cho đến khi hoàn tất. Lệ làng TTT cấm các nhà để đám tang qua năm mới. Cuối năm nếu có người chết cũng phải đem chôn cất trước lễ giao thừa. . Do cùng một gốc, dân làng Thanh Thủy Chánh được chôn cất người chết ở vùng đồi TTT. Tuy nhiên, lệ làng TTT quy định các thuyền đám tang chỉ được phép di chuyển từ sông Lợi Nông, qua cống Bồ Đề, vào hói Hom Tranh, chỉ được đậu tại Bến Đá, lên đường Vọi, qua Eo gió để vào Cồn Mồ. Không được đi ngang trước đình làng.
Việc phân chia ruộng đất công của làng được quy định như sau: Toàn bộ ruộng đất công của làng sau khi trích 13 mẫu cho các Họ lo việc tế lễ, 32 mẫu ruộng Sa hoàng được phân cấp cho các Họ theo phương thức : “ Chiếu số quân phân, dĩ cung tự sự ”.- Chiếu theo số con cháu trong Họ để phân cấp nhằm lo việc cúng tế.Trích ruộng “ Bách phân chuẩn ngũ ” ( 5% ) để lo việc chung của làng. Số ruộng còn lại đem chia thành ruộng khẩu phân cho dân chính cư trong làng. Những người cậy quyền thế, chức vụ để biến ruộng công thành ruộng tư thì bị tước hết chức vụ, xuống làm ‘ Bạch đinh ’, khi ra làng vào Họ chỉ được ngồi trên thằng ‘ mõ ’.
Lệ làng TTT cũng quy định những ngày lễ lớn : Xuân tế vào ngày 9 tháng giêng. Thu tế cử vào ngày có chữ Đinh, trực Thu trong thượng tuần tháng Bảy. Kỵ ngài Lê Đô vào ngày 24. 8 Âl. Hội Lạp là ngày chạp chung của làng được tiến hành vào ngày 1,2 tháng 2 Âm lịch. Bài Văn đọc trong dịp tế lễ của làng được ghi thành quyển “ Văn tế bổn ” hiện đang lưu giữ tại đình làng.
Những người vi phạm Lệ làng thì tùy theo mức tội nặng nhẹ mà phải chọn một trong những hình phạt :
– Phạt tiền hay hiện vật.
– Bồi thường thiệt hại .
– Bị đánh đập.
– Bị hạ vị trí ngôi thứ.
– Bị đuổi ra khỏi Họ.
– Bị đuổi ra khỏi làng.
Hình thức bị đuổi ra khỏi Họ, khỏi làng chưa được áp dụng, nhưng trường hợp vi phạm nghiêm trọng có lần làng đã áp dụng tẩy chay đám ma. Nếu lúc sống, người dân phải có gia đình, làng xóm thì khi chết cũng vậy, việc thăm viếng đông đúc đánh dấu quan hệ tốt đẹp của người chết với dân làng. Trừng phạt người vi phạm lệ làng bằng việc tẩy chay đám tang là một hình thức xử phạt nặng của làng.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở mước ta. Để nắm được bộ máy làng xã nhằm phục vụ đắc lực cho chương trình khai thác bóc lột thuộc địa, thực dân Pháp đã thực hiện đợt “ Cải cách hương chính ” bằng việc cải tổ bộ máy làng xã. Thực dân Pháp đã soạn sẵn một bản Hương ước Cải lương cho các làng xã vận dụng.
Trong bản Hương ước mới này một số yếu tố tích cực của bản hương ước cổ như việc canh gác tuần phòng, làm đường sá, bảo vệ sản xuất được bảo lưu hoặc cải tổ chút ít. Một số vấn đề khác như ma chay cưới hỏi, thực đân Pháp cũng hướng các làng xã làm theo ý chúng để “ xóa bỏ hủ tục ”. Ngược lại một số việc như phân cấp quân điền, tế tự… đã in sâu trong nếp sống dân làng, thực dân Pháp bất lực, tùy làng vận dụng.
Mặc dù có bản Hương ước mới của thực dân Pháp nhưng làng TTT chỉ áp dụng một số điều về cải tổ thu chi, ngoài ra vẫn duy trì áp dụng bản Hương ước cổ của làng.
Qua những nét tìm hiểu trên, Lệ làng TTT có những đặc điểm như sau :
1/.Thứ nhất:
Bộ máy quản lý và bản Hương ước do làng tự tổ chức, xây dựng thể hiện tính tự trị hay tính độc lập tương đối của làng đối với nhà nước phong kiến. Với chế độ tự trị tương đối ấy, người dân nào cũng có thể dự vào công việc chung của làng. Trong những cuộc họp ở đình làng, người nông dân có thể bày tỏ nguyện vọng, thắc mắc của mình. Những người trong bộ máy quản lý làng được toàn quyền sắp đặt xử lý việc làng sao cho làng được yên ổn, sản xuất phát triển. Mỗi người dân làng tự thấy có trách nhiệm đối với sự thịnh vượng của làng cho nên ý thức trách nhiệm, tinh thần dân chủ được phát huy. Hơn nữa dân làng cùng sống trong lũy tre xanh, mỗi người đều cảm thấy có sự ràng buộc với nhau bằng sợi dây tinh thần. Dân làng sống với nhau từ đời này sang đời khác, việc làm tốt xấu của một người trong làng sẽ được các đời sau nhắc nhỡ. Cho nên ai cũng cố gắng làm việc tốt, để lại phúc đức cho con cháu đời sau.Vì vậy, tính tự trị của làng có tác động tích cực trong việc duy trì luân lý đạo đức, thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, tính tự trị của làng dễ đem lại sự lũng đoạn của những người có quyền thế, gây nhiều khó khăn cho dân làng.
2/.Thứ hai:
Làng có một bản hương ước riêng nhằm đảm bảo cho sự sinh hoạt, sản xuất và phát triển của cộng đồng. Các điều khoản trong hương ước quy định rõ mức phạt của từng hành động, buộc dân làng phải tuân thủ nghiêm túc. Nhờ có chế độ thưởng phạt nghiêm minh đó, Lệ làng đã tạo ra sự cưỡng chế hướng con người sống theo quy tắc chung. Những hình phạt của làng dựa trên cơ sở “ tình bà con, nghĩa xóm giềng”. Đó là những hình phạt nặng về tinh thần và sức ép dư luận. Ở nhừng điều khoản, không ghi rõ mức phạt cụ thể mà thay vào đó là những lời khuyên răn, thuyết phục tình cảm : Không nên ( thường được nói là ‘Ôn nên’ ), không được, cấm không được. Hình phạt thông thường của làng là mang cau trầu đến xin lỗi Họ hoặc Làng. Đó là hình phạt nặng về tình cảm, danh dự.
Như vậy, Lệ làng TTT là một bộ luật nhỏ của làng, là sợi dây nối liền các thành viên trong làng. Hương ước giúp cho bộ máy quản lý làng nắm các tổ chức cấu thành trong guồng máy điều hành của làng nhằm sử dụng yếu tố tự nhiên, huy động sức người, sức của để phát triển làng. Lệ làng đã hình thành trong người nông dân đức tính quý báu, đó là tinh thần trách nhiệm, tinh thần gắn bó, gắn kết với cộng đồng.
Thứ ba, hệ thống ngôi thứ của làng là động lực nhằm thúc đẩy lịch sử làng phát triển. Mặc dầu hệ thống ngôi thứ đem lại cho người nông dân tư tưởng địa vị, tư tưởng phân biệt trên dưới, nhưng hệ thống ngôi thứ của làng Thanh Thủy Thượng chỉ nặng về tinh thần ( Tiên, thứ chỉ mới được hưởng đầu và nọng của vật tế, còn lại mọi người được hưởng như nhau, chỉ hơn nhau chỗ ngồi ). Hơn nữa thang bậc ngôi thứ trong làng không bị ngăn cách nghiêm ngặt bởi huyết thống, tôn giáo hay nghề nghiệp. Tất cả dân làng đều được dự phần vào bậc thang ngôi thứ đó nếu có sự nổ lực của bản thân: Phấn đấu học tập, rèn luyện để giành lấy bằng cấp, vươn lên trong xã hội để có chức tước, tích cực đóng góp vào việc Họ, việc Làng để được kính trọng. Những hành động đó phần nào tác động tích cực đến việc phá bỏ tư tưởng “ đèn nhà ai náy sáng ” để hướng đến việc tích cực tham gia, đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Thứ tư, quan hệ huyết thống, quan hệ xóm giềng có tác động mạnh đến bộ máy tổ chức làng. Tất cả thành viên trong bộ máy đều là “ con trong Họ, cháu ở làng ”, những hoạt động của bộ máy mặt nào đó nặng về việc phục vụ cho đời sống dân làng. Trước hết về quan hệ xóm giềng người nông dân rất coi trọng tình cảm xóm giềng “ Bà con xa xóm giềng gần ”. Quan hệ huyết thống và quan hệ xóm giềng cũng có mặt tích cực: Những thành viên trong bộ máy, sẵn sàng cống hiến hết sức mình để phục vụ xóm làng, cũng chính là phục vụ bà con, anh em mình. “ Làm quan nhất thời, làm dân vạn đợi ”, “ Hết quan hoàn dân ” trở về với anh em xóm giềng. Cho nên những người tham gia bộ máy làng xã phần nào cũng hạn chế những việc hống hách, sách nhiểu dân làng. Trường hợp cá biệt có những người một thời hống hách, bòn rút của cải dân lành, rồi cuối cùng, mặc dù ngồi trên đống tiền của, cũng sống cô đơn giữa một cộng đồng đầy tình cảm.
Tóm lại, Lệ làng Thanh Thủy Thượng được xây dựng trên cơ sở tình cảm cộng đồng, chính vì thế một số quy định tiến bộ của Lệ làng đã trở thành phong tục tập quán thuần hậu. Do vậy, những phong tục, tập quán đó đến nay vẫn còn tồn tại với thời gian.
Ngày nay, chúng ta tìm hiểu Hương ước không phải để khôi phục Lệ làng xưa, mà để biết, để kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực trong di sản cha ông để lại. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được sự tiến bộ, dân chủ của Hương ước ngày nay: Quy ước làng Văn hóa Thanh Thủy Thượng- Thủy Dương.