Cảnh Hưng nguyên niên – năm Canh thân 1740, dân làng Thanh Thủy Thượng (TTT) bắt đầu di cư từ làng Thanh Thủy Chánh lên khai phá vùng đất đang cư trú hiện nay. Là những nông dân nghèo phải hai lần ly hương để tìm đường sinh sống, những thập niên đầu dân làng phải tập trung vào việc khai hoang ruộng rẫy, sản xuất, xây dựng nhà cửa, …
Sau khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, năm 1788 lập triều Tây Sơn, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, việc học được phổ biến đến tận thôn xã. Trong tờ Chiếu Lập học, vua Quang Trung ra lệnh cho các xã phải lập nhà xã học, chọn những người hay chữ, có đức hạnh phụ trách việc giảng dạy- gọi là Xã giảng dụ. Dân làng TTT đã lên kinh thành mời thầy về dạy học cho con em mình. Đình làng được sử dụng làm nơi dạy học, chỉ một số ít con cái nhà giàu mới có điều kiện đi học.
Năm 1886, đoạn đường quốc lộ từ Huế vào đèo Hải Vân được hoàn thành. Con đường mới rộng rãi băng qua làng nối liền với kinh đô Huế đã làm cho việc giao lưu văn hóa của làng được mở rộng – Làng di dời chợ Mai từ bến Chợ ở Nhất đập lên sát đường Quốc lộ, đổi đám đất chợ cũ lấy đám đất hiện nay là cơ sở Mầm Non Thủy Dương để xây nhà Văn Thánh, vừa làm nơi thờ đức Khổng Tử vừa làm hương trường dạy chữ Hán cho con em trong làng. Việc giáo dục lúc này đã phát triển, ngoài hương trường còn có các các địa điểm tư nhân khác như ở chùa Thanh Hương và một số gia đình giàu có mời thầy về dạy cho con em mình. Các thầy giáo lúc này như Phạm Bá Vinh, Lý Thụy, Đề Huyến…
Nội dung giảng dạy ở Hương trường trong thời kỳ này gồm một số sách chủ yếu như: Tam tự kinh, Sơ học vấn tâm, Ấu học ngũ ngôn thi, Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Minh tâm Bửu giám, Ấu học tâm nguyên; Bộ tứ thư gồm có bốn quyển: Đại học- Trung Dung- Luận Ngữ- Mạnh tử; bộ Ngũ kinh gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu. Ngoài ra còn học thêm sử Việt Nam, sử Trung Quốc.
Việc giáo dục ngày trước chủ yếu là truyền đạt cho học trò những đạo lý Thánh hiền, mà cơ sở chính là: “ Tiên học lễ, hậu học văn”.Với phương châm ấy, trong những tháng đầu, người học trò chỉ được học cách khoanh tay cúi đầu, chào hỏi trình thưa cho đúng phép tắc; kèm theo những việc phục dịch: quét sân, quét lớp, mài mực cho thầy. Sau giai đoạn học lễ, người học trò mới tiến tới việc học chữ. Ở việc học ngày trước, tinh thần “ Tôn sư trọng Đạo ” được đề cao triệt để, nền học vấn mang tính cách từ chương, nặng về khoa cử.
Việc tổ chức giảng dạy không phân chia từng lớp như bây giờ. Mỗi trường có một ông thầy, học trò tùy theo trình độ, mỗi người học một bài riêng, nhưng do thầy dạy trong cùng một thời gian nhất định. Học trò nhỏ học từng chữ một, chữ nào nghĩa đó và phải học thuộc lòng.Ví dụ : Thiên: trời, địa: đất, tổn: mất, tồn: còn, tử: con, tôn: cháu, lục : sáu , tam : ba, gia : nhà, quốc : nước…Khi mới tập viết thì tô lên nét son hoặc tô lên giấy mỏng có lót chữ mẫu phía dưới, sau đó mới viết phỏng viết buông.
Học trò lớn thì nghe sách bình văn, làm văn. Ban đầu tập đối câu đối ngắn, rồi câu đối dài, sau đó tiến dần đến làm các loại bài để tham dự các kỳ thi. Nhằm luyện cho các học sinh quen với văn bài, trước kỳ thi thầy cho các đề bài để học sinh về nhà làm, khoảng hai tuần sau đem nộp. Câu văn, ý tưởng nào hay thầy khuyên tròn chỗ đó. Những bài làm tốt được thầy đọc cho cả lớp nghe. Loại hình sinh hoạt này tạo không khí hào hứng học tập , kích thích rất nhiều cho học sinh trau dồi đèn sách chuẩn bị đi thi.
Ngoài điều kiện phải đạt đến trình độ học vấn nhất định, triều đình phong kiến còn đặt điều kiện bắt buộc làng thôn phải có trách nhiệm về lý lịch những thí sinh dự thi. Phải là những người có hạnh kiểm tốt , không phải kẻ bất hiếu , bất mục, điêu trá; luôn cả dòng dõi ba đời, nếu là con của kẻ nghịch đảng hoặc xướng ca vô loài thì bản thân học trò đó dù tốt, học giỏi cũng không được dự thi.
Ở Thuận Hóa, cứ ba năm nhà Nguyễn cho tổ chức một kỳ thi Hương gọi là hội thí mùa thu. Kỳ thứ nhất làm 3 bài văn, người nào đỗ Tam trường được gọi là Sinh đồ, được bổ làm lễ sinh, hoặc cho làm nhiêu học cả đời, được miễn tiền gạo 3 năm. Kỳ thứ hai thi thơ phú hai bài, kỳ thứ ba thi kinh nghĩa 2 bài, người nào đỗ được bổ làm Học quan huấn đạo, được miễn sai dịch suốt đời. Kỳ thứ tư thi sách vấn 1 bài, người đỗ được gọi là Hương cống hay Cử nhân, bổ chức tri phủ, tri huyện, huấn đạo.
Những người đỗ Hương cống mới được về Phú Xuân thi Hội. Những người có điểm cao trong kỳ thi Hội được vào sân điện Thái Hòa thi Đình. Thi đình do nhà vua chủ trì, ra đề và chấm thi. Những người đậu Tiến sĩ được vua ban thưởng áo mão, một cây trâm vàng, được dự lễ xướng danh long trọng ở điện Thái Hòa. Bảng vàng được treo ở Phú Văn lâu, được ăn yến ở bộ Lễ, được vào vườn Ngự uyển xem hoa, được vua ban cờ quạt để vinh quy bái tổ.
Học sinh Thanh Thủy Thượng mặc dù nghèo khó, nhưng học tập rất cần cù chăm chỉ, nhiều người nổi tiếng thông minh. Làng có ba người đỗ Cử nhân Hán học : Ngô Vĩnh Tuy đỗ Cử nhân khoa thi Bính Ngọ 1846 vào đỡi vua Thiệu Trị thứ 6, Lê Trọng Giám đỗ Cử nhân khoa thi Canh Ngọ 1870 đời vua Tự Đức thứ 23, Nguyễn Xuân Tuyên đỗ Cử nhân năm Bính Tý 1876 đời vua Tự Đức thứ 29. Những người này được cử giữ các chức quan Án sát bộ Hộ, Tri phủ dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn nhiều người khác đỗ Tú tài : Tú Trinh, Tú Bính, Tú Đường, Tú Thu , Tú Dực, Tú Chương, Tú Quỳnh…
Đệ tứ thập bát hiệu.
Thừa Thiên Phủ Học Chính Nha
Vi bằng cấp sự tư kỳ.
Sát hạch Hương Thủy huyện, Thanh Thủy Thượng xã trường.
Sĩ tử: Lê Vĩnh Liêm, niên canh Canh Tý, thập thất tuế.
Phụ: Lê Đình Kiết (Cát).
Quán: Hương Thủy huyện, Dạ Lê tổng, Thanh Thủy Chánh xã.
Dự trúng tuyển sinh hạng do tình nguyện hạch Hán tự.
Vi thử bằng cấp dĩ thị khuyến tu chí bằng cấp dã.
Hữu bằng cấp Thanh Thủy Thượng xã trường, tuyển sinh Lê Vĩnh Liêm cứ thử.
Khải Định Nguyên niên. Bát nguyệt thập ngũ nhật.
Chiếu :Thừa Thiên Sứ Đường.
Thừa Thiên Phủ Đường.
————————————
Số thứ tự 48
Nha Học Chính Phủ Thừa Thiên,
Bằng cấp cho kỳ sát hạch này.
Trường xã Thanh Thủy Thượng
Sĩ tử: Lê Vĩnh Liêm, năm Canh Tý, mười bảy tuổi.
Cha là: Lê Đình Kiết (Cát).
Quê quán: xã Thanh Thủy Chánh, tổng Dạ Lê, huyện Hương Thủy.
Dự trúng tuyển sinh hạng (loại) tự nguyện sát hạch chữ Hán.
Dòng chữ này làm bằng cấp nhằm cổ vũ cần thiết cho người được bằng cấp.
Bằng cấp trên là bằng chứng cho tuyển sinh Lê Vĩnh Liêm trường xã Thanh Thủy Thượng.
Ngày 15 tháng 8 Khải Định Nguyên niên.
Chiếu :Thừa Thiên Sứ Đường
Thừa Thiên Phủ Đường
Năm 1918 các khoa thi bằng chữ Hán hoàn toàn chấm dứt. Những học sinh làng TTT theo học chương trình Pháp-Việt phải lên trường An Cựu hay Quốc Học.
Từ thập niên 1930-1940, các lớp học chữ Quốc ngữ ra đời thay các lớp học chữ Hán. Ở TTT, hai thầy giáo cách mạng mở đầu cho phong trào dạy và học chữ quốc ngữ là thầy Lê Trọng Bật và thầy Ngô Hữu Yên. Cả hai thầy vừa hoạt động cách mạng vừa dạy học tại trường Thuận Hóa ( một trường tư do một số chiến sĩ cách mạng mở ở Huế) .
Những năm 1937- 1938 phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ phát triển mạnh trong cả nước. Tại TTT các thầy giáo Lê Trọng Bật, Ngô Hữu Yên làm nòng cốt đã vận động những thanh niên tiến bộ, hăng hái hoạt động để thành lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ vào cuối năm 1938: Hội trưởng là ông Quyền Vinh, các hội viên là Nguyễn Hữu Lễ, Phạm Song, Lê Trọng Từ, Ngô Hữu Oanh, Phùng Lưu, Phùng Thị…
Hội đã vận động được cả trẻ em và người lớn đi học. Hội cũng quyên góp tiền bạc để đóng bàn ghế, mua giấy bút phát cho học sinh. Kết quả, Hội đã mở được 11 lớp học cả ban ngày và ban đêm, với hơn 400 học sinh và học viên. Sau 3 tháng Hội tổ chức thi xóa nạn mù chữ cho học viên. Buổi lễ Tốt nghiệp và phát thưởng cho học viên diễn ra long trọng với sự tham dự của các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Lân, Đoàn Nồng, đại diện của Tỉnh hội truyền bá chữ Quốc ngữ Thừa Thiên.
Từ phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, một trường tư thục đã ra đời ở Văn Thánh. Trường có ba phòng học, dạy học sinh lớp Năm, lớp Tư và lớp ba ( lớp Một, Hai , Ba ngày nay ). Thầy giáo Phùng Lưu làm Hiệu trưởng, giáo viên là thầy Phạm Song. Ban ngày dành cho trẻ em học, ban đêm làm lớp học cho người lớn.
Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở TTT được duy trì cho đến cách mạng Tháng Tám 1945. Qua phong trào , hàng trăm nông dân nghèo thoát nạn mù chữ, hàng trăm trẻ em nghèo được học văn hóa, trong đó nhiều học sinh thi đỗ Sơ học yếu lược.
Quá trình phát triển giáo dục và phong trào dạy học nhữ Quốc ngữ ở TTT đã dẫn đến sự thành lập một ngôi trường tiểu học có quy mô, có hệ thống vào năm 1955: Trường tiểu học Thanh Thủy Thượng.
Trường Tiểu học Thanh Thủy Thượng
Trường Tiểu học Thanh Thủy Thượng cũ
(Nay là trường Mầm Non Thủy Dương)
Những học sinh đầu tiên của làng TTT đỗ kỹ sư trong giai đoạn này có Lê Viết Tùy, Ngô Hữu Điểu… đỗ cử nhân như Ngô Viết Diễn, Lê Bá Tiếp, Phạm Hòa, Lê Bá Lại, Lê Bá Quân…
Ngoài việc giáo dục có tính chất chính quy ở trường, làng Thanh Thủy Thượng còn có một nền giáo dục dân gian phổ biến trong cộng đồng làng. Đó là việc giáo dục nặng về đạo đức, cách ăn ở, xử thế, mà cơ sở giáo dục là gia đình thôn xóm. Mỗi gia đình như là một trường học vừa dạy cách xử thế, vừa là nơi áp dụng thực hành. Lễ phép kính trọng người trên, hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu đùm bọc anh chị em, đó là lễ giáo nhưng cũng là thước đo đạo đức của con người. Lễ giáo ấy được giáo dục và áp dụng một cách tự giác. Gia đình, thôn xóm còn là nơi giáo dục lao động sản xuất, những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp được lưu truyền từ đời này sang đời khác, con cháu trong làng vùa bảo lưu vừa phát triển qua từng thế hệ.
Được giáo dục trong môi trường vừa chính quy vừa dân gian như thế, cho nên dân làng Thanh Thủy thượng hầu hết là những người chăm lao dộng, trọng đạo đức. Quá trình giáo dục đã hình thành những truyền thống tốt đẹp: Tinh thần “ Tôn sư trọng Đạo ,” “ Tiên học Lễ, hậu học Văn ”. Truyền thống tốt đẹp ấy không những được bảo lưu mà còn truyền thừa đến những học sinh của con em Thủy Dương ngày nay.
Thế hệ trẻ Thủy Dương tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của ông cha. Các em Ngô Phú Thanh, Ngô Thị Thanh Xuân, Ngô Sĩ Văn đã dạt học sinh giỏi quốc tế, quốc gia được vinh danh ở bảng vàng trường Quốc Học. Các em Nguyễn Nhật Tân, Lê Viết Quốc, Phùng Hữu Phú … lấy bằng Tiến sĩ ở các trường Đại học nổi tiếng trên thế giới trong khoảng 30 tuổi. Và còn nhiều người khác đã thành đạt ở trong , ngoài nước.
Cho dù học tập, làm việc ở nơi nào các thế hệ con em Thanh Thủy Thượng – Thủy Dương luôn nhớ về quê nội, nơi ấy có hòn độn Sầm lưu giữ nhiều kỷ niệm của tuổi thơ với những ngày hái sim, hái hoa tày ép vở. Nơi ấy có khe Chùa với những dòng nước trong xanh, tưới mát cây trái quanh năm:
“Sầm lĩnh nguy nguy sơn cẩm tú.
Thanh Tuyền cổn cổn thủy văn chương”