⏺ Danh sắc tương quan liên hệ
Vua hỏi:
– Đại đức đã nói đến danh sắc, vậy cái gì là danh, cái gì là sắc?
– Thưa, phàm vật gì mắt thấy được, sờ nắm được, xúc chạm được, cái ấy được gọi là sắc pháp. Cái gì có tính trừu tượng như tâm vương, tâm sở… thuộc ý niệm, tư tưởng… thì gọi là danh pháp.
– Tại sao các danh pháp thì có tạo tác đến đời sau còn sắc pháp thì không?
– Chẳng phải thế đâu, tâu đại vương! Hai pháp danh sắc này tương quan tương liên với nhau. Danh phải nương gá vào sắc, sắc phải nhờ danh mới hiện hữu để cấu tạo thành một sanh mạng. Chúng luôn luôn nương nhau, không từng lìa nhau bao giờ.
– Xin cho nghe ví dụ.
– Ví như một cái phôi trứng, ban đầu nó trong và ướt, sau đó nó đặc sệt, dần dần tượng hình thành quả trứng rồi nở thành chim, thành con gà. Cái phôi thai ban đầu ấy sở dĩ có được là do nhờ thức tái sanh (danh) nương gá vào sắc chất (sắc) của gà mà tạo nên mầm sống. Trong mầm sống ấy đã có danh và sắc nương gá lẫn nhau, tương quan tương liên với nhau, đồng sanh, đồng hiện hữu đã từ vô thỉ đến nay rồi, trải qua thời gian dài vô tận.
– Hay lắm!
* * *
⏺ Tự nhiên sanh?
Vua hỏi:
– Thế có vật gì mà do tự nhiên sanh, hở đại đức?
– Không có vật gì trên thế gian này mà do tự nhiên sanh cả, tâu đại vương .
– Thế sao đại đức bảo có vật từ không mà thành có?
Tỳ khưu Na-tiên mỉm cười:
– Trước đây khi dẫn quân đi chinh chiến, đại vương có ở trong cung điện này chưa?
– Thuở ấy chưa có cung điện này!
– Rồi sau sao lại có?
– Khi lập kinh đô, trẫm mới làm cung điện.
– Đại vương làm như thế nào?
– Trẫm cho người san bằng đất, chở đá sỏi từ nơi khác đến, cho lấy gỗ trong rừng và để thợ mộc làm cột, kèo, đòn tay, chạm trổ v.v… Sau đó làm thành quách, cửa ngõ, lối đi, trồng cây, đào ao hồ, nuôi chim, thả ca v.v…
– Thế thì cung điện này đâu phải do tự nhiên sanh, mà do chính công kiến tạo, tập kết vật liệu, sức người làm, đá, sỏi, vôi, đường v.v… Tất cả chúng kết hợp lại mới thành cung điện, phải thế chăng?
– Đúng như thế.
– Cũng thế, không có thể trở thành có, nhưng có ấy không phải tự nhiên sanh mà do sự cấu tạo, kết hợp nhiều yếu tố, nhiều phụ liệu khác mà thành, tâu đại vương .
– Xin cho ví dụ.
– Ví như hạt lúa có thể trở thành cây lúa không, hở đại vương, nếu như nó không có đất, nước, ánh sáng, phân, công chăm sóc, thời gian và ý niệm trồng lúa của người chủ ruộng?
– Không thể thành cây lúa được nếu thiếu các yếu tố, điều kiện đi sau.
– Cũng như thế, chẳng có vật gì do tự nhiên sanh, do tự nó sanh mà do sự kết hợp nhiều yếu tố, nhiều điều kiện khác, tâu đại vương .
– Xin cho ví dụ nữa.
– Ví như đất sét có thể trở thành đồ gốm không, hở đại vương?
– Không thể được. Đất sét mang về phải lấy nước nhồi cho nhuyễn, xong rồi phải nặn thành cái nồi, niêu, chén, bát v.v…; kế nữa phải có củi, lửa, bỏ vào lò nung cho chín v.v…Ây mới thành đồ gốm dùng được.
– Thế rõ ràng là nó chẳng do tự nhiên sanh mà do sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhiều điều kiện vậy.
– Đại đức còn ví dụ nào nữa chăng?
– Có thể được. Ví dụ như người gãy đàn. Nếu không có dây, phím, da bịt, thùng gỗ v.v… thì âm thanh có thể vang tiếng được không, tâu đại vương?
– Cây đàn, âm thanh như thế cũng không phải tự nhiên sanh, nó cần nhiều yếu tố và điều kiện vậy.
– Có người muốn cưa cây lấy lửa, nhưng y không có hai thanh gỗ, không có bùi nhùi, không có cả người cưa thì có thể tạo ra lửa không hở đại vương?
– Thưa không.
– Ví như người có kính thủy tinh, có ánh nắng mặt trời, lại có người cầm kính ấy chiếu lên đống cỏ khô, rơm khô… thì có thể tạo ra lửa được chăng?
– Thưa được.
– Ví như có gương soi, có người đứng trước gương, có ánh sáng thì có hình người hiện ra trong gương không, tâu đại vương?
– Thưa có.
– Hết thảy mọi sự mọi vật trong thế gian đều y như thế, chẳng có cái gì do tự nhiên sanh, mà phải cần các yếu tố, điều kiện, kết hợp lại mà thành. Nói cách khác, vạn pháp, muôn loài đều do nhân duyên sanh vậy, tâu đại vương!
– Hay lắm! Trẫm đã hoàn toàn lãnh hội.
* * *
Trích trong: Mi Tiên Vấn Đáp
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.