*Câu Hỏi : Có phải nghiệp (karma) giống như sổ kết toán được cất giữ lại hay không? Nếu phải, thì cất nó ở đâu?
Trả Lời : Mỗi người đều có một bánh xe nghiệp (nghiệp luân). Nghiệp đó nằm ngay trong tay của bạn; chẳng ai khác cất giữ nó cả. Mỗi khi bạn hành động, nghiệp được gom cất lại. Nghiệp trôi theo dòng ý thức. Ngày bạn sanh ra, nghiệp cùng đến với bạn. Những kẻ khác chỉ có thể trỏ đường đi cho bạn, chớ họ chẳng thể sửa đổi nghiệp của chính bạn. Chẳng một ai có thể lấy nghiệp của người khác. Chính bạn, bạn phải làm việc đó. Bởi do nghiệp mà có người tu tập tiến bộ nhanh, có người tiến bộ chậm. Vài kẻ bị đau nhức nhiều, có người thì không.
*Câu Hỏi : Phải làm gì khi năng lực và cố gắng xuống thấp?
Trả Lời : Ðôi khi năng lực xuống thấp, có lúc nó lại lên cao. Ðôi khi sự cố gắng tụt xuống, có lúc nó lại trồi lên cao. Nhưng bạn chỉ cần ghi nhận trong tâm bạn rằng “năng lực thấp, cố gắng thấp”. Nếu bạn ghi nhận nó khi nó đang thấp, tự nó tự nhiên điều chỉnh lại. Biết rõ mức “năng lực thấp”, “năng lực cao” cho đến khi nào một năng lực trung bình hiện thấy ra. Ðiều nầy cần được làm một cách êm thắm, từ từ, và dịu dàng. Năng lực và cố gắng được điều chỉnh đúng mức khi ta ghi nhận chúng. Ta chẳng nên trở thành nạn nhơn của các năng lực.
*Câu Hỏi : Bà làm cách nào để thương mà đồng thời chẳng luyến ái?
Trả Lời : Một thí dụ thật giản dị là nước. Chẳng luyến ái có nghĩa là bạn trôi trên mặt nước. Bạn chẳng lặn sạu dưới nước. Bạn thả mình trôi theo dòng mà chẳng chìm sâu xuống đáy nước.
*Câu Hỏi : Có đúng chăng, thiền giả phải ăn chay?
Trả Lời : Vấn đề ăn chay hay ăn mặn chẳng quan trọng. Ðiều quan trọng là tâm ý bên trong. Ngay cả khi bạn ăn chay với một tâm trạng ô nhiễm vì tham, sân hay si, thì bữa ăn chay của bạn trở thành ăn mặn. Ðó là lời Ðức Phật đã dạy. Nếu tâm ý bạn thoát khỏi tham, sân, thì bữa ăn mặn cũng hoá ra đang ăn chay. Ðối với mỗi hành động — thân, khẩu, ý — Ðức Phật đặt nặng nơi ý định.
*Câu Hỏi : Ðôi khi tôi cảm thấy quá chán nản và muốn tự sát
Trả Lời : Sự chán nản đến mức suy nhược và ý muốn tự sát là những căn bịnh tâm thần. Ðôi khi nó lại xảy ra cả cho những thiền giả đã tu chứng thật cao nữa. Nên tập phát triển cho có được một viễn ảnh thật thực tiễn. Một mặt, bạn phải biết rõ hậu quả của việc tự sát: đó là một hành động chẳng cứu giúp bạn được gì trong nhiều kiếp sống liên tiếp; và mặt khác, hãy ráng nhớ, mạng sống con người là điều quí báu nhứt. Ðừng phung phí nó. Bạn nên gắng tập Thiền Minh sát và vui tươi lên.
*Câu Hỏi : Trí năng có quan trọng lắm trong sự tiến bộ thiền quán không?
Trả Lời : Không. Tôi chẳng có chút trí năng nào cả. Và trước kia, tôi chẳng hề biết đến thiền quán hay là các trạng thái của tâm thức. Tôi chỉ có lòng tin thành khẩn nơi đạo pháp. Tôi cảm thấy chắc có điều gì dành cho tôi ở đấy. Với lòng tin ấy, tôi bắt đầu tu tập.
*Câu Hỏi : Sự tỉnh thức có ích lợi gì?
Trả Lời : Ðể tôi kể cho các bạn nghe một thí dụ. Nếu tôi bảo bạn, có một số châu báu được chôn dấu tại một nơi nào đó và tôi dục bạn đi lấy về, bạn sẽ rời nhà lên đường để đi đến đó. Dọc đường, bạn gặp một cuộc đánh lộn, bạn dừng lại xem một lát. Nhưng sau đó, bạn lại tiếp tục lên đường. Rồi bạn lại thấy một đám cưới đi ngang qua, kèn trống vang lên, bạn lại dừng bên đường để ngắm. Lát sau, bạn lại đi tiếp. Có thể bạn thấy một cuộc đua xe trên công lộ, bạn cũng đứng lại xem, một lát sau mới đi tiếp. Nếu bạn chẳng có tỉnh thức, bạn chẳng thể đi tới nơi chốn dấu châu báu mà tôi đã bảo đến lấy. Nhưng khi có sự tỉnh thức ở đấy rồi thì mặc dầu có những sự ngừng nghỉ hay cản trở, bạn chẳng hề lạc mất lối, và tiếp tục đi tới mãi. Sự tỉnh thức giúp bạn đạt tới mục tiêu.
*Câu Hỏi : Các sự chuyển hoá quan trọng trong đời bà đã xảy ra trong khi tu tập ráo riết hay là ngay trong cuộc sống hằng ngày theo đường lối thiền quán?
Trả Lời : Các sự chuyển hoá lớn xảy ra trong khi tu tập ráo riết. Rồi sau đấy, tôi vun bồi các sự thay đổi đó ngay trong đời sống hằng ngày. Các sự biến đổi ngày càng thâm sâu hơn, theo phương cách đó.
*Câu Hỏi : Các ưu phiền và sầu não của bà từ từ mất dạng hay đã nhanh chóng tiêu trừ như là một thành quả của sự giác ngộ?
Trả Lời : Lần lần tôi có thể cảm thấy chúng từ từ ra đi mất. Rồi sau đấy với sự thực tập thiền quán nhiều hơn, tôi phát triển được chút ít trí huệ, thì toàn bộ ưu não đều tiêu tán.
*Câu Hỏi : Ðiều gì tốt nhứt cần làm khi các dục vọng quá mạnh?
Trả Lời : Hãy quán tưởng và chiếu soi mạnh và trực tiếp vào các dục vọng. Hãy biết rằng chúng rất mạnh. Hãy cố gắng tìm hiểu chúng cho rõ ràng… Nhờ xuyên qua sự hiểu biết về các điều ham muốn của các giác quan khi các ham muốn đó vừa khởi lên, bạn có thể khắc phục được chúng. Bạn có thể sống trong cõi dục giới mà vẫn là một người Phật tử thuần thành, bởi vì bạn có thể đồng thời “xuất thế gian”được, với ý nghĩa là bạn chẳng để bị lôi kéo hay bị ràng buộc.
*Câu Hỏi : Sự hiểu biết căn bản của bà về đời sống có thay đổi chăng?
Trả Lời : Lối tôi nhìn đời đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, tôi bám níu vào mọi sự việc; tôi rất chiếm hữu, tôi đòi muốn muôn vật. Nhưng nay, tôi như đang trôi bồng bềnh, chẳng bị vướng bận gì. Tôi đang sống ở đây, nhưng tôi chẳng ham muốn vật gì, tôi chẳng mong chiếm hữu bất cứ vật gì. Tôi đang sống, thế thôi. Thế là đủ rồi.
Trích trong : Ngập Sâu Trong Ân Sủng
Knee Deep In Grace – Amy Schmidt
Cố Thiền sư Dipa Ma
Thiện Nhựt phỏng dịch
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Có phải nghiệp như sổ kết toán được cất giữ
13 Months ago.
