⏺ Câu Hỏi: Thưa Sư trong trường hợp rút ống thở ôxy của người thân (không còn khả năng sống nữa), mình có bị tội gì không?
Trả Lời : Do cái tâm của mình. Một số trường hợp người ta tin rằng: người chết, chết vào giờ tốt thì gia đình sẽ được tốt, còn người chết trúng giờ xấu thì gia đình sẽ bị xui rủi, trong những trường hợp như vậy, một số người nghĩ rằng: người thân của mình thật ra không kéo dài được bao lâu, để ống thở như vậy giỏi lắm được một vài giờ đồng hồ hoặc một hai ngày thôi, do vậy, họ lựa giờ nào tốt để rút ống.
Khi họ rút ống với cái tâm đó thì họ tạo ác nghiệp. Bởi vì dù cho biết rằng: người đó không còn sống bao lâu, nhưng vì mình muốn họ kết thúc sớm để mình có được cái giờ tốt như mình mong muốn, là khi đó mình tạo ác nghiệp.
Còn như bác sĩ nói rằng: là người thân mình đã chết rồi, chẳng qua do điều kiện máy móc nên thấy cơ thể vẫn còn như sống chứ thật ra thì đã chết. Trong trường hợp đó rút ra thì không có mang ác nghiệp.
Tóm lại là cũng do cái tâm của mình. Nếu mình tin chắc người đó đã mất rồi, do vậy mình rút thì không có gì hết. Nhưng nếu mình nghĩ rằng người đó vẫn còn sống, chẳng qua không còn cứu được, nên thôi mình rút luôn cho rồi, khỏi có cực khổ mình; khi mình rút như vậy là mình tạo ác nghiệp.
Có những trường hợp rất là nguy hiểm, đó là khi những người nằm đó chính là cha là mẹ của mình, trong trường hợp đó, không khéo là mình phạm ngũ nghịch đại tội. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, nếu là Phật tử mà tôi có lời khuyên với họ, đụng đến cha mẹ, ai rút ống thì không biết, chứ mình không can dự vào trong đó. Bởi vì cái tâm của mình vô chừng không hiểu được. Đôi khi chỉ vì một lý do nào đó như mình mệt mỏi quá rồi, mình nghĩ cha mẹ mình sống không nổi một hai giờ nữa, hoặc cha mẹ mình mất giờ này thì xấu, giờ này thì tốt, v.v… chỉ có một suy nghĩ chút xíu đó thôi mà rất nguy hiểm, nếu dẫn đến ngũ nghịch đại tội thì tội đó không cứu được. Do vậy một Phật tử học đạo, trong trường hợp đó cố gắng tối đa, ai rút thì rút chứ mình không biết, bởi vì mình không biết cái tâm mình khi đó như thế nào, lỡ chỉ có một chút xíu đó thôi mà tạo một ác nghiệp rất nguy hiểm.
⏺ Câu Hỏi: Còn nếu mình thấy một người, họ đau đớn vật vã quá, mình muốn giúp cho họ để họ không đau đớn nữa, chứ không phải là mình chọn ngày giờ tốt. Như vậy có phải là ác nghiệp không thưa Sư?
Trả Lời : Cái ác nghiệp, nói một cách rốt ráo, thì việc làm đó bắt buộc phải làm với tâm bất thiện. Còn nếu không có tâm bất thiện thì nó không cho quả bất thiện được. Trong trường hợp người đó hoàn toàn vì lòng bi mẫn mà nghĩ rằng: người này quá đau đớn cho nên là phải rút ống, và phải chắc chắn rằng là trong suốt thời gian cho cái hành động đó hoàn toàn không có cái tâm bất thiện nào, thì trong đó mới không có cái quả bất thiện được. Bởi vì cái nguyên tắc là không có một cái tâm bất thiện thì không thể nào cho quả bất thiện hết, cho nên là nếu một người làm với tâm hoàn toàn không có cái bất thiện thì không thể cho quả.
Trích trong: Bài giảng Vi Diệu Pháp 12
Sư Sán Nhiên giảng
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.