NGƯỜI THIỆN TRÍ VÀ KẺ NGU
Chúng ta có thể trích dẫn Kinh Phước Lành (Maṅgala Sutta) làm ví dụ. Câu kệ đầu tiên của bài kinh này như sau:
Không kết giao kẻ ngu,
Thân cận người thiện trí,
Kính lễ bậc đáng lễ,
Là phước lành cao thượng.
Ở đây Đức Phật (Buddha) nói về người thiện trí và kẻ ngu si. Bản thân các từ này là thuật ngữ chế định, các định nghĩa ‘thiện trí’ và ‘ngu si’ là Tục Đế, và những gì mà các từ ngữ đề cập đến cũng là Tục Đế.
Khi nghe từ ‘đàn ông’, người ta ngay lập tức biết ý nghĩa của từ này. Nếu viết xuống, chúng ta có thể đọc và cũng có thể biết ngay ý nghĩa. Cả nghe và đọc đều là saddapaññatti , hay nāmapaññatti (danh-chế-định). Hiểu nghĩa là gì chính là atthapaññatti, hay nghĩa -chế-định. Có thể tham chiếu lời giải thích của Đức Phật (Buddha) để đảm bảo rằng chúng ta hiểu ý của Ngài về ‘thiện trí’ và ‘ngu si’.
Đức Phật (Buddha) nói rằng:
– Có ba điều để giúp nhận dạng kẻ ngu si: Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác;
– Và có ba điều giúp nhận biết người thiện trí: Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.
Ở đây, tôi xin nhắc lại rằng: không phải vì được sinh ra là con người mà chúng ta trở nên thiện trí hay là ngu muội. Chính vì có thể kiểm soát được những phiền não của mình mà chúng ta trở nên thiện trí. Ngược lại, vì không thể kiểm soát được phiền não nên chúng ta trở thành ngu si.
Do vậy, chúng ta có thể là thiện trí, hoặc cũng có thể ngu si.
Cho nên, chúng ta phải tập rèn luyện tâm để kiểm soát phiền não và giữ cho phiền não nằm trong tầm kiểm soát. Mặc dù, những suy nghĩ của mình chưa thanh tịnh, nhưng chúng ta không nên hành động hay nói năng theo sự dẫn dắt của phiền não. Chúng ta phải giữ cho những dẫn dắt của phiền não trong khả năng kiểm soát. Điều này thật quan trọng.
Tất cả chúng ta phải huân tập theo cách này, để đem lại lợi ích cho bản thân và tránh rơi vào bốn đọa xứ. Đây là điều mà chúng ta có thể thực hiện. Không phải là không thể nếu chúng ta có Niệm.
Đức Phật (Buddha) nói: ‘Mọi nguy hiểm và tác hại đều do kẻ ngu si, không phải do người thiện trí .’
Bất cứ khi nào không kiểm soát được phiền não của mình, chúng ta sẽ gây ra tổn hại và nguy hiểm cho bản thân và cho cả người khác. Thế nên khi nghe thấy từ ‘ngu si’, chúng ta không cần nhìn đâu xa; thực tế nên nhìn rất gần thôi.
Chúng ta không nên cho phép mình ngu muội. Vì sự tiến bộ thật sự dựa trên tính trung thực, điều cần thiết là phải biết bản thân mình.
Nếu nhìn ra xa, nhìn vào người khác và chỉ vào người khác mà nói: ‘Người đó thật ngốc; Tôi mới là có trí,’ thì đây là vấn đề.
Thay vào đó, chúng ta phải phát triển sự trung thực. Chúng ta phải biết mình là ai. Có nhiều lúc chúng ta có thể là thiện trí, nhưng đôi khi cũng có thể ngu si.
Theo lời dạy của Đức Phật (Buddha), chúng ta nên quan tâm sát sao đến việc giáo giới bản thân hơn là khiển trách người khác. Chúng ta có thể cho người khác những gợi ý, nhưng không cần phải ra lệnh cho bất cứ ai.
Bản thân chúng ta đang được rèn luyện và cần được nhắc nhở liên tục. Nếu không như vậy, chúng ta không thể tiến bộ.
Quan tâm bản thân có nghĩa là: chú ý đến việc khuyên răn chính mình. Điều này cũng rất quan trọng. Duy trì sự quan tâm đến việc tự răn mình là cách để trưởng thành, trái ngược với cách trở nên già đi. Ngày nay nhiều người chỉ đơn thuần đang già đi: người ngu si già đi, còn người trí thì trưởng thành.
Chú giải giải thích ý nghĩa của từ ‘ngu si’ như sau:
‘Bālānanti balanti assasantīti bālā, assasitapassasita-mattena jīvanti, na paññājīvitenāti adhippāyo’: ‘Những kẻ thở chỉ để sống là những kẻ ngu si. Không được dẫn dắt bởi trí tuệ, họ thở chỉ để sống.’
Tiếp theo là: ‘Paṇḍitānanti paṇḍantīti paṇḍitā, sandiṭṭhikasamparā-yikesu atthesu ñāṇagatiyā gacchantīti adhippāyo’. Điều này có nghĩa là những người ‘được dẫn dắt bởi trí tuệ’, họ sống đời mình dưới ảnh hưởng của trí tuệ, là những người biết cách hành động vì lợi ích của riêng mình ngay trong hiện tại, và làm sao lo liệu cho lợi ích tương lai; cũng như cách hành động vì lợi ích của người khác trong hiện tại và tương lai; đồng thời cho chính bản thân mình lẫn người khác trong cả hiện tại và tương lai. Như Chú giải nói: đây là những gì có nghĩa là thiện trí.
Một lần nữa, như Đức Phật (Buddha) đã nói: mọi nguy hiểm và tai hại đều do kẻ ngu si gây ra, không phải do người thiện trí. Nó giống như một túp lều đang bốc cháy: Ngay cả khi đó chỉ là một túp lều nhỏ đang cháy, nhưng cuối cùng nó có thể thiêu rụi cả thành phố. Theo cách như vậy, nếu một người ngốc nghếch xuất hiện ở nơi nào đó, người như thế có thể phá hủy hết mọi thứ. Tất cả tác hại và hiểm nguy gây ra là do kẻ ngu si, không phải do người thiện trí.
Cánh cửa đến bốn cõi khổ đang rộng mở cho kẻ ngu si. Do đó, chúng ta nên nhớ lời giải thích trong Chú giải của Dhammapada (Pháp Cú), những lời của Đức Phật (Buddha) được trích dẫn: ‘Pamattassa ca nāma cattāro apāyā sakagehasadisā’ : ‘Bốn đọa xứ là ngôi nhà thường trực của dể duôi’.
Chúng ta là dể duôi bất cứ khi nào chúng ta không kiểm soát được phiền não của mình. Thay vào đó, muốn được trở nên thiện trí, chúng ta phải giữ phiền não trong tầm kiểm soát. Để làm được như vậy, chúng ta phải tỉnh giác và không được dể duôi.
Trích “ Sự Thật được dạy bởi tất cả Chư Phật “
Thiền Sư Revata Sayadaw – Trung Tâm Thiền Quốc Tế Pa – Auk
Fb Nguyên Thị Kim Anh
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.