Samaya jhāna
Trong chú giải cho mình biết có hai loại thiền định: một là samaya jhāna là thường trụ thiền, và hai là asamaya jhāna là tạm trú thiền, chữ này rất là kỳ nhưng tôi sẽ giải thích tại sao là tạm trú.
Thường trụ thiền, samaya jhāna, ở đây là trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh thiền giả muốn vô là vô, muốn ra là ra. Muốn vô thiền vô một cái rẹt, muốn ra là ra cái rẹt. Đó gọi là thường trụ. Coi như là mình có quốc tịch luôn, có passport luôn. Có nghĩa là muốn vô là vô, muốn ra là ra.
Còn cái trường hợp thứ hai, asamaya jhāna, là tạm trú thiền giả. Vị này chỉ có xài cái “visa entrée” thôi. Có nghĩa là mỗi lần muốn vô phải đi xin, lôi thôi mệt lắm, nhiều khi nó cho, nhiều khi nó không có cho. À quên nữa. Giảng xong chiều nay tôi phải vô điền cái đơn để mà xin cái visa vô Miến Điện. Khổ quá đi. Mỗi lần đi vô phải xin mệt quá mệt. Chứ nếu bây giờ mình có được cái visa 5 năm của Việt Nam là mình hỏng có cần. Miến Điện nằm trong khối Asia mình khỏi có cần đi xin lẻ tẻ. Còn đằng này mình không có cái đó cho nên mỗi lần muốn về Miến Điện phải đi xin mệt quá. Mà tôi không có nói lạc đề đâu. Tôi đang muốn nói cái gì các vị thấy không? Tôi đang muốn nói một chuyện là chỉ vì mình không có đủ giấy tờ, mỗi lần vô nó mệt quá. Có nhiều lần tôi đi từ Thái Lan, tôi phải xếp hàng ở cái chỗ chờ ở đại sứ quán, xếp hàng mệt muốn chết luôn vậy đó.
Thì ở đây cũng vậy, một vị đắc thiền có hai trường hợp. Thứ nhất gọi là samaya vihari là thường trụ thiền giả, có nghĩa là sao ta? Có nghĩa là muốn vô là vô, muốn ra là ra bởi vì người ta có passport, người ta có visa dài hạn. Còn cái loại thứ hai là asamaya vihari có nghĩa là ra vô rất là khó.
Cho nên đây là lý do vì đâu mà có cái vụ đệ nhất thần thông là vậy đó. Cái vị đệ nhất thần thông là vị đó có thể trong tích tắc sử dụng rất nhiều cái đề mục và biến hiện vô số loại thần thông khác nhau. Có những loại thần thông phải được thực hiện bằng đề mục đất, nước, lửa, gió, hư không, áng sáng, xanh, vàng, đỏ trắng. Mà nếu vị nào giỏi, vị đó có thể trong tích tắc “muốn, muốn, muốn.” Chỉ muốn là được, chỉ muốn là được. Nhớ nha. Còn vị nào mà dỏm quá là phải nhập từng thứ, chun ra, chun vô, chun ra, chun vô … nó mệt dữ lắm, nha. Người ta nhập, người ta chỉ muốn là được. Còn mình phải vạch rào, chun qua bên màu xanh; rồi vạch rào chun ngược lại màu vàng; leo rào qua màu đỏ; rồi mới leo rào trở lại màu trắng; … nó lâu lắm. Còn người ta chỉ ngồi yên người ta “muốn, muốn, muốn, muốn.” là xong, nha.
Đây cũng vậy, trong kinh nói cái vị mà samaya vihari là cho dù trời nóng, lạnh, bản thân bệnh hoạn, thời tiết, nhức răng, lòi ruột, lòi phèo vẫn có thể muốn là nhập định tỉnh bơ. Nhiều vị tuy có bệnh đó, máu me tè le vậy đó, nhưng mà muốn nhập là nhập được liền.
Có lần Đức Phật Ngài đến thăm Ngài A xà chí bị bệnh. Ngài hỏi “A xà chí có thấy bớt được chút nào không?” Thì Ngài A xà chí nói “Dạ nếu mà hôm nay con còn giữ được cái tầng thiền samatha nào đó thì con không có bị đau như thế này.” Mặc dù Ngài là vị Thánh rồi đó nhưng mà Ngài vẫn nói như vậy “Nếu mà hôm nay con còn giữ được …” Tại vì trước đây Ngài có đắc rồi. Trong chú giải nói Ngài có đắc rồi nhưng Ngài không có giữ lại, không có duy trì cái tầng thiền mà Ngài đã đắc. Cho nên hiện giờ Ngài là người không có thiền. Ngay giây phút này nếu mà Ngài còn giữ được cái tầng thiền sơ, nhị, tam, tứ là Ngài nhập vô đó một phát là coi như, bệnh thì vẫn bệnh thôi chứ không phải nhập thiền là hết bệnh, không phải vậy, nhưng mà lúc bấy giờ là đã phiêu diêu cõi ngoài, phiêu bồng thoát sái. Xác mình nằm ở đó nhưng tâm mình hoàn toàn an trụ trong cảnh thiền mình không biết đau là gì hết. Đó! Cái trường hợp đó được gọi là thường trụ thiền giả.
Còn cái hạng thứ hai là tạm trú thiền giả, asamaya vihari, có nghĩa là phải kiếm chỗ ngồi đàng hoàng, trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngon lành, thực phẩm đầy đủ, rồi thầy bạn, rồi liêu cốc; nói chung là y áo phải thoải mái, rộng rãi, mát mẻ. Rồi ngồi từ từ nó mới vô, vô từ từ, hoặc là vô được thoải mái đó nhưng phải chậm.
Còn cái vị kia muốn là được, cứ muốn là được. Thì đó gọi là tự tại trong thiền. Ở đây Ngài Minh Châu dịch là “đạt được sức mạnh trong thiền”.
Trích bài giảng KTC.6.70 Thần Thông
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Trong chú giải cho mình biết có hai loại thiền định
8 Months Ago.