VƯỢT QUA PHIỀN NÃO
Đối với người cầu đạo giải thoát, thì cái đáng sợ nhất chính là cái phiền não của mình. Và cái đẹp nhất mà mình nên có và có thể để ý chính là cái thiện pháp của mình. Ngoài thiện pháp ra thì không có cái gì đáng để mình đam mê hơn. Ngoài pháp bất thiện ra cũng không có cái gì đáng để mình ghét sợ nhờm gớm hơn. Nhớ câu ‘thần chú’ này:
“Ngoại trừ thiện pháp ra không có gì đáng để mình phải lưu tâm. Ngoại trừ ác pháp ra thì không có gì đáng để mình phải ghét sợ”.
Có thể sau bài giảng này, bà con thấy chuyện đó hơi gây sốc: ‘Sao kỳ vậy, Sư bắt sống gì kỳ vậy!’ Nhưng mà từ từ nó mới ngấm, nó thấm ra: ‘À thì ra, cái chỗ nó có dơ cách mấy, cái vật khó nuốt, khó ngửi cách mấy, nó vẫn không có tệ hại bằng những phiền não của mình.
Bởi vì chính cái phiền não của mình hôm nay, mà chúng ta phải gặp 5 trần bất toại trong tương lai, nên ngoài thiện pháp ra thì không có trần cảnh nào đáng để mình lưu tâm. Vì sao?
Là vì chính thiện pháp sẽ tạo ra các trần như ý. Thiện pháp là gốc của hỷ lạc, là gốc của tất cả cái gì mình vừa ý, mình thương thích.
“Nhân lành thì nên tu nhưng quả lành thì không nên đam mê . Nhân ác thì nên tránh nhưng quả ác mình cũng không nên chán sợ, mà nên an trú trong Từ bi quán và giới quán (quán tố chất = dhatu)”
Có nghĩa là hoàn cảnh nào mình cũng tu được hết.
Tu hành là phải có kham nhẫn, có tinh tấn, có chịu đựng.
Nhưng trí tuệ của người tu, không bao giờ đẩy mình đi kiếm chỗ khó mà đút đầu vô.
Tuy nhiên trong trường hợp nếu tránh không được, thì người tu vẫn có thể an nhiên thanh thản với môi trường, với điều kiện, và hoàn cảnh trước mắt. Đó là thái độ của người tu.
Đạo Phật là đạo trí tuệ. Tôi ớn nhứt người thuộc lòng có một hai câu, rồi theo đó, rồi nói tu hành là phải nhẫn, tôi mệt lắm!
Các vị coi lại bài Kinh số 2 của Trung Bộ ‘Nhất thiết lậu hoặc’, trong đó Đức Phật dạy rất rõ. Ngài dạy có 7 cách đối phó với phiền não, trong đó ‘nhẫn’chỉ là một trong 7 cách thôi. Ngài dạy :
-Có trường hợp mình phải gồng mình chịu đựng.
-Có trường hợp phải bỏ đi.
-Có trường hợp phải quán chiếu thông suốt nó.
-Có trường hợp chúng ta phải giải quyết thỏa đáng vấn đề.
Thí dụ như một số nhu cầu vật chất (đói quá, lạnh quá, bịnh quá, đau đớn quá). Đói quá thì phải ăn, chớ không phải đói rồi ngồi đó gồng. Nhưng là đến một mức độ nào đó, chớ không phải nói tu là đáp ứng nhu cầu của thân tâm. Phải đến một chừng mực nào đó.
Mình trung đạo mà. Mình không nhắm mắt chiều theo đòi hỏi của thân tâm, nhưng cũng có trường hợp mình phải nhường nó ba bước.
Tu tâm cũng như dạy con nít. Tu tâm y như chăn bò. Có trường hợp mình chiều nó, cũng có lúc mình phải làm lơ, hoặc cương quyết bắt nó khuất phục.
Hành trình tu tập của hành giả y như chăn trâu trong tranh ‘Thập mục ngưu đồ’ của Bắc Tông. Buổi đầu đi tìm trâu như mình quan sát vọng niệm của mình.
Đến lúc tìm được trâu rồi, ban đầu trâu đen thui sình không. Mình chăn dắt nó, đến lúc sình bùn rớt sạch sẽ, cuối cùng lộ rõ ra là con trâu trắng. Hành trình tu chứng là lúc đầu đi tìm trâu. Sau trâu đen thành trâu trắng. Cuối cùng mất trâu chỉ còn người.
Cuối cùng người trâu đều mất.
Có nghĩa hồi đầu mình không biết Đạo mình thấy có tôi, có cái của tôi. Khi biết Đạo rồi mình đi lên bước nữa là thấy danh lợi, tình cảm, quyền lực không nghĩa lý gì hết. Cái quan trọng chỉ là thiện pháp. Nhưng mình còn bị kẹt ở chỗ khác: đó là ‘tôi có chánh niệm, tôi có thiền định, tôi có trí tuệ’.
Nghĩa là mình bỏ danh, bỏ lợi, nhưng lại chấp vào cái khác. Phải tiếp tục tu tập nữa đến một lúc nào đó mình thấy rằng: thiện pháp vừa biến mất, ác pháp vừa biến mất (Thấy được tánh sanh diệt).
Sẽ có một ngày mình thấy không còn ai tu tập.
Ở đây chỉ có chánh niệm. Ở đây chỉ có phiền não, có tham sân si nó tiếp nối nhau, thừa tiếp nhau sanh diệt. Ở đây không hề có người nào tu hết, chỉ có sự tiếp nối của thiện và bất thiện. Lúc đó cả người và trâu đều mất là như vậy. Hồi đầu còn có người tu, còn có lý tưởng tu. Đến một lúc nào đó không còn ai tu. Đây chính là lý do vì đâu trong Kinh có câu này:
“Chỉ có cái khổ chứ không có ai chịu khổ. Chỉ có con đường dẫn đến đau khổ chớ không có ai là người tạo ra đau khổ. Chỉ có sự chứng ngộ chớ không có người chứng ngộ. Chỉ có con đường hành trì chớ không có hành giả hành trì”.
Người không biết Phật pháp nghe câu này rất là kỳ…
…Mục đích tu hành là để viễn ly điên đảo mộng tưởng. Hồi đầu mình còn chấp danh chấp lợi, chấp nhan sắc tiền bạc quyền lục. Nhưng sau đó còn chấp cái khác (là những giá trị tâm linh). Nhưng dần dần mình thấy ở đây không còn lối hiểu Bốn Đế như ngày xưa nữa.
Ngày xưa còn có thân của tôi là Khổ đế, tâm tham của tôi là Tập đế. Sự giải thoát của tôi là Diệt đế.
Sự hành trì của tôi là Đạo đế. Lúc nào cũng có cái tôi to đùng gắn liền trong đó.
Nhưng sẽ có một ngày mình không thấy có cái vụ ‘tôi, mình’ ở trong đó. Ở đây chỉ có Khổ, chỉ có Tập, có Diệt có Đạo thôi (nhân ngưu câu vong: trâu và người mất).
Mất ở đây là sao? – Mất đây không có nghĩa là trở về không. Mà nó đi đến bước cuối cùng là ‘thùy thủ nhập thiền’ (thõng tay vào chợ). Có nghĩa “Lúc đầu mình thấy sông núi là sông núi. Biết Đạo rồi hành Đạo rồi thì thấy sông núi không phải là sông núi mà chỉ là đất nước lửa gió. Đi thêm bước nữa thì thấy sông núi trở lại là sông núi”. Nhưng lần này mình nhìn nó bằng sự thanh thản của một người đã ra ngoài cuộc chơi u mê.
Có hiểu chỗ này không ta?
Có nghĩa cái biết hồi đầu thấy sông núi là sông núi, chợ búa con người là chợ búa con người. Đi thêm bước nữa sẽ thấy rằng những ý niệm đó là ‘điên đảo mộng tưởng’. Nhưng khi chứng ngộ rồi thì mình trở lại đời sống bình thường.
Có nghĩa là vẫn đói ăn khát uống, nhưng lần này sống thì ‘cư trần bất nhiễm’. Có nghĩa là sống cũng thấy, cũng nghe ngửi nếm đụng nhưng trước cái mà mình thấy thích thì mình an trú vào niệm bất mỹ, vô thường.
Trước cái mà người ta ghét sợ, gớm thì mình an trú vào từ tâm, vào cái phép quán niệm các tố chất.
Tức là trần cảnh cỡ nào chúng ta cũng có cách để giữ lòng thanh thản – Cái lòng thanh thản của người biết chuyện. Chớ không phải lòng thanh thản của người vô tri. Nhớ cái đó
Trích bài giảng Kinh Tăng Chi 133
Sư Giác Nguyên giảng