XEM MÌNH CÓ CỘNG NGHIỆP VỚI AI KHÔNG ?
Cách đây ba mươi mấy năm về trước ở trong chùa Long Thành có cô Phật tử đi chợ nấu cơm cho các sư. Cô kể : “mình giữ giới không được giết, nhưng mình dặn người ta, rồi đi một vòng mua rau cải quay trở lại lấy thì mình đâu có giết.”
Tuy mình không giết nhưng đó cũng là một cách cộng nghiệp. Mình không ăn cắp ăn trộm, không xúi ai nhưng mình mở tiệm cầm đồ, và ngày nào mình cũng mong có ai đó đến cầm đồ, đó cũng là một cách. Chuyện tiêu thụ của gian, mình không trộm cướp, không xúi ai, nhưng có lòng vui theo, có lòng mong đợi bữa nay có ai tới bán đồ rẻ đồ tốt cho mình, đó cũng là một cách cộng nghiệp. Bởi vì đó là mình tiêu thụ đồ gian. Nhiều lắm, có vô số tội ác trên đời mình không có tự làm, không xúi, nhưng mình kín đáo lặng lẽ âm thầm vui theo thì đó cũng là một cách cộng nghiệp.
Thí dụ có những xứ sở địa phương, chuyến bay, chuyến xe, nơi chốn, người dân ở đó cùng một lúc chung một hoàn cảnh bị động đất, đất sụp. Bên Cali có nạn bùn đất, trên núi nửa đêm tự nhiên lôi kéo theo mấy cái nhà đi chung, họ bị chết vùi trong sình, hoặc chiếc phà bên Philippines bình thường không sao, tự nhiên bữa nay nó lật chết vài chục người, hoặc chuyến bay rớt chết vài trăm người, lúc nó rớt xuống thì mỗi người chết một kiểu, chết cháy, chết ngạt, văng ra khỏi máy bay, nổ xé ra làm ba làm bốn mảnh, thì cũng là tai nạn máy bay nhưng mỗi người chết một kiểu, do hồi xưa cũng có cộng nghiệp nào đó.
Ở đây tôi xin nói thêm chữ cộng nghiệp nhiều người hiểu lầm, hiểu không tới. Cộng nghiệp có nhiều trường hợp :
Cùng làm chung với nhau một việc gì đó. Mình không cần thấy mặt nhau, miễn công việc đó cùng là một tác dụng, mục đích và mình đã thực hiện việc đó, chỉ cần thời gian trổ quả trùng hợp nhau thì chúng ta sẽ gặp nhau để cùng lãnh quả tốt hay quả xấu.
Thí dụ như năm 1948 tôi có giúp cho một bà cụ neo đơn, rồi đến năm 1984 quí vị giúp cho một ngôi chùa tăng ni nào đó, thì khi một người thì năm 1948, một người thì năm 1984, tôi với quí vị không quen biết nhau nhưng công việc nó giống nhau, tác dụng, ý nghĩa, lý tưởng, mục đích của hai công việc nó giống nhau, cho nên sẽ có một lúc nào đó trong vòng sanh tử, nếu quả lành của tôi trổ trùng hợp với quả lành của quí vị cũng trổ thì chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu đó, mình cùng được hưởng giàu sang phú quí.
Hoặc cách đây 18 năm có anh chàng đó đi đánh dậm, tức đánh cá, đánh lưới ở ngoài miền Bắc, rồi cách đây 5 năm có anh chàng đó đi bắt cá ở trong miền Nam, 17 năm nữa có anh chàng ở đâu đi bắt cá ở Philippines, ba hoàn cảnh khác nhau, nhưng có thể nghiệp của họ trổ cùng một lúc, tuỳ lực mạnh yếu của tâm lúc tạo nghiệp. Nên nhớ rằng vô số chúng sanh trong đời này có thể không biết nhau, nhưng nghiệp họ tạo ra nó hoàn toàn có thể cho quả cùng một lúc, chuyện đó không có gì lạ.
Hoặc thí dụ tôi không biết ông người Do Thái sống bên Nhật, mà tôi là người VN đang sống bên Tây Ban Nha, còn quí vị là người Lào đang sống ở TQ. Ba người mình hoàn toàn không biết nhau, nhưng cách đây 4 tháng mình trồng loại ớt, cà, thì hôm nay cây ớt, cây cà đó nó cho trái cùng một thời điểm, mà không hẳn là trồng cùng ngày, có thể tôi và họ trồng chênh lệch trước sau không bao lâu, nhưng do điều kiện đất đai chăm sóc, cho nên tôi có ớt chín đỏ tôi ăn, ông kia cũng có để ăn mặc dù tôi và ông đó không biết gì nhau, chỉ là một sự trùng hợp. Tất cả những người vào thời điểm đó họ được hưởng quả lành thì họ sẽ cùng nhau chịu chung quả tốt hay xấu.
Cho nên cộng nghiệp có 2: là cùng làm chung với nhau và làm riêng, và cùng làm loại nghiệp giống nhau. Chỉ cần nó trổ quả đồng thời thì mình sẽ gặp nhau. Và nó có nhiều sự tương đồng thì sẽ gặp nhau. Bởi vì chúng sanh quá đông, cho nên xác suất hái quả chung với người khác nó rất cao.
Thí dụ cũng là người VN mà có một số người phải xài nước giếng độc hại, hít thở khí độc của nhà máy hảng xưởng, cả làng bị ung thư. Nó khiến họ dọn về khu đó dựng nhà cửa sanh con đẻ cái, để cùng nhau chia sẻ nguồn nước độc hại hít thở bầu không khí đó. Rồi có một nhóm người lập ấp, có nghĩa là ngày xưa cũng có nhóm người xiêu dạt tha phương cầu thực, trôi dạt vào vùng rừng núi nào đó, ngày xưa có câu “nhất cận thị, nhì cận giang “, tức là họ kiếm chỗ nào chợ búa dựng nhà cửa ở rồi họ trôi dạt xứ người, thấy chỗ nào đất đai màu mỡ họ dừng lại che lều che chòi ở, rồi từ từ lập nên làng xóm, từ từ thành thị trấn, rồi thành thành phố, ở đó núi cao sông rộng, phong cảnh hữu tình, giang sơn cẩm tú tuyệt đẹp. Tại vì có sự cộng nghiệp nó đẩy họ về vùng đất nào đó để rồi đời họ, đời con cháu họ bao nhiêu lớp hậu dụê thừa hưởng di sản thiên nhiên cực kỳ tuyệt hảo ở đó.
Nhưng ngược lại cũng có những vùng đất không ra gì, cũng khiến xui đẩy xô thế nào đó cho một nhóm người về đó lập ấp, xây cất nhà cửa làm nên phố xá thị trấn, rồi cuối cùng vùng đất cũng không ra gì, cũng có người ở, là vì chính cái nghiệp đẩy họ về đó.
Có một chuyện nữa là mình cứ tưởng mình nằm yên ở nhà đóng cửa tắt đèn trùm mền online là không gây nghiệp, nhưng không phải đâu. Mình mở phone, mở Ipad ra lầm lủi coi trang này tin tức kia thấy bực mình, đó là cách cộng nghiệp. Mở online coi tin thấy sắp có cuộc thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, thái độ tâm lý lúc mình đọc tin đó cũng là một cách cộng nghiệp, mình đứng phía Mỹ hay là Triều Tiên rồi mình đọc tin tức quan hệ giữa VN với TQ, vụ cho thuê đất 99 năm, rồi mình nổi giận, đó cũng là một cách cộng nghiệp. Tôi không đứng về phía ai, chỉ là đơn cử một vài trường hợp. Có nghĩa là khi mình đọc báo, nghe đài, xem TV, mình sân si trong đó cũng là một cách cộng nghiệp. Cộng nghiệp với kẻ đăng tin, viết bài, chụp ảnh, quay phim thì đó là mình hè nhau để mà cộng nghiệp, chứ không phải cộng nghiệp là mình hè nhau xắn tay áo, nắm tay cùng nhau thực hiện một việc gì đó, chuyện đó thì nó quá rõ ràng . Còn đằng này ngừời viết bài, chụp hình họ ở đâu không biết, mình chỉ biết khi mình coi đọc đoạn đó, nhìn tấm ảnh đó mình có phản ứng tâm lý ra sao, thì chính phản ứng tâm lý ấy đó chính là một kiểu cộng nghiệp.
Mỗi ngày quí vị thường xuyên xem mình có cộng nghiệp với ai hay không ? xem coi mình chuẩn bị gì cho đời sau kiếp khác, coi mình đang dọn ổ hay dọn nhà, dọn ổ là mình đang sống bằng tâm bất thiện, mình sẽ về ổ chó, ổ heo mình ở. Còn mình sống bằng tâm lành là mình đang dọn nhà mình. Mỗi ngày mình xem coi mình sẽ về với hội chúng nào.
Sư Giác Nguyên