Giáo sư Lê Anh Tuấn, sinh năm 1980, giảng viên cao cấp của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong 3 người trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong hàm năm 2020.
(Cháu Lê Anh Tuấn con của thầy giáo Lê Qúy Thạnh, cháu nội của bác Lê Qúy Tập , cháu kêu bác đương kim tộc trưởng Họ Lê- Bá- Thúc – Quý làng TTT: Lê Qúy Thăng bằng chú ruột).
Anh vừa được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng” năm 2020.
Từ chối chức vị, trọn con đường khoa học
Trò chuyện về cựu sinh viên này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thông tin: Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là Giáo sư trẻ nhất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo của Việt Nam, đồng thời là người có nhiều công bố khoa học ở các tạp chí khoa học hàng đầu trong và ngoài nước với 31 bài báo khoa học ở nước ngoài, 21 bài báo khoa học trong nước. Giáo sư Lê Anh Tuấn đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và hiện đang thực hiện một đề tài NAFOSTED về bốn cấu trúc (thuật toán) điều khiển mới cho cần cẩu container đặt trên phao nổi. Nghiên cứu ứng dụng cho những cảng sông có luồng vào vừa hẹp và nông như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nghiên cứu đa ngành, đặc biệt hứng thú với nghiên cứu về tự động hóa và robot. Những nghiên cứu này có khả năng giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như nghiên cứu về robot tay đôi có thể ứng dụng rất tốt trong lĩnh vực hàng hải, xây dựng, y tế.
“Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là nhà khoa học chuyên tâm theo con đường nghiên cứu. Để Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuận lợi trong công tác, năm 2014, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm chức danh Trưởng bộ môn Kỹ thuật ô tô của Viện Cơ khí thuộc nhà trường. Tuy nhiên, đến năm 2019, Giáo sư Lê Anh Tuấn đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường cho thôi cương vị trưởng bộ môn để tập trung vào nghiên cứu chuyên sâu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương cho biết thêm.
Trưởng thành trong gian khó
Giản dị và khiêm nhường, Giáo sư Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Kết quả đã đạt được trong công tác là do niềm yêu thích, đam mê khoa học và tôi chỉ chọn một con đường”.
Con đường ấy khởi điểm từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với một lý do rất đời thường. Năm 1998, Lê Anh Tuấn, học sinh khối chuyên Tin, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thi tuyển đại học và trúng tuyển vào Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Bâng khuâng giữa các lựa chọn, cuối cùng Lê Anh Tuấn quyết định học ngành Máy xếp dỡ, Khoa Cơ khí, Đại học Hàng hải Việt Nam đặt trụ sở ở Hải Phòng.
Giáo sư Lê Anh Tuấn kể lại, do điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn nên anh chọn Hải Phòng, sống cùng nhà dì để tiết kiệm một phần chi phí ăn ở, sinh hoạt. Các khoản tiền trang trải học tập đến từ nguồn học bổng. Kết thúc 5 năm học đại học, với kết quả xuất sắc, sinh viên Lê Anh Tuấn được ở lại trường làm giảng viên.
Nuôi dưỡng trong trái tim giấc mơ làm khoa học, đặc biệt là về tự động hóa, Lê Anh Tuấn tiếp tục nỗ lực để bước tới môi trường học thuật quốc tế. Ngoài yếu tố về kinh tế thì ngoại ngữ cũng là “điểm trừ” của Lê Anh Tuấn thời điểm đó. Từ vốn tiếng Anh giao tiếp thông thường ban đầu, giảng viên trẻ mày mò tự học. Anh mua sách tiếng Anh, chủ yếu là sách luyện thi TOEFL học ngày học đêm nhưng cũng phải mất vài lần thi mới đủ điểm theo yêu cầu xét tuyển.
Con đường học tập ở nước ngoài của Lê Anh Tuấn bắt đầu từ năm 2010. Anh nhận học bổng từ Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) và nhận bằng Tiến sĩ của Trường đại học này vào năm 2012.
Được sự khích lệ, tạo nguồn từ phía nhà trường và nỗ lực của bản thân, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tham dự nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các trường đại học nước ngoài như Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Công nghệ Sydney (Australia), Đại học Birmingham (Vương quốc Anh). Với những thành quả trong nghiên cứu, giảng dạy, tháng 11/2016, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư.
Nói về nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, Giáo sư Lê Anh Tuấn cho biết, môi trường nghiên cứu đã tiệm cận với thế giới. Song việc học tập, nghiên cứu ở nước ngoài là rất cần thiết đối với một nhà khoa học. Trong môi trường học thuật quốc tế, các nhà khoa học có thể tiếp cận tinh hoa để triển khai phần công việc của bản thân tối ưu nhất, công bố những nghiên cứu có tính phổ quát cao, là cơ sở để doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau có thể tham khảo, đưa vào ứng dụng.
Ngoài nghiên cứu trực tiếp, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tham gia biên tập và phản biện cho tạp chí quốc tế, tham gia hội đồng chuyên môn của một số hội thảo quốc tế. Đây là một cách hay để tiếp cận, học hỏi kiến thức, xu hướng nghiên cứu từ các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu khoa học, học giả quốc tế, từ đó ứng dụng vào quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Ở độ tuổi 40, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn hài lòng với con đường đã chọn. Giáo sư sinh sống tại Hải Phòng cùng vợ và con trai.
Với uy tín về khoa học, một trường đại học lớn khác của Việt Nam đã mời Giáo sư về làm việc với chức vụ Trưởng khoa, mức thu nhập gấp nhiều lần mức lương ở ngôi trường gắn bó song anh vẫn lựa chọn ở lại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương chia sẻ, sự trọn vẹn của Giáo sư Lê Anh Tuấn trong lựa chọn con đường khoa học, tình nghĩa với ngôi trường đã gắn bó cùng mình từ khi là sinh viên cho đến ngày thành danh là nguồn cảm hứng để sinh viên nỗ lực học tập, phấn đấu và tiếp tục ghi danh “Mái trường đại dương” trên các công trình nghiên cứu khoa học uy tín trong nước, quốc tế.
Bài và ảnh: Minh Thu
(TTXVN)