Thanh Thủy Thượng (TTT) tự hào là một làng nông nghiệp phồn thịnh, nơi mà cuộc sống của mỗi người dân chìm đắm trong làn khói mùi của ruộng lúa và tiếng ve râm ran. Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, hàng ngày, dòng người nông dân chật vật lao động trên những cánh đồng màu xanh mướt, nương tựa vào đất đai mà tổ tiên truyền lại.
Những bước tiến vững chắc trong sự phát triển của làng không thể thiếu sự đóng góp của từng bàn tay lao động. Các nông dân phải cùng nhau chặt cây, san đất, và đắp bờ giữ nước cho ruộng lúa. Họ cần phải đào ngòi vét mương, xây dựng hệ thống thủy lợi với sự hợp tác chặt chẽ và tổ chức điều hành thông minh.
Ruộng lúa nước không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất nông nghiệp mà còn là trái tim, linh hồn của làng. Là nơi mà dân làng quần cư, sinh sống và phát triển cùng ruộng lúa nước. Mỗi bước phát triển của ruộng lúa nước đều là nguồn động viên, là động lực thúc đẩy cho sự phồn thịnh, tiến bộ của cả làng.
1/.QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐỒNG RUỘNG LÀNG THANH THỦY THƯỢNG
Phần lớn những người từ Thanh Hóa di cư vào Thanh Tuyền là những người nông dân nghèo khổ. Họ vào đây để mong thoát khỏi chế độ mục nát của chúa Trịnh, muốn có một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng họ Nguyễn lại lợi dụng thành quả khai hoang để củng cố chính quyền cát cứ, tạo ra một giai cấp địa chủ ở hạ tầng cơ sở để làm chỗ dựa cho vương triều. Quan lại, địa chủ lợi dụng quyền hành để chiếm đoạt ruộng đất công làng xã. Thành quả lao động của dân làng bị chiếm đoạt, số phận nghèo khổ của dân làng vẫn không thay đổi. Một lần nữa người dân Thanh Tuyền lại phải ra đi để khai phá vùng đất mới.
Thủa mới lên, cánh đồng TTT là chân của những triền núi của dãy Trường Sơn. Khắp cánh đồng, ngỗn ngang những gò đống như ở Cồn Lươn, Cồn Tích, Cồn Rai, Cồn Tiêu..Là nơi mồ mã như ở cồn Mồ. Có vùng trũng đầm lầy như ở Sa Hoàng. Đầu tiên, dân làng khai phá những chỗ thuận tiện như Biên Kên hói Chợ, Dạ Riệt, Bến Đình, Nguyệt Tỳ..Vì sợ lại bị mất ruộng, dân làng chỉ khai phá những mảng ruộng nhỏ, cách rời nhau . Song song với việc khai lập đồng ruộng, hệ thống thủy lợi cũng được hình thành : Hói ngang, Hói Chợ, Thượng Bạc, Hói Kiệt..
Năm 1789 vua Quang Trung ban bố Chiếu Khuyến Nông đã có tác dụng tích cực đến đồng ruộng làng TTT:
“Những ruộng công tư trước bỏ hoang phải trở về cày cấy, không được bỏ hoang nữa, để ruộng thực canh phải chịu thực thuế. Lý dịch xã sở tại phải xết sổ đinh thực tại có bao nhiêu xuất, phân tán mới về làng bao nhiêu xuất, ruộng thực khẩu bao nhiêu mẫu, ruộng hoang được khai khẩn bao nhiêu mẫu, hạn đến tháng chín khai thành sổ để nộp.
Xã nào ruộng hoang để quá hạn không khai khẩn, nếu là ruộng công phải chiếu theo nguyên ngạch thuế điền thu gấp đôi, nếu là ruộng tư sẽ phải tịch thu làm ruộng công, ngạch thuế cũng theo như ruộng công.”(1)
Với chủ trương giải quyết ruộng hoang của triều Tây Sơn và những chính sách tiến bộ khác đã là cho người dân TTT an tâm lao động sản xuất, mở rộng cánh đồng làng mình. Những gò đống được san bằng. Những xứ đạt ruộng mới được hình thành :Cồn Lương, Cồn liều, Cồn Dù, Rột Quan…Diện tích cánh đồng được mở rộng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi phải bỏ hoang : chỗ gò đống quá cao như Cồn Sơn, vùng thấp trũng như Hầm Thủy, Sa Hoàng.
Đến đầu thế kỷ 19 cánh đồng TTT đã hình thành tương đối hoàn chỉnh, nhưng việc dẫn thủy nhập điền vẫn còn là một vấn đề khó khăn .
“ Năm 1815 vua Gia Long đến xã Thanh Thủy xem xét núi sông, thấy ruộng đất hàng vạn mẫu bị nhiễm mặn cho gọi bô lão đến hỏi việc đào sông, có người tâu : “ Khai con sông này thật có lợi cho dân.” Vua Gia Long quyết định cho đào sông dẫn nước ngọt về và làm thêm đập Thần Phù để ngăn mặn. Lúc mới đào, sông mang tên An Cựu. Năm 1821 Minh Mạng đổi thành sông Lợi Nông. Khi đúc Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu, Minh Mạng cho khắc hình sông Lợi Nông đúc gắn vào Chương đỉnh, đó là chiếc đỉnh tượng trưng cho đời thứ ba của triều Nguyễn.”(2)
Trước khi có sông Lợi Nông, từ bụi tre Một ở xóm Lò,việc dẫn nước vào các xứ đạt ruộng Trung tâm cựu Cảng, Dạ Riệt bằng một con ngòi nhỏ. Lúc đào sông Lợi Nông ngang qua làng Thanh Thủy Thượng đã làm mất một số lớn diện tích ruộng đất. Dòng sông đã phân đôi các xứ đạt ruộng Cồn Lương, Thứ Bốn, Thứ Ba, Rột Quan…Nhà nước phong kiến đã bồi hoàn cho làng xứ ruộng Bể Nam hậu làng. Riêng cánh đồng TTT cũng được thêm một số ruộng mới qua việc bồi lấp con ngòi cũ:
“ Thất tân giang, bồi hoàn Cựu cảng ”.
Sông Lợi Nông hình thành đã là cho việc thủy lợi của cánh đồng Thanh Thủy chủ động hơn. Những cồn, gò cao dược san bằng thành những đạt ruộng mới : Nhất đập, Thượng Rột…
Theo Châu bộ Thành Thái thì đến đời vua Gia Long, tổng số diện tích ruộng đất của hai làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng là 1397 mẫu trong đó diện tích ruộng là 1316 mẫu, đất thổ cư là 81 mẫu.
Như vậy, đến đầu thế kỷ 20 khi triều Gia Long thực hiện việc tạm phân điền thổ thì cánh đồng TTT đã tương đối hoàn chỉnh , chỉ còn một số diện tích chưa khai phá hết như ở Sa Hoàng, Cồn ông Vầm ở gần đạt Cồn Rai. Hệ thống thủy lợi theo hình xương cá lấy sông Lợi Nông làm trung tâm với các mương, hói ngang dọc đảm bảo cung cấp nước cho từng thửa ruộng. Bốn cống gạch được xây dựng để dẫn nước từ sông Lợi Nông vào và ngăn mặn vào những lúc nước biển dâng cao: Cống Sen, Cống Mụ Thẩm, Cống Bồ Đề, Cống Đạt Bảy.
Vùng trũng Sa hoàng còn gọi Bàu Choàng là nơi lắm cá, nổi tiếng có cá rô ngon : “ Gạo de An Cựu,cá rô Bàu Choàng. ” Qua những cơn lụt hàng năm phù sa bồi đắp dần, dân làng tháng ngày đắp bồi, Sa Hoàng trở thành đạt ruộng tốt của làng.
Đến đời Thành Thái năm thứ 11 (1899 ) triều đình lập Châu bộ ruộng đất làng TTT thì đồng ruộng đã hoàn chỉnh. Tổng số ruộng công của làng là :
+ Công điền : 661 mẫu, 9 sào, 10 thước, 2 tất, 3 phân.
Được chia làm 3 loại . Ruộng loại 1 : 24 mẫu
Ruộng loại 2 : 63 mẫu. Số còn lại là loại 3.
+ Ruộng ban cấp cho Kinh môn Quận công ( Tự điền ) : 6 mẫu.
+ Ruộng ban cấp Tam bửu quan điền ( Chùa Thiên Thai, Quốc Ân, Thanh Quang ) : 4 mẫu, 8 sào, 11 thước.
+ Ruộng tư nhân : 70 mẫu, 3 sào, 13 thước, 7 tất, 4 phân.
Trong đó ruộng núi : 37 mẫu, 2 sào, 07 thước, 6 tất.
Tổng số diện tích cả làng là : 852 mẫu, 2 sào, 04 thước, 9 tất, 7 phân.
2/.CHẾ ĐỘ SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH PHÂN CẤP CÔNG ĐIỀN
Thời kỳ mới thành lập, dân làng tập hợp lại theo tổ chức công xã cố hữu để giúp đỡ nhau, đùm bọc nhau trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội đầy chông gai thử thách.Vì thế, cánh đồng làng là của chung. Mọi người cùng nhau khai thác và sử dụng thành quả thu hoạch được.
Khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu, ruộng đất trồng lúa nước vẫn không đem chia cho các thành viên trong cộng đồng làng xã để biến thành sở hữu tư nhân. Ruộng đất vẫn là của chung , của tập thể thành viên trong cộng đồng làng xóm. Các triều đại phong kiến đã hợp thức hóa về mặt pháp lý, công nhận chế độ sở hữu ruộng đất công làng xã bằng các Châu bộ ruộng đất Gia Long, Thành Thái .Việc hợp thức hóa pháp lý ruộng đất công làng xã là một bước nhằm củng cố quyền sở hữu nhà nước về ruộng đất công làng xã . Ruộng công của làng cũng chính là ruộng của nhà nước. Nó góp phần trói buộc người nông dân vào mảnh ruộng con để duy trì lực lượng dân đinh cần thiết phục vụ cho nhà nước phong kiến. Làng trở thành đơn vị kinh tế phụ thuộc nhà nước, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm, vừa cung cấp lực lượng lao dịch, binh dịch. Người nông dân nhận ruộng khẩu phân trở thành những người tá điền phục vụ chế độ phong kiến. Mặt khác, nhà nước phong kiến cũng có quyền sử dụng ruộng đất công làng xã để ban cấp cho các công thần : đời Tự Đức (1848-1883) vua đã xuống sắc chỉ sử dụng 6 mẫu ruộng ở xứ đạt Già Thai để ban cấp cho Kinh môn quận công để làm ruộng tự điền. Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) người phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, là Tổng trấn Gia Định đầu tiên, làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng. Sau khi ông mất, được triều đình ban cấp ruộng ở TTT để cúng lễ hàng năm cho vị khai quốc công thần.
Như vậy, chế độ sở hữu ruộng đất công làng Thanh Thủy Thượng thực chất là ruộng đất công của nhà nước phong kiến. Sau khi nhà nước sử dụng một phần, số còn lại được giao cho làng thực hiện chế độ phân cấp công điền để phát canh thu tô. Làng cũng có quyền chi phối ruộng đất công này, thể hiện ở chế độ quân cấp:
– Làng chia cho mỗi Họ một mẫu ruộng để lo việc cúng tế các vị Khai canh. Đó là ruộng thờ cúng.
– Làng trích 5% tổng số diện tích ruộng đất công để sử dụng vào việc chung của làng như tế lễ, Hội lạp, Phụ cấp cho Lý dịch, hương sư, sửa chữa xây dựng các công trình chung. Đây là ruộng “ Bách phân chuẩn ngũ.”
– Ruộng quân cấp : Sau khi đã trích một số diện tích cho hai việc trên, số ruộng còn lại được phân cấp cho dân đinh trong làng gọi là ruộng khẩu phân. Tất cả dân đinh từ 16 tuổi trở lên, thuộc con cháu của 12 Họ (dân chính cư ) dù có mặt hay đi xa đều được cấp ruộng. Trai làng đến 16 tuổi phải đăng ký vào Gia phả các Họ và sổ Đinh của làng mới được cấp ruộng.
Năm 1804 vua Gia Long ban hành điều lệ quân điền, về sau được Minh Mạng bổ sung thêm. Theo điều lệ quân điền của nhà Nguyễn thì ruộng đất công của làng cứ ba năm đem chia lại một lần, từ quan nhất phẩm cho đến dân thường. Nhất phẩm được 15 phần.Cửu phẩm 8 phần. Lính từ 8 đến 9 phần. Dân đinh 5 phần rưỡi. Mồ côi và đàn bà góa 3 phần. Ngoài ruộng khẩu phần, binh lính còn được hưởng thêm ruộng phụ cấp gọi là lương điền, mỗi xuất từ một mẫu, đến một mẫu rưỡi tùy theo loại lính.
Bình quân mỗi dân đinh làng Thanh Thủy Thượng được phân cấp theo sổ sách là 4 sào 7, nhưng trên thực tế chỉ canh tác được 4 sào. Bảy miếng còn lại chính là số ruộng khẩu phân của mỗi người được trích lại cho các Họ và Làng.
Cứ ba năm, đại diện các gia đình, các Họ tập trung tại Đình làng để ăn ruộng. Thứ tự các đạt ruộng để phân chia ruộng khẩu phần : Nhất cửa Miệu, nhì cửa Miệu, nhất đạt hạ, nhì đạt hạ, nhất Gia hộ, nhì Gia hộ, hoành Gia hộ, bến ông Rìu, nhất cột thát, nhì cột thát, bến Đình…
Đến thời Pháp thuộc, chế độ quân cấp công điền vẫn còn tồn tại, tuy nhiên ruộng đất công làng xã bị lấn chiếm nghiêm trọng hơn. Địa chủ, cường hào được chia ruộng loại một, còn ruộng loại ba mới cấp cho dân. Mặt khác, thực dân Pháp cung sử dụng quyền hạn của mình để cấp đất công làng xã cho một số tay sai đắc lực để là ruộng tư.
Ruộng đất chiếm hữu riêng của làng : Sau khi triều đình đo đạc ruộng đất lập Châu bộ Thành Thái, vùng trũng Sa Hoàng được phù sa bồi đắp, dân làng khai phá thành xứ đạt Bàu Choàng với diện tích 32 mẫu. Đây là ruộng chiếm hữu riêng của làng. Số ruộng này được phân cấp đồng dân cho 13 Họ để lo việc thờ cúng, kỵ giỗ hàng năm.
Ruộng tư có 70 mẫu 3 sào. Trong đó hết 37 mẫu 2 sào là ruộng khe núi, chỉ làm được một vụ . Đây là những mảnh ruộng con do từng gia đình phải bỏ ra rất nhiều công sức để khi phá. Ruộng không chủ động được nước, năng suất thấp. Số ruộng này nằm rải rác ở hố ông Lộc, khe ông Hương, ruộng Thanh Dạ, khe Cây bòng ở Xuân Sơn, Khe Răm ở Phường Chánh.
Số diện tích 33 mẫu của tư nhân nằm xen kẻ với ruộng công hầu hết là ruộng của quan lại : Ruộng của Lưu công-Tả quân đời Thành Thái. Ruộng của các chùa Quốc Ân , Thanh Quang. Ruộng tư của các Họ, Phái…Ruộng tư của nông dân rất ít, họ chỉ được khai phá những nơi ruộng đầu thừa , nhỏ hẹp.
Như vậy, từ khi thành lập làng cho đến cách mạng tháng Tám 1945, làng Thanh Thủy thượng vẫn duy trì chế độ ruộng đất công làng xã.
Nguyên nhân tồn tại lâu dài chế độ sở hữu ruộng đất công làng xã :
Ruộng đất là tư liệu sản xuất quý giá nhất đối với người nông dân. Họ luôn mơ ước những mảnh ruộng để tự do sản xuất . Từ khi khai phá lập làng, do yêu cầu của việc khai hoang, thủy lợi, đòi hỏi những người nông dân phải cố kết với nhau trong một cộng đồng để lao động. Ruộng đất được khai phá là của chung. Đến khi chế độ tư hữu ruộng đất được các triều đại phong kiến công nhận, từ những kinh nghiệm xương máu đã bao lần ruộng đất bị chiếm đoạt, họ thấm thía những nổi đau trước thành quả lao động của mình bị những kẻ ăn trên, ngồi trước, những kẻ có chức có quyền chiếm mất. Cho nên dù mong muốn có ruộng tư nhưng người nông dân vẫn chấp nhận duy trì ruộng công để sinh sống. Được chia một ít ruộng xấu còn hơn mất hết.
Tập thể làng cũng muốn duy trì chế độ ruộng đất công để có tài chánh phục vụ việc công ích làng xã. Bộ máy quản lý làng muốn duy trì chế độ ruộng đất công để trói buộc người nông dân bằng những nghĩa vụ phong kiến: đóng thuế, phu phen, binh dịch…Các triều đại phong kiến thay nhau bảo vệ ruộng đất công, đã có những sắc chỉ, những chính sách dể hạn chế việc kiêm tính ruộng đất của địa chủ quan lại, ngăn cản biến ruộng công thành ruộng tư. Xác định chế độ ruộng đất công bằng những sổ sách Châu bộ ruộng đất.
Dưới chế độ Pháp thuộc, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ ruộng đất công làng xã. Ngoài lý do ràng buộc thuế khóa, phu dịch, Pháp cần có ruộng đất công để thưởng cho những tên tay sai đắc lực : như trường hợp Hoàng Cao Khải được Pháp cấp rất nhiều đất rẫy ở làng Thanh Thủy Thượng. Thực dân Pháp làm ngơ cho quan lại địa chủ ở làng bao chiếm ruộng đất, tạo thành một bộ phận gắn bó quyền lợi với thực dân để là tay sai đắc lực cho chúng. Đó cũng là phương pháp bần cùng hóa nông dân, nhằm mục đích đảm bảo nguồn nhân công rẽ mạt , vô cùng phong phú cho việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.
Việc duy trì chế độ ruộng đất công của làng đã đem lại một số mặt tích cực :
Là thành viên của làng, được sống trong bầu không khí đùm bọc của làng từ thuở thơ ấu cho đến khi từ giã cuộc đời, người nông dân được cộng đồng đem lại cho họ một số quyền lợi cơ bản : Ruộng khẩu phân. Gắn với ruộng khẩu phân, người nông dân phải có nghĩa vụ đóng góp và công việc chung của Họ, của làng.
Những trách nhiệm và nghĩa vụ mà làng đặt lên vai người nông dân đều được họ tuân thủ không chỉ trong ý thức mà còn bằng cả tấm lòng thể hiện sự biết ơn đối với quê cha ,đất mẹ. Đối với người nông dân, việc hoàn thành nghĩa vụ của họ, làng là điều rất quan trọng, nếu không đảm bảo được đó là điều hổ thẹn và để lại tai tiếng cho con cháu về sau . Từ ý thức về trách nhiệm , họ luôn coi trọng nghĩa vụ của mình. Bởi vậy, trong các công việc chung của Họ, của làng xóm, người nông dân không chỉ là trong phạm vi trách nhiệm mà còn tự nguyện làm vượt ra ngoài trách nhiệm đó. Trong nhiều công việc chung, người nông dân tham gia không tính toán hơn thiệt mà chú trọng đến tình cảm. Họ ít nói đến quyền lợi được hưởng mà nói nhiều đến bổn phận .Từ ý thức cộng đồng đó, người dân TTT mong muốn được tham gia sinh hoạt và đóng góp vào công việc chung của Làng, của Họ. Chính vì thế khi đã thành đạt, nhiều người đã đóng góp tiền bạc, vật dụng , vật chất và tinh thần cho Làng, cho Họ. Làng cũng đã ghi nhận nhiều tấm lòng thơm thảo của con cháu tha hương của làng hướng về quê cha đất Tổ.
Hững hờ hay vô trách nhiệm đối với việc Làng, việc Họ đều không thể chấp nhận và sẽ không được kính trọng. Tinh thần trách nhiệm gắn với quyền lợi được chia ruộng khẩu phần đã có từ rất sớm, ăn sâu vào tiềm thức người dân TTT, họ chấp nhận một cách tự nguyện và truyền từ đời này sang đời khác trở thành truyền thống quý giá. Truyền thống này là tiền đề quan trọng để xây dựng làng văn hóa.
Từ ý thức trách nhiệm cộng đồng, đã hình thành ở con người TTT ý thức dân chủ làng xã .Tham gia đầy đủ các công việc làng, người dân đòi hỏi các thành viên khác cũng phải đóng góp công sức , hoàn thành trách nhiệm của mình. Đòi hỏi các chức dịch phải tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống thủy lợi, đắp đập, làm cầu cống ngăn nước mặn…Người nông dân đòi hỏi làng và thập nhị Tộc trưởng phải công bằng trong việc phân chia ruộng khẩu phân, tố cáo những hiện tượng “ biếm công vi tư ” , làm cho các chức dịch của làng phải chùn tay trong các âm mưu phục vụ cá nhân, bè phái. Ý thức làm chủ và tinh thần đấu tranh cua nông dân phần nào có tác dụng ngăn chặn sự lũng đoạn của các chức dịch, bảo vệ thành quả của sự nghiệp lao động sản xuất chung .
Việc duy trì chế độ sở hữu ruộng đất công và chính sách chia ruộng khẩu phân cũng góp phần tích cực trong việc hạn chế óc tư hữu của nông dân.Trên cơ sở ruộng đất công, làng xã thuận lợi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp.
Tuy nhiên chế độ ruộng đất công làng xã cũng có mặt tiêu cực: dễ bị cường hào lũng đoạn, nông dân nẩy sinh tư tưởng ỷ lại , tư tưởng bình quân chủ nghĩa “ làng răng, xã năng cũng rứa ”.