Những ngày cuối năm 2015, trong quá trình tu sửa cơ sở trường Mầm Non 2 Thủy Dương, Đảng Ủy, UBND phường Thủy Dương đã cho dựng bia Di tích Lịch sử – Giáo dục tại cơ sở cũ của trường tiểu học Thanh Thủy Thượng.

Cảnh Hưng nguyên niên – năm Canh thân 1740, dân làng Thanh Thủy Thượng (Thanh Thủy Thượng) bắt đầu di cư từ làng Thanh Thủy Chánh lên khai phá vùng đất đang cư trú hiện nay. Là những nông dân nghèo phải hai lần ly hương để tìm đường sinh sống, những thập niên đầu dân làng phải tập trung vào việc khai hoang ruộng rẫy, sản xuất, xây dựng nhà cửa, …

Sau khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, năm 1788 lập triều Tây Sơn, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, việc học được phổ biến đến tận thôn xã. Trong tờ Chiếu Lập học, vua Quang Trung ra lệnh cho các xã phải lập nhà xã học, chọn những người hay chữ, có đức hạnh phụ trách việc giảng dạy- gọi là Xã giảng dụ. Dân làng Thanh Thủy Thượng đã lên kinh thành mời thầy về dạy học cho con em mình. Đình làng được sử dụng làm nơi dạy học, chỉ một số ít con cái nhà giàu mới có điều kiện đi học.

Năm 1886, đoạn đường quốc lộ từ Huế vào đèo Hải Vân được hoàn thành. Con đường mới rộng rãi băng qua làng nối liền với kinh đô Huế đã làm cho việc giao lưu văn hóa của làng được mở rộng – Làng di dời chợ Mai từ bến Chợ ở Nhất đập lên sát đường Quốc lộ, đổi đám đất chợ cũ lấy đám đất hiện nay là cơ sở Mầm Non Thủy Dương để xây nhà Văn Thánh (Năm Thành Thái thứ 2- 1889), vừa làm nơi thờ đức Khổng Tử vừa làm hương trường dạy chữ Hán cho con em trong làng.

Học sinh Thanh Thủy Thượng mặc dù nghèo khó, nhưng học tập rất cần cù chăm chỉ, nhiều người nổi tiếng thông minh. Làng có ba người đỗ Cử nhân Hán học : Ngô Vĩnh Tuy đỗ Cử nhân khoa thi Bính Ngọ 1846 vào đỡi vua Thiệu Trị thứ 6, Lê Trọng Giám đỗ Cử nhân khoa thi Canh Ngọ 1870 đời vua Tự Đức thứ 23, Nguyễn Xuân Tuyên đỗ Cử nhân năm Bính Tý 1876 đời vua Tự Đức thứ 29. Những người này được cử giữ các chức quan Án sát bộ Hộ, Tri phủ dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn nhiều người khác đỗ Tú tài : Tú Trinh, Tú Bính, Tú Đường, Tú Thu , Tú Dực, Tú Chương, Tú Quỳnh…

Năm 1918 các khoa thi bằng chữ Hán hoàn toàn chấm dứt. Những học sinh làng Thanh Thủy Thượng theo học chương trình Pháp-Việt phải lên trường An Cựu hay Quốc Học.

Từ thập niên 1930-1940, các lớp học chữ Quốc ngữ ra đời thay các lớp học chữ Hán. Ở Thanh Thủy Thượng, hai thầy giáo cách mạng mở đầu cho phong trào dạy và học chữ quốc ngữ là thầy Lê Trọng Bật và thầy Ngô Hữu Yên. Cả hai thầy vừa hoạt động cách mạng vừa dạy học tại trường Thuận Hóa ( một trường tư do một số chiến sĩ cách mạng mở ở Huế) .

Những năm 1937- 1938 phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ phát triển mạnh trong cả nước. Tại Thanh Thủy Thượng các thầy giáo Lê Trọng Bật, Ngô Hữu Yên làm nòng cốt đã vận động những thanh niên tiến bộ, hăng hái hoạt động để thành lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ vào cuối năm 1938: Hội trưởng là ông Quyền Vinh, các hội viên là Nguyễn Hữu Lễ, Phạm Song, Lê Trọng Từ, Ngô Hữu Oanh, Phùng Lưu, Phùng Thị… Từ phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, một trường tư thục đã ra đời ở Văn Thánh. Trường có ba lớp học, dạy học sinh lớp Năm, lớp Tư và lớp ba ( lớp Một, Hai , Ba ngày nay ). Thầy giáo Phùng Lưu làm Hiệu trưởng, giáo viên là thầy Phạm Song. Ban ngày dành cho trẻ em học, ban đêm làm lớp học cho người lớn.

Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở Thanh Thủy Thượng được duy trì cho đến cách mạng Tháng Tám 1945. Qua phong trào , hàng trăm nông dân nghèo thoát nạn mù chữ, hàng trăm trẻ em nghèo được học văn hóa, trong đó nhiều học sinh thi đỗ Sơ học yếu lược.

Quá trình phát triển giáo dục và phong trào dạy học nhữ Quốc ngữ ở Thanh Thủy Thượng đã dẫn đến sự thành lập một ngôi trường tiểu học có quy mô, có hệ thống vào năm 1955: Trường tiểu học Thanh Thủy Thượng.

Ngày 30.10.1945 cũng tại nhà Văn Thánh đã diễn ra lễ thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thủy Dương gồm có 9 đồng chí: Phùng Lưu, Phùng Huỳnh, Phùng Thị Bích Hà, Lê Bá Dõng, Lê Bá Đề, Nguyễn Thanh Thuận, Ngô Hiếu, Nguyễn Hữu Lễ, Lê Thị Bích Lý.

Việc dựng bia Di tích Lịch sử – Giáo dục tại địa điểm này có ý nghiã lớn trong việc giáo dục quá trình phát triển lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ Thủy Dương, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Thủy Dương, trong đó Hội Cựu Học sinh Thanh Thủy Thượng mơ ước từ lâu nhưng chưa thực hiện được.