QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT .
Hòa Thượng Viên Minh chia sẻ
Quán Tự Tại Bồ Tát : người ta thường giải thích Quán Tự Tại là một nhân vật, là Đức Quán Thế Âm.
Nhưng thật ra Đức Quán Thế Âm là một nhân vật biểu tượng.
Ở đây lại không nói là Quán Thế Âm mà gọi là Quán Tự Tại.
Cho nên, dầu Quán Tự Tại có là một biểu tượng đi nữa thì ngay trên ngôn ngữ cũng đã hàm một ý nghĩa: Quán tức là soi chiếu.
Tự tại là trọn vẹn chính mình, trọn vẹn nơi tự thân, trọn vẹn với cái đang là hiện hữu tại đây và bây giờ.
Ở nơi mình đây nghĩa là ở nơi căn, trần và thức này (6 căn + 6 trần + 6 thức).
Quán tự tại không có nghĩa là cứ dòm vô bên trong mình đâu.
Có nhiều người tưởng lầm “hồi quang phản chiếu” là quay vô bên trong mình, là tuyệt đối nội quán.
Không phải thế, quán tự tại là soi chiếu từ nơi sự sống đang vận hành, tức là toàn bộ căn-trần-thức, khổ, lạc, xả v.v… đó là Quán Tự Tại.
Dùng chữ tự tại rất hay. Thiền tông thì dùng chữ “kiến tánh”.
Mặc dù kiến tánh là đúng, nhưng chữ “kiến tánh” có thể gợi lên một ý sai, bởi vì kiến tánh thì người ta dễ nghĩ không kiến tướng, kiến dụng, kiến thể, kiến nhân, kiến quả hay sao?
Kiến tánh theo Thiền Tông, thật ra, bao gồm tất cả các kiến ấy, là toàn diện, chứ không phải tánh với nghĩa là bản thể của bản thể luận ngoại đạo.
Có người tham công án để mong đạt được “bản thể vĩnh hằng” gì đó là thường kiến rồi. Không phải đâu! Không có cái bản thể không tưởng ấy đâu!
Vậy dùng chữ “quán tự tại” hay hơn, chính xác hơn.
Tự tại bao hàm tánh, tướng, thể, dụng, nhân, quả, duyên, báo… còn nói kiến tánh dễ bị lầm lẫn tai hại. Người ta tưởng là sẽ “kiến được một cái tánh gì đó”.
Kiến tánh đúng nghĩa của Thiền Tông là trả lại nguyên bản chất của pháp.
Không phải thể tánh đối đãi với hình tướng.
Cho nên, quán tự tại là soi chiếu toàn bộ sự tương giao nơi sự sống đang vận hành.
***Bồ Tát: chữ “Bồ Tát”.
Cũng cần được minh định lại.
Bồ Tát là bodhisatta, thường âm là Bồ đề Tát Đỏa. Bodhi là tuệ giác. Satta là chúng sinh hữu tình. Người Trung Hoa dịch là giác hữu tình và hữu tình giác tức là người tự giác giác tha.
Người có tuệ giác, sống với tuệ giác hoặc tu hành bằng tuệ giác là người tự giác.
Người tự mình có tuệ giác và chỉ cho người khác biết sử dụng tuệ giác của họ là người giác tha.
Giác tha thường dễ bị lạm dụng trở thành nghĩa cứu rỗi của Thượng Đế hoặc thần linh, khiến người ta ỷ lại vào tha lực.
Trong khi Phật dạy: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, nghĩa là muốn giác tha trước tiên phải tự giác.
Tự giác cũng bị hiểu lầm là hành động ích kỷ.
Thật ra bất cứ ai đạt đến tự giác đều có giác tha tùy theo công hạnh.
Mục đích cuối cùng của đạo Phật là thành Phật, dù là Thanh Văn Phật , Độc Giác Phật hay Toàn Giác Phật
Cho nên tu Thanh Văn, Độc Giác hay Toàn Giác đều là Bồ Tát cả.
Trong đạo Phật không bao giờ có người giác ngộ mà còn ích kỷ, bởi vì ích kỷ thuộc bất thiện mà người giác ngộ đã vượt qua cả thiện lẫn bất thiện rồi.
Hơn nữa Thanh Văn Phật, Độc Giác Phật, hay Toàn Giác Phật đều tu ba-la-mật cả.
Bậc Thanh Văn Phật phải thành tựu 10 , bậc Độc Giác Phật phải thành tựu 10 upa và bậc Toàn Giác Phật phải thành tựu 10 paramattha .
Nghĩa là công hạnh (dụng) của Phật Toàn Giác nhiều hơn, chứ không phải Thanh Văn Giác và Độc Giác không có giác tha.
Chúng ta không thể tưởng tượng được rằng một người hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa và chiếu kiến ngũ uẩn giai không lại là ích kỷ.
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì chẳng còn một tí tẹo nào cho bản ngã sanh khởi, phải không? Người mà đã thấy rõ sự thật rồi, đã sống với sự thật ấy, lại còn chỉ cho người khác cách sống với sự thật ấy là Bồ Tát đích thực rồi.
Ngài Punna, một vị Thanh Văn vào thời Đức Phật còn tại thế, đã tình nguyện đến xứ Sunāparanta hoằng pháp bất chấp mọi tình huống nguy hiểm đến tính mạng, thì Thanh Văn đâu phải là ích kỷ.
Đức Phật cũng dạy các vị Thanh Văn chia ra nhiều hướng để truyền thuyết con đường giác ngộ, vì lợi ích chúng sinh, vì sự an lạc cho đời, thì Thanh Văn cũng có lòng vị tha vậy.
Bồ Tát đích thực không có đeo loon, không có đẳng cấp, không cần bất kỳ một nhãn hiệu nào.
Người giác ngộ ví như mặt trời. Mặt trời thì chiếu sáng, đấy là chức năng của mặt trời.
Những vị giác ngộ giúp cho người khác là điều tự nhiên, là chuyện đương nhiên.
Như vậy, ai tự hành đúng đắn theo đạo giác ngộ thì cũng đều là Bồ Tát cả.
**** Có người hỏi:
– Người ta thường nói tu Thanh Văn khác, tu Bồ Tát khác chúng ta nên hiểu ra sao?
– Thật ra hồi nãy chúng ta đã nói rồi.
Người nào đang tu đúng theo Phật đạo đều là Thanh Văn mà cũng đều là Bồ Tát cả.
Nhưng Bồ Tát có 3 bậc: Bồ Tát hạnh Thanh Văn, Bồ Tát hạnh Độc Giác và Bồ Tát hạnh Toàn Giác.
Cả 3 bậc đều cùng tu thập độ, nhưng bậc thứ nhất nhất chủ về thể, bậc thứ hai chủ về tướng, bậc thứ ba chủ về dụng.
Như vậy nói 3 bậc là nói theo tác dụng nhưng cùng một thể tánh.
Thể tánh bổn lai thanh tịnh đó gọi là A-La-Hán.
Người ta thường hiểu lầm quả vị A-La-Hán để dành cho Thanh Văn. Thật ra tuy nói Phật Thanh Văn, Phật Độc Giác và Phật Toàn Giác là nói theo tướng dụng, chứ cả 3 đều cùng đắc một quả vị A-La-Hán như nhau và đều gọi là Phật.
Ví như cùng tốt nghiệp bác sĩ nhưng người thì đi dạy y khoa, người thì đi chữa bệnh, người lại làm phòng thí nghiệm v.v…, công dụng khác nhau nhưng cũng là bác sĩ.
– Xin hỏi vì sao thầy lại nói ai giác ngộ cũng đều là Thanh Văn cả?
– Đúng vậy. Ví như một ông bác sĩ đang dạy học thì gọi là giáo sư, còn những người học y khoa tốt nghiệp bác sĩ gọi là sinh viên tốt nghiệp y khoa. Sự thật ai cũng là bác sĩ cả mà một bên là giáo sư một bên là sinh viên. Và ông bác sĩ giáo sư cũng đã từng là bác sĩ sinh viên chứ đâu phải tự nhiên mà có. Bác sĩ giáo sư ví như Phật Toàn Giác, bác sĩ sinh viên ví như Phật Thanh Văn.
Các vị có đọc bài kinh Sambudhe (chư Phật Toàn Giác) không? Trong bài kinh có khẳng định rằng, bậc Toàn Giác hạnh trí tuệ như Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta, đã từng nghe pháp của 512.000 vị Toàn Giác quá khứ và cuối cùng được 28 vị toàn giác thọ ký từ Phật Nhiên Đăng cho đến Phật Ca Diếp.
Như vậy Phật toàn giác cũng đã từng nghe pháp (sāvaka) nghĩa là Thanh Văn. Bậc Toàn Giác hạnh tinh tấn và đức tin lại còn học đạo kiểu Thanh Văn nhiều hơn gấp đôi gấp ba lần như vậy nữa.
Vậy đừng chấp danh từ, chúng ta không thể hiểu nổi mật hạnh Bồ Tát làm Thanh Văn và Thanh Văn làm Phật đâu, đừng lạm bàn mà mang tội vô ích.
Hòa Thượng Viên Minh .
Trích trong : THỰC TẠI HIỆN TIỀN