Pháp và giác ngộ Pháp
Hỏi: Thưa Thầy, con được biết thầy có bài thơ:
“Mẹ ơi, con thưa nhé
Con muốn mãi muôn đời
Là đứa con nhỏ bé
Vòi vĩnh mẹ, mẹ ơi!”
Khi đã trở về với tánh biết thì vạn pháp đồng nhất, tức “con” đã là “mẹ”, tại sao lại “muốn mãi muôn đời vòi vĩnh mẹ”? Kính xin Thầy giải thích.
– Thiên Chúa giáo có một lý thuyết hơi lạ mà rất đúng đó là mọi người có thể trở về với Thượng Đế nhưng không bao giờ là Thượng Đế được. Chính đức Phật cũng nói dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì Pháp vẫn. Vậy một người có thể giác ngộ Pháp chứ không thể là Pháp. “Thiên Địa giai bị ư ngã” nhưng mỗi người thì không thể là Thiên Địa được. Trong Phật pháp chủ yếu là giác ngộ “không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả” tức tất cả đều là pháp, nhưng mỗi pháp mỗi khác, như cây ổi là cây ổi, cây xoài là cây xoài. Khi giác ngộ thì ổi không còn chấp ngã ổi, xoài không còn chấp ngã xoài chứ không phải ổi, xoài đều trở thành Tất Cả Pháp. Nói theo dịch lý “thời bỉ tắc bỉ, thời hanh tắc hanh” nhưng khi bỉ trọn vẹn với bỉ, thái trọn vẹn với thái, âm trọn vẹn với âm, dương trọn vẹn với dương thì liền chứng ngộ được Thái Cực, thậm chí Vô Cực, nhưng bỉ, thái, âm, dương vẫn là pháp tướng như nó đang là. Nếu vạn pháp trở về với Thượng Đế mà trở thành Thượng Đế hết thì tất cả đều biến mất nhưng tất cả pháp vẫn như nó đang là. Ví dụ một cơn sóng nhận ra nó đồng tánh nước với những cơn sóng khác nhưng nó vẫn như nó đang là, chỉ không còn chấp “Ta là sóng” nữa thôi. Giác ngộ cũng vậy, thấy ra chân đế nhưng vẫn không cần lìa tục đế. Nên thầy cũng có bài thơ khác:
“Ta vốn từ Thiên Thu
Đứng bên bờ Giác Ngộ
Nhưng yêu đời bể khổ
Ta chọn kiếp phù du.”
Tức khi đã trở về với mẹ Pháp, với Thiên Thu thì có làm kiếp phù du cũng vẫn thong dong, tự tại vô ngại.