Lễ bái, cúng dường Xá lợi, Kim thân Phật, cây Bồ-đề… có phước báu hay không?
Khi tìm được chỗ thích hợp, đức vua Mi-lan-đà đê đầu xuống sát chân đại đức Na-tiên, thành kính đảnh lễ rồi thưa rằng:
– Bạch đại đức! Chúng ngoại đạo thấy Phật tử cung kính lễ bái, cúng dường xá lợi, cây bồ đề, kim thân Phật, chúng đã nói rằng: “khi Đức Phật còn tại tiền, các Phật tử cung kính, lễ bái, cúng dường ngài cũng phải lẽ. Nay ngài đã nhập diệt rồi, các ngươi dẫu có lễ bái cúng dường bao nhiêu chăng nữa thì Đức Phật cũng đâu có hoan hỷ? Mà không hoan hỷ tất không có phước báu. Không có phước báu tất sẽ có tội. Coi chừng các ngươi làm vậy là rơi vào tà kiến đấy!”
Thưa đại đức! Sự nhận xét ấy của ngoại đạo đúng hay sai? Là chánh kiến hay tà kiến? Những mong đại đức với tâm bi mẫn, với tuệ chân thật hãy phá nghi cho những người học Phật thời hậu lai.
– Tâu đại vương! Đại vương hãy nghe đây, bần tăng sẽ giảng giải. Nhưng trước khi giảng giải, bần tăng xin hỏi đại vương: thuở Phật còn tại tiền, khi nhận được sự lễ bái, cung kính, cúng dường của cận sự nam nữ hai hàng, Đức Phật có hoan hỷ không?
– Dĩ nhiên là có hoan hỷ.
– Chẳng phải thế, tâu đại vương! tâm hoan hỷ là tâm thô lậu, nó chính là cấu uế đối với các vị tu tập thiền quán, huống chi đối với Đức Phật là bậc ở ngoài ba cõi? Khi nhận sự lễ bái, cúng dường của Phật tử, Đức Thế Tôn trú tâm giải thoát chớ không phải tâm hoan hỷ đâu, tâu đại vương!
– Vâng, đúng vậy!
– Đức Thế Tôn đã hoàn toàn vắng lặng và siêu thoát từ cội cây bô-đề sau khi thành đạo quả Chánh Đẳng Giác; nghĩa là ngài không còn thỏa thích, hoan hỷ với bất cứ lợi lộc, phẩm vật cúng dường nào của chư thiên hoặc loài người. Và dĩ nhiên, Đức Phật giờ đã Niết bàn rồi thì Ngài không còn hoan hỷ với những lễ phẩm cúng dường cũng là điều chắc thật. Ngoại đạo nói vậy là đúng, nhưng lời chỉ trích của chúng đã phản tác dụng, vô tình đã nói lên sự thực về Đức Đạo Sư. Vì Đức pháp chủ Xá-lợi phất đã từng thuyết như sau: “Đức Thế Tôn không có sự hoan hỷ với những phẩm vật cúng dường của chư thiên và nhân loại, nên những ai cúng dường đến ngài sẽ được quả báu nhiều vô số kể.” Tâu đại vương, vậy thì luận điểm tuyên truyền của ngoại đạo rằng là “không hoan hỷ tất không có phước báu, không có phước báu tất là có tội” chính là tà kiến, là sự thấy biết lầm lạc không phù hợp với chân lý!
Đức vua Mi-lan-đà nói:
– Nghe thì có lý nhưng sự y cứ của đại đức không đáng tin cậy. Tại sao vậy? Ngài Xá-lợi phất thì biện minh cho Đức Thế Tôn, đại đức thì dựa vào ngài Xá-lợi phất thì có khác nào cha con khen ngợi và tâng bốc lẫn nhau? Chính đại đức phải tự giải thích, phân tích sao cho đúng pháp, đúng với chánh lý để giải trừ những tà kiến nguy hại kia chứ không phải là trích dẫn những câu có sẵn!
– Đúng như thế, tâu đại vương! Những người cận sự nam nữ họ đều cung kính, lễ bái, cúng dường Xá-lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật…; mặc dầu biết rằng Đức Phật đã nhập diệt, Ngài không có thỏa thích hoan hỷ gì trong những lễ phẩm ấy; nhưng nhờ vậy, họ tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn, tưởng nhớ đến những pháp lớn, pháp nhỏ mà Đức Thế Tôn đã từng dạy bảo để tu tập. Nếu như sự tu tập ấy được kiên trì, với nhiếp tâm, với tinh cần thì họ có thể được thiện sanh làm người, làm trời, cao hơn là chứng đắc bốn đạo quả và Niết bàn không, hở đại vương!
– Có thể là như vậy, nhưng trẫm muốn nghe bằng ví dụ cụ thể, dễ hiểu kìa!
– Vâng, người ta hay dùng lửa để đốt cháy cỏ khô, cây khô hoặc những vật uế tạp. Khi cỏ khô, cây khô hoặc những vật uế tạp đã được thiêu hủy rồi thì lửa ấy có còn chăng, đại vương?
– Dĩ nhiên, khi không còn vật dẫn cháy thì lửa cũng tắt theo.
– Vậy khi muốn dùng lửa trở lại, người ta làm sao để có lửa, đại vương?
– Người ta lấy cây khô cọ xát với cây khô, đặt bùi nhùi là vật dẫn cháy thì sẽ có lửa.
– Trí tuệ được ví như lửa vậy, tâu đại vương! Đức Phật đã Niết bàn rồi, trí tuệ Ngài không còn nữa, nhưng những đệ tử của Ngài đã theo lời dạy của Ngài, tu tập theo những pháp lớn, pháp nhỏ của Ngài; cũng dùng cây khô cọ xát với cây khô, cũng đặt bùi nhùi dẫn cháy để phát sanh trí tuệ. Như vậy, Đức Phật thuở tại tiền không hoan hỷ lễ phẩm cúng dường, khi Niết bàn cũng không hoan hỷ lễ phẩm cúng dường; nhưng những người Phật tử cung kính, lễ bái, cúng dường xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật; đã hằng ngày tự mình nhắc nhở, hằng ngày tự mình hành thiền, hằng ngày đã dùng phương pháp lấy lửa để thành tựu trí tuệ; nên kết quả của việc làm ấy được phước báu vô lượng vô biên, là chứng đắc ba thứ đạo quả: quả người, quả trời và quả Niết bàn, tâu đại vương!
– Thật là thông đạt, nhưng trẫm muốn nghe thêm ví dụ?
– Vâng, ví như một ngày mùa hạ khí trời oi bức, một cơn gió mát mẻ thổi qua làm cho mọi người đều khoan khoái. Nhưng khi cơn gió qua rồi, lúc nóng nực, người ta không biết làm sao để chống nóng, phải không đại vương?
– Người ta có thể làm gió được, thưa đại đức! Người ta dùng lá thốt nốt và tre kết thành một tấm lớn đặt trên trần nhà, có dây kéo, thế là có thể có gió quạt mát cho cả nhà. Cũng có thể dùng nan tre, dán giấy để cầm tay quạt mát cho từng người, thưa đại đức!
– Gió qua rồi nhưng người ta có thể làm gió được, ấy là từ miệng đại vương nói ra. Đức Phật với giác ngộ, với trí tuệ, với từ bi hỷ xả… có mặt trên thế gian này, quả là một cơn gió lớn, thanh lương và mát mẻ vô cùng. Cơn gió ấy đã thổi vẹt vô minh và si mê trên trần thế. Cơn gió ấy đã xua tan biết bao sân hận, hung dữ, bạo tàn, ác độc… của con người. Cơn gió ấy đã làm cho hằng sa thế giới chấn động, ma vương sợ hãi và chúng sanh thì được tẩm mát, được an lạc và thanh bình. Làn gió của Đức Thế Tôn đến như vậy, an trú như vậy và ra đi như vậy – nói hoan hỷ hoặc không hoan hỷ đều không đúng – nhưng rõ ràng là ích dụng và lợi lạc cho vô số chúng sanh. Đức Thế Tôn nhập diệt rồi, gió ấy đã qua rồi, nhưng người ta có thể làm gió được, bằng nổ lực cá nhân, bằng lá thốt nốt, nan tre và giấy; bằng sự cung kính, lễ bái cúng dường xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật… để quạt mát, đem lợi lạc, hạnh phúc, an vui đến cho mình và mọi người, tâu đại vương!
– Ví dụ ấy cũng khá chính xác, nhưng trẫm muốn nghe thêm ví dụ khác để hiểu thêm về nhiều mặt của một vấn đề!
– Vâng! khi muốn nghe tiếng trống, đại vương phải làm sao?
– Trẫm sai lực sĩ đánh. Đánh mạnh thì âm thanh lớn vang xa, đánh nhẹ thì âm thanh nhỏ vang gần.
– Vậy khi không đánh thì âm thanh kia đi đâu?
– Nó diệt rồi!
– À, té ra âm thanh đã mất hẳn, không còn nữa!
– Không, nó diệt chứ không mất! Đại đức nghĩ thế là sai rồi! Bởi khi cần âm thanh, ta sẽ có cách làm cho âm thanh có mặt trở lại!
– Phải làm sao?
– Trẫm sai lực sĩ đánh trống! Đại đức nên nhớ rằng cái trống chỉ là nhân, cái trống không tự nó phát ra âm thanh, một nhân không thể thành quả. Nhân phải có hỗ trợ duyên, một duyên hay nhiều duyên mới trổ thành quả. Cũng vậy, cái trống cần phải có dùi trống, người đánh trống trợ duyên mới phát ra âm thanh được.
– Vậy là chính đại vương đã giải tan những nghi vấn của đại vương! Đức Phật gióng lên Tiếng Trống Bất Tử ở giữa đời, Đức Phật nhập diệt rồi nhưng tiếng trống không hẳn đã mất đi vĩnh viễn. Cái trống còn đó, Pháp bảo còn đó; nếu có người đánh trống thì âm thanh kia vẫn vang lên như thường.
– Xin thưa, đồng ý Pháp bảo dụ như cái trống, nhưng cây bồ-đề, xá lợi, kim thân Phật đâu phải là Pháp bảo? Vậy cung kính lễ bái, cúng dường những hình tượng ấy có thể nào lại vang lên âm thanh của Pháp bảo?
– Rất là chính xác. Tuy nhiên, tâu đại vương, cái trống tự nó không phát ra âm thanh mặc dầu có người đánh trống; cũng vậy, Pháp bảo và người gióng trống Pháp bảo không cũng chưa đủ, nó phải cần có nhiều duyên hỗ trợ. Cúng dường, lễ bái xá lợi, kim thân Phật nó chính là trợ duyên cho chúng sanh nhớ tưởng đến ân đức, trí hạnh của Đức Phật mà tu tập, phải thế không đại vương?
Lúc Đức Thế Tôn diệt độ, ngài dạy rằng: “Khi Như Lai Niết bàn rồi, pháp và luật là thầy của các ngươi.” Pháp và luật chính là tam tạng, chính là Pháp bảo, chính là giới định tuệ, chính là 37 trợ đạo phẩm. Vậy thì cái trống Pháp bảo luôn còn ở đấy, chỉ thiếu người đánh trống và dùi trống nữa mà thôi. Khi nào có dùi trống, có người đánh trống, gióng lên tiếng trống Pháp bảo thì chắc hẳn rằng đức tin, phước báu, từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát sẽ có mặt ở đời này, phải thế không đại vương?
– Phải vậy!
– Thế thì lời nói của ngoại đạo là ngoa ngôn, xảo ngôn, là hư ngụy, là không thật, là tà kiến…; chính chúng muốn cho các hàng Phật tử không có nơi nương tựa, không có nơi hướng về, không có nơi tôn kính, không có nơi lễ bái…; làm cho Phật tử hoang mang, sợ hãi, đức tin bị lung lay… Đại vương có thấy thế không?
– Đúng vậy! Nhưng còn sự hoan hỷ và không hoan hỷ?
– Đức Phật đã nhập diệt rồi, đặt vấn đề hoan hỷ và không hoan hỷ chỉ là trò chơi của sự lập ngôn! Chính sự khởi tâm khi thành kính, lễ bái, cúng dường… đã thành tựu phước báu rồi! Tiếng trống có hoan hỷ và không hoan hỷ cũng là trò hý lộng ngôn ngữ! Âm thanh của tiếng trống là tùy thuộc vào sức yếu mạnh của người lực sĩ. Pháp bảo được giác ngộ sâu cạn là tùy căn cơ, trình độ, sự lãnh hội cùng túc duyên của người tu Phật. Người tu theo đức tin, người theo tinh tấn, người theo trí tuệ cũng do từ kho tàng Pháp bảo cùng căn cơ trình độ mà ra, từ cá biệt duyên của mỗi người mà ra!
– Trẫm đã thông suốt, đã tỏ tường, tuy nhiên, trẫm còn muốn nghe thêm về sự hoan hỷ!
– Được thôi! Trên quả đất rộng lớn này biết bao nhiêu là kỳ hoa, dị thảo; biết bao nhiêu là giống cây cùng nứt hạt, nẩy mầm và lớn lên làm cho xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ và phong phú! Tâu đại vương, quả đất có hoan hỷ không, mà cây cối, muôn hoa nẩy nở và phát triển như thế?
– Chúng hoan hỷ gì đâu! Chúng nương nhờ từ đất, đón nhận nước, không khí, ánh sáng mà trở nên sum suê, tươi xanh đấy chứ!
– Cũng vậy, Đức Thế Tôn còn sống hay đã Niết bàn, Ngài cũng chẳng hoan hỷ gì cả; nhưng tứ chúng, chư thiên và nhân loại nương nhờ nơi Ngài, đón nhận giáo pháp của Ngài; tạo phước báu, tu tập từ bi, hỷ xả, tu tập để đắc các tầng Thánh quả. Nói cách khác, đức tin và nghe pháp là hạt giống, giới là gốc rễ, định là thân cây, tuệ là lá hoa và giác ngộ, giải thoát các tầng Thánh là quả, tâu đại vương!
– Đúng là không cần có sự hoan hỷ mà chính do tâm tạo thiện nghiệp, học hỏi giáo pháp và tu tập. Phước báu phát sanh ở đó.
– Còn nữa, ví như những loại vi trùng sống nhờ nơi thân, trong bụng chúng sanh như voi, ngựa, trâu, bò, dê, lừa, lạc đà…; các loài động vật ấy chúng không hề hoan hỷ, thỏa thích các loài vi trùng ấy, nhưng vi trùng vẫn lớn lên, sinh con đẻ cháu hàng hàng lớp lớp.
– Vâng, quả vậy. Trường hợp này có lẽ là do nghiệp duy trì, nuôi dưỡng.
– Đúng thế! Ví như con người thường phát sanh chứng bệnh channavuti. Dẫu con người có hoan hỷ hay không hoan hỷ thì bệnh channavuti vẫn phát sanh, tồn tại và hành hạ con người. Tại sao như thế, đại vương?
– Dĩ nhiên là do nhiều nguyên nhân, nhưng nói ngắn gọn là do ác nghiệp sanh ra.
– Lại ví như dạ xoa Nanda có tâm ác độc, đánh mạnh vào đầu đức pháp chủ Xá lợi phất, sau đó dạ xoa Nanda bị quả đất rút. Đại vương nghĩ như thế nào, đức pháp chủ có hoan hỷ khi dạ xoa Nanda bị ác báo ấy không?
– Dẫu cõi trời, cõi người có tiêu hoại đi, mặt trời, mặt trăng có bị rơi xuống đất, núi Tu di bị vỡ tan tành… đức pháp chủ Xá lợi phất cũng không có tâm địa ấy đâu!
– Vậy dạ xoa Nanda bị quả đất rút do nguyên nhân nào?
– Do năng lực của nghiệp mà dạ xoa kia đã làm.
– Đúng vậy! Còn bốn người nữa làm hại Đức Phật bị quả đất rút là nàng Cincà, Đức vua Suppabuddha, ông Devadatta, kẻ trộm Udameyyaka… thì đại vương nghĩ như thế nào, Đức Phật có hoan hỷ về điều đó không?
– Đức pháp chủ không có tâm địa ấy thì dĩ nhiên Đức Phật cũng hoàn toàn không! Chính chúng gây nhân ác thì bị ác báo.
– Vâng! Gây nhân thiện thì quả báo lành, tốt, gây nhân ác thì bị quả báo dữ, xấu. Đấy là định luật. Đức Phật dẫu đã Niết bàn rồi, không có hoan hỷ về việc Phật tử cung kính, cúng dường, lễ bái xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật; nhưng lạc báo, thiện báo, phước quả sẽ trổ sanh cho người ấy, do thiện tâm của người ấy. Trái lại, Đức Phật, đức pháp chủ Xá lợi phất không có hoan hỷ về việc những người làm hại mình bị quả đất rút, nhưng khổ báo, ác báo, tội báo vẫn lôi những kẻ ấy vào địa ngục a-tỳ như thường. Như vậy, lời nói của ngoại đạo là rỗng không, không có y cứ vào định luật nhân quả, không thấy không biết sự vận hành của nhân quả; không biết rằng tác ý là nghiệp…! Luận cứ của chúng là tà kiến, không đúng với chân lý. Đại vương là bậc có trí, hãy từ đó mà suy gẫm thêm!
Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ, hết lời tán dương trí tuệ phá nghi của đại đức Na-tiên, rồi kết luận:
– Lời xuyên tạc, phá hoại của chúng ngoại đạo từ nay đã tiêu tan, vô hiệu quả, nhờ tuệ đức của ngài vậy.
Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp
Thực hành giáo pháp: Lễ bái, cúng dường Xá lợi có lợi không?
5 Months Ago.