24 DUYÊN HỆ TRONG ĐỜI SỐNG
DẪN NHẬP :
Người ta cứ hay nói “gặp nhau trong đời là cái duyên”, hay là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, “Chư pháp trùng trùng duyên khởi”…
VẬY DUYÊN LÀ CÁI GÌ?
Vạn hữu ở đời đều trải qua các giai đoạn: thành – trụ – hoại – không bởi lực tác động của vô số các điều kiện, các thành tố. Các điều kiện và thành tố này được tóm gọn 1 chữ là DUYÊN. Chúng mắc nối ràng buộc chằn chịt với nhau mà vận hành. Ở mỗi trường hợp, lực tác động (Năng Duyên) gây ảnh hưởng lên cái bị tác động (Sở Duyên) bằng 1 tính chất nào đó, theo đó mà lực tác động này có 1 cách gọi tên tương ứng.
KHÁI LƯỢC VỀ DUYÊN HỆ, DUYÊN SINH
+ DUYÊN SINH (Duyên trợ sinh): là chuỗi mắc xích cấu tạo nên hành trình sinh tử của mọi loài có thức tánh chưa giác ngộ, với một chuỗi nhân quả ghép nối nhau của các cặp Nhân <-> Quả ; Thiện <-> Ác ; Vui <-> Khổ.
+ Nhân thiện lành đưa chúng sanh về cõi an vui, vui cho lắm rồi cũng hết, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn.
+ Nhân xấu ác đưa chúng sanh về cõi khổ, khổ cùng cực rồi cũng có lúc qua,
+ Mà cái khổ ở chỗ là chúng nó cứ lên lên xuống xuống, qua qua lại lại, tới tới lui lui miết vậy không thôi.
Cái đó gọi là VÔ THƯỜNG: Dòng đời cứ là sự tiếp nối nhau của những thứ vô thường ấy…
+ DUYÊN HỆ (duyên trợ lực) : là những cách thức mà các mắc xích duyên sinh ấy kết nối, câu hữu, vận hành với nhau.
Về mối duyên hệ giữa duyên sinh & duyên hệ ta có thể hình dung qua ví dụ sau :
VD :
+ Con cái phải nhờ cha mẹ -> có mặt ở đời-> rồi lớn khôn : khía cạnh này hiểu Duyên Sinh
+ Cha Mẹ đã hỗ trợ cho con cái về các khía cạnh : thể chất di truyền, bú mớm cơm áo, y tế, học hành : khía cạnh này hiểu là Duyên Hệ
👉 Duyên Sinh giải thích vì đâu ta có mặt ở đời. Duyên Hệ cho ta biết hành trình xuất sanh rồi hiện hữu, phát triển, lão hóa rồi biến hoại ấy diễn ra như thế nào?
CHI TIẾT CÁC DUYÊN HỆ
1/ Cảnh Duyên :
Là lực đẩy hay tác động từ những gì ta nhận biết trong đời sống qua 6 giác quan.
Đời sống là sự cộng ghép của 6 căn + 6 trần. Tùy thuộc vào sự có mặt của 6 căn + 6 trần đó mà cõi sống của chúng ta ra sao ( sống với 6 căn, trần đó như thế nào -> kết quả như vậy ).
Bước đi triệt để là thực hành Tứ Niệm Xứ để xem 6 trần như nhau, không còn Thiện, Ác, Buồn, Vui mà chỉ còn sự quan sát với Tuệ hành xả, cái tính Sanh – Diệt của mọi thứ.
2/ Nhân Duyên :
Là lực đẩy của khía cạnh thiện, ác trong tâm lý của đời sống chúng sinh.
– Thập thiện, thập độ, 37 phẩm Bồ Đề – đều nằm trong nhân duyên
3/ Nghiệp Duyên:
Các hành nghiệp: thân khẩu ý làm duyên hay là điều kiện, cho các quả trổ khi các điều kiện hội đủ. “PHÀM LÀM CHUYỆN (NGHIỆP) GÌ, CŨNG PHẢI NGHĨ ĐẾN HẬU QUẢ CỦA NÓ
4/ Quả Duyên (Dị Thục Duyên) :
Là lực đẩy của thiện ác từ quá khứ, hiện tại, vị lai
· Toàn bộ đời sống của chúng ta nằm trên lực đẩy của Nhân và Quả
+ Quả hiện tại là do Nhân của quá khứ,
+ Nhân hiện tại sẽ cho quả tương lai
+ Quả là nền tảng, là phương tiện, là điều kiện để tiếp tục gieo tạo nhân.
5/ Đồ Đạo Duyên :
Dầu muốn dầu không, dầu vô tình hay hữu ý, trong từng phút trôi qua, với dòng chảy liên tục của các hành: thân, khẩu, ý, ta luôn có mặt trên những CON ĐƯỜNG dẫn về đâu đó bởi 8 cặp đạo đối trọng nhau:
– Chánh kiến <=> tà kiến
– Chánh tư duy <=> tà tư duy
– Chánh ngữ <=> tà ngữ
– Chánh nghiệp <=> tà nghiệp
– Chánh mạng <=> tà mạng
– Chánh tinh tấn <=> tà tinh tấn
– Chánh niệm <=> tà niệm
– Chánh định <=> tà định
6/ Trưởng Duyên :
Là lực đẩy của những khía cạnh tâm lý mà ta thường sống trong đó mà không hề lưu ý. Đó là những gì tô đậm nhất trong đời sống của mình ( là hành trình nhân duyên )
– Bất cứ chuyện đời hay chuyện đạo ta cũng luôn cần đến 4 nguồn năng lượng chủ lực này :
+ Một ước muốn tha thiết – Dục : phải có ước muốn tha thiết trong cái ác thì ta mới có thể thực hiện điều đại ác – và ngược lại.
+ Một sự nỗ lực đúng mức – Cần
+ Một tâm thái thích hợp – Tâm : việc nào cũng đòi hỏi một tâm tham hay tâm sân mãnh liệt, có việc phải đòi hỏi một nội tâm ly dục & thiền định, có việc phải nhờ đến trí tuệ thánh nhân
+ Nhận thức về đường hướng hoạt động – Thẩm ( Trí Tuệ ) : với người làm việc lành không thể thiếu ánh sáng của trí tuệ, và một việc ác rất cần bóng tối của vô minh.
7/ Thường Cận Y Duyên : ( trong 12 duyên luôn có duyên này )
Là thói quen được hình thành do Ghét và Thích. Vấn đề ghét gì, thích gì LẶP LẠI NHIỀU LẦN thành thường cận y
Tất cả 12 Nhân Duyên đều có Thường Cận Y Duyên này
Bất cứ một hành tốt xấu nào trong tâm thức đều để lại một dấu ấn -> gọi là thường cận y duyên
8/ Quyền Duyên : ( Quyền: thành phẩn chủ yếu, thành tố căn bản )
Là lực đẩy căn bản của 22 thành tố căn bản làm nên sự hiện hữu gồm :
+ 5 thần kinh ( 5 quyền vật chất ) :Thị, thính , khứu, vị , xúc giác( vạn vật chỉ tồn tại khi được ta nhận biết )
+ 2 sắc tố giới tính : Chúng sanh trong cõi Dục mới có nam, nữ. Sắc và Vô Sắc không có phái tính. Trong 5 dục vấn đề Nam nữ là hàng đầu ( dục phái tính )
+ 1 Mạng Quyền : ( sinh lực , sức sống ) của mỗi người trong vũ trụ ( Danh Mạng Quyền )
+ 1 Tâm
+ 5 Quyền Tâm Linh ( Tín, Tấn , Niệm , Định, Tuệ )
o Tín Quyền : niềm tin căn cứ trên cơ sở của trí tuệ
o Tấn Quyền : là sự nỗ lực trong việc làm
o Niệm : là sự cẩn trọng, lưu ý, phòng hộ, cảnh chừng, nhắc nhở
o Định : khả năng tập trung tư tưởng. Có 2 nguồn ( do công việc , do tu tập )
o Tuệ : có 3 nguồn :
· Văn : nghe học đọc từ người khác
· Tư : là khả năng thấm thía, tiêu hóa thông qua sự suy nghĩ của cá nhân
· Tu : là khả năng liên quan đến công phu thiền định hay thiền tuệ.
– Người tu thiền Định có trí sắc bén, nhanh nhạy hơn người bình thường nhờ sự hỗ trợ của Định Quyền (khả năng tập trung tư tưởng).
– Người tu thiền Tuệ – Tứ Niệm Xứ có trí sắc bén, nhanh nhạy hơn người bình thường nhờ sự hỗ trợ của Niệm Quyền.
– Người cõi Dục nhờ có được 5 Quyền này mới có điều kiện tâm lý để sống thiện và an lạc hơn người.
– Ở mức độ cao hơn cõi Dục Giới, thì 5 quyền này có điều kiện sanh về cõi Phạm Thiên.
– Ở người đủ túc duyên giải thoát thì 5 quyền này là điều kiện giúp họ chứng Thánh.
– Chính 5 quyền này cấu tạo nên vũ trụ và chúng sinh.
+ 5 cảm thọ thân và tâm (khổ-khổ thân , ưu – khổ tâm, lạc – sướng thân , hỷ – vui lòng , xả – cảm giác hờ hững không buồn vui sướng khổ ) :
. Lý do và điều kiện sướng khổ của chúng sinh không hề giống nhau. Tùy phước duyên và trình độ nhận thức mà mỗi người thích cái gì, thích như thế nào / ghét cái gì, ghét thế nào:
* Chúng sinh cõi Dục buồn vui sướng khổ trên cơ sở vật chất.
* Chúng sinh cõi thiền định không còn buồn khổ mà chỉ còn vui sướng, nhưng không trên cơ sở vật chất mà trên nền tảng Thiền Định. Như vậy chỉ cần nhìn cảm thọ của chúng sinh, ta sẽ biết họ thuộc tầng lớp nào và vì sao lại như vậy. Nói thế có nghĩa là Cảm Thọ là một thành tố quan trọng cấu tạo nên vũ trụ
+ 3 khả năng Nhận Thức : ở đây bao gồm 2 Phàm Trí & 1 Thánh Trí :
* Phàm Trí : 1 phàm trí giúp nhận biết lý Nhân Quả để làm lành lánh dữ, và 1 phàm trí hiểu biết Lý Tam Tướng (Vô Thường, Khổ, Vô Ngã) để mà khởi tâm nhàm chán sinh tử, cầu đạo Giải thoát.
* Thánh Trí : 1 trí hiểu biết nhân quả để biết cái gì cũng do duyên cấu tạo . 1 trí thấu ngộ lý Tam Tướng để cắt đứt phiền não. Hai loại thánh trí này lại chia thành 3 cấp độ :
.a/ Vị Tri Quyền : là trí sơ quả – Tu Đà Hườn thấy được Tứ Đế ( 2 điều vừa nói trên ) ở mức độ thánh nhân lần đầu tiên, cái thấy đó đủ mạnh để vị này chấm dứt vĩnh viễn thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, đồng thời rút ngắn khả năng luân hồi, chỉ còn kéo dài tối đa trong 7 kiếp.
. b/Dĩ Tri Quyền : là trí tuệ của 2 tầng thánh giữa, tiếp tục thấy lại 2 điều trên với sự thuần thục của một người làm lại điều mình đã làm, thấy lại điều mình đã thấy.
. c/ Cụ Tri Quyền : là trí tuệ A La Hán nhận biết rốt ráo Tứ Đế không còn góc khuất nào, và do vậy chấm dứt vĩnh viễn tất cả phiền não, không còn tái sinh thêm một kiếp nào nữa.
Sở dĩ nói trí tuệ là chất liệu cấu tạo nên vũ trụ là vì toàn bộ vũ trụ có được là do sự thiếu vắng Trí Tuệ trong 4 Đế. Thánh trí có lúc nào -> lìa bỏ vô minh lúc đó.
(Thích ghét gì bằng càng ít căn càng tốt . Ái bằng 1 vài trong 6 căn thì cũng còn đỡ , còn ái đắm say cuồng nhiệt bằng cả 6 căn thì le lưỡi )
Câu hỏi : Vì sao trí tuệ là chất liệu cấu tạo nên vũ trụ ?
– Do vô minh trong 4 Đế -> tạo các nghiệp thiện ác -> tạo tâm đầu thai các cõi -> có danh sắc đi đầu thai , có cõi ( cấu tạo nên vũ trụ ).
– Nếu có trí tuệ thánh nhân thì ngược lại.
9/ Tiền Sanh Duyên :
Là lực đẩy của cái trước cho cái sau có mặt. Hay nói cách khác những gì ta làm bây giờ là duyên cho tương lai.
Cái nhân có trước . Bất cứ cái gì bây giờ làm đều để lại quả.
VD : Tôi dọn xe để chiều tôi đi chợ. Dọn xe là Tiền sanh duyên cho đi chợ.
10/ Hậu Sanh Duyên :
Là lực đẩy của cái sau tác động cho cái trước có mặt. Hay nói cách khác những gì bây giờ là thừa tiếp của quá khứ
VD : Vì chiều nay đi chợ nên tôi dọn chiếc xe . Đi chợ là hậu sanh duyên cho việc dọn xe
Ví dụ : Ngày thứ 3 là Tiền Sanh Duyên của Ngày Thứ 4, Nhưng là Hậu Sanh Duyên của Ngày Thứ 2.
11/ Vô Gián Duyên & Đẳng Vô Gián Duyên
Là lực đẩy cho sự liên tục, nối tiếp, không gián đoạn.
Tu hành là làm gián đoạn những thứ không cần liên tục, và giữ liên tục những thứ cần phải gián đoạn.
12. Vô Hữu Duyên :
Nhờ vào sự vắng mặt của A mà B mới có mặt. Mối quan hệ như vậy gọi là Vô Hữu Duyên
Vd: vì không có bệnh nên tôi mới ăn uống thoải mái, sống vui khỏe. Vì không có chìa khóa nên không mở cửa được…
13. Câu Sanh Duyên :
Nhờ sự có mặt đồng thời của A & B mà cả hai mới có mặt ( đôi khi cùng lúc là điều kiện cho cái gì đó vận hành ).
14/ Hiện Hữu Duyên & Bất Ly Duyên
Là lực đẩy có được từ sự có mặt của cái gì đó.
Nhờ sự có mặt này thì cái kia mới có mặt ( Này là nền của cái khác ).
A giúp B bằng sự có mặt.
15/ Ly Khứ Duyên :
Là lực đẩy có được từ sự vắng mặt của cái gì đó.
A giúp B bằng sự vắng mặt· Một cái được thêm vào thì có nhiều thứ khác bị lấy ra. Một cái bị lấy ra thì nhiều thứ khác được thêm vào.
VD : nhờ có hạnh lành này có mặt -> kéo theo hạnh lành kia có mặt
16 / Thiền Na Duyên :
Là lực đẩy có được từ việc đốt cháy hay xóa bỏ cái gì đó. Gồm có 7 sức đốt ( 7 thứ lửa ) còn gọi là 7 chi thiền gồm : Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định, Ưu, Xã
– Tầm : là khả năng hướng tâm đến cảnh
– Tứ : là trạng thái quan sát đối tượng
· Trong kinh ví dụ Tầm như động tác bay tới của con ong, Tứ là động tác vờn quanh đóa hoa, 2 tâm sở này có mặt ở tất cả chúng sanh hưởng dục và ở tầng Sơ Thiền ( vốn ly dục nhưng chưa đủ mạnh ). Khi nào tâm ly dục rồi thì để nhận biết đối tượng ta cần bỏ 2 tâm sở này. Ngay cả với 1 vị A La Hán tuy đã ly dục tuyệt đối nhưng khi nào tâm không trú thiền ( tức còn đang sống với 5 trần cảnh vật chất ) thì cũng phải xài 2 tâm này. Nói vậy có nghĩa là sự có mặt của 2 tâm sở này ngăn chặn sự có mặt của các tầng thiền từ Nhị Thiền trở lên. Tầm, Tứ giống cây nạng của người tàn tật, người nào còn dùng thì là do sức khỏe có vấn đề.
· Thiền mà bị chướng ngại thì phải xét lại : giới luật, sự hối hận ( làm lỗi với ai chưa xin lỗi ), lời hứa chưa làm, công việc chưa xong, vật thực có thích hợp, đề mục có thích hợp.
17/ Vật Thực Duyên :
Toàn bộ vũ trụ gồm trời đất và chúng sinh trong đó với cả tinh thần và vật chất đều luôn tồn tại và vận hành với sự nuôi dưỡng của các dưỡng tố. Tinh thần có thức ăn của tinh thần, vật chất có thức ăn của vật chất. Từ hòn đá, ngọn cỏ cho đến đời sống tâm linh của một bậc thánh thảy đều nhờ đến dưỡng tố. Đức Phật thường nhắc đến 4 thực phẩm nuôi sống muôn loài muôn vật:
a/ Đoàn Thực : là thực phẩm nuôi dưỡng thân xác của động vật. Tùy thuộc vào thức ăn và thể tạng của từng người mà bữa ăn nào có lợi và có hại cho thân xác của ta.
b/ Xúc Thực : là hoạt động của 6 căn trước 6 trần. Tùy thuộc vào ta đang sống nhiều với trần cảnh nào mà phẩm chất của đời sống ta theo đó mà được quyết định. Có những thứ chủ đề tinh thần càng theo đuổi giúp ta đi lên, ngược lại có thứ đẩy ta đi xuống.
c/ Tư Niệm Thực : là chủ ý hành động trong từng phút giây của đời sống ( Tâm sở Tư ). Cũng chính là xúc thực chia chẻ ra
d/ Thức Thực : là tâm đầu thai vào các cõi, được tạo ra từ Tư Niệm Thực ( Tùy vào đầu thai bằng tâm gì mà anh sẽ mang thân tương ứng với người đó )
18. Hỗ Tương Duyên :
Là lực đẩy qua lại giữa nhân và quả. Nhờ vậy quả được hỗ trợ
VD như cả hai cùng khiêng 1 vật nặng.
19. Tương Ưng Duyên & Bất Tương Ưng Duyên :
Là lực đẩy có được từ sự độc lập, sự chắp nối hay cách ly của các pháp.
Vd: nước + đường + chanh là tương ưng duyên
Còn cái ly đựng tụi nó, hay cái muỗng khuấy tụi nó là bất tương ưng duyên, chứ mà tương ưng hòa tan luôn thì…
Toàn bộ thế giới này là dòng chảy liên tục bởi các DUYÊN ấy, được thiết lập trên nền tảng của hai thứ giả niệm – Hạnh phúc & Đau khổ:
+ Hạnh phúc là sự có mặt cái ta thích, vắng mặt cái ta ghét
+ Đau khổ là sự có mặt cái ta ghét, vắng mặt cái ta thích
+ Hạnh phúc là tìm được, “tạm” giữ được cái ta thích, “tạm” né tránh được cái ta ghét.
+ Đau khổ là tìm ko được cái ta thích, né tránh ko đc cái ta ghét.
Vậy cái THÍCH hay GHÉT đó ở đâu ra ??
Do 3 yếu tố (khuynh hướng tâm lý, môi trường sống, tiền nghiệp) ra sao mà chúng ta Thích và Ghét khác nhau. Chính từ cái thích & ghét đó mới nảy sinh hành nghiệp Thiện hay hành Ác, rồi phải thọ lãnh cảm thọ – Hạnh phúc hay Đau khổ.
Thế giới được gọi là vọng ảo vì không có gì là nam, nữ, sông, núi, người, vật, cây cỏ, linh hồn, bản ngã …. Quy nạp rốt ráo lại từ tính thế tục về tính uyên nguyên, bản thể thì nó chỉ gồm lục đại ( 6 thứ ) ráp lại gồm :
+ Tứ Đại: đất, nước, lửa, gió (thuộc sắc pháp)
+ Hư Không (thuộc sắc pháp)
+ Thức (thuộc về danh pháp, là yếu tố tinh thần gồm Tâm và Tâm sở)
6 thứ này ráp lại gọi là vũ trụ, làm nên 6 căn & 6 trần
6 trần được gọi là 6 trần khi được 6 căn biết <-> và ngược lại, 6 căn chỉ được gọi là 6 căn khi có sự biết 6 trần.
+ Sanh tử luân hồi là do Vô Minh trong 4 Đế – không biết 6 căn , 6 trần là của nợ, là gánh nặng, là phiền lụy, là chướng ngại, là đau khổ nên cứ mãi trốn khổ tìm vui bằng cách đầu tư vào Thiện , Ác, Buồn, Vui,.rồi cứ chấp thủ “Ta, của Ta”, thế là cuồng nhiệt gồng gánh mang xách chúng nó đi tới đi lui khắp cùng cái tam giới này, lúc sướng thì vênh váo enjoy, lúc khổ thì le lưỡi than trách…
Dòng Luân hồi chỉ là chuỗi quẩn quanh xoay vòng bởi bánh xe duyên sinh duyên hệ ấy..
( – Dã Quỳ Nguyên Giang lược ghi theo Course giảng của sư Giác Nguyên tại Houston – Hoa Kỳ tháng 10/2019 – )
Duyên hệ