Câu Hỏi: Chánh Niệm là gì? Nếu chánh niệm là cái biết hiện tiền, ngay bây giờ, vậy bản thân cái biết đó cũng thuộc thời hiện tại phải không?
Trả Lời : Trong cả 4 trường hợp Niệm Xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp), Niệm luôn có nhiệm vụ dán tâm vào cảnh không để quên mất. Bản tướng của Niệm là chìm sâu vào cảnh như viên đá được thả vào hồ nước. Nó không bồng bềnh trôi nổi theo kiểu trái bầu khô trên nước. Có nghĩa là khi ông quán niệm hơi thở thì chánh niệm của ông chìm sâu trong hơi thở, nó giúp ông không quên mất đề mục hơi thở, giúp dòng tư tưởng của ông liên tục gắn chặt vào hơi thở không bị một vọng niệm nào xen vào, có nghĩa là phiền não không có cơ hội xuất hiện. Niệm là một tâm sở Tịnh Hảo quan trọng, có nó thì tâm không bị phiền não chi phối. Niệm giúp hành giả luôn ngó thẳng vào cảnh. Chánh niệm trong pháp môn Niệm Xứ luôn giúp hành giả có được 4 khả năng tỉnh thức (sampajañña):
· Nhận rõ cái gì là mục đích (sātthakasampajañña) của pháp môn Chỉ Quán mà mình đang tu tập.
· Nhận rõ cái gì là điều kiện thích hợp (sappāyasampajañña) cho pháp môn mà mình đang tu tập.
· Nhận rõ đề mục mình đang tu tập là cái gì (gocarasampajañña) để không lơi lỏng hoặc đi lạc sang cái khác.
· Nếu là hành giả tu Tuệ Quán thì phải cần đến khả năng tỉnh thức thứ tư này. Đây là sự ghi nhớ thường trực về Danh Sắc: Cảnh là Danh Sắc và tâm biết cảnh Danh Sắc cũng là Danh Pháp. Nhờ biết vậy hành giả không sống trong sự ngộ nhận về một cái TÔI như những người thất niệm. Thuật ngữ Pāli gọi sự tỉnh thức này là Asammohasampajañña, tức sự không quên mình.
Qua những phân tích trên đây thì sự tỉnh thức vừa nói chính là tâm sở Trí Tuệ trong pháp môn Niệm Xứ. Loại trí tuệ này không thể tách rời chánh niệm và thứ chánh niệm này luôn gắn liền với 4 thứ trí tuệ vừa nói. Chúng ghép lại với nhau thành một cặp công cụ mà trong chánh kinh Đại Niệm Xứ gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác (Satisampajañña). Trong pháp môn Tuệ Quán, chánh niệm càng mạnh thì trí mới sáng và Định mới mạnh. Chính đức Phật đã từng dạy trong kinh Samādhisutta (Tương Ưng Bộ): “Này các tỳ-kheo! Hãy tu tập Định Quyền, với Định Quyền thì các ngươi sẽ có trí tuệ như thật”.
Chữ Định trong đoạn kinh này chính là Định Quyền của hành giả tu tập Tuệ Quán, khả năng gom tâm gắn liền với Niệm và Tuệ. Tuệ ở đây chính là 4 sự tỉnh thức đã nói ở trên.
Trích sách: “Kinh Nghiệm Tuệ Quán”
“KINH NGHIỆM TUỆ QUÁN PA AUK (trình pháp tại Đài Loan)”
Sư Giác Nguyên dịch
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Thực hành giáo pháp: Chánh Niệm là gì?
9 Months ago.