SỰ HÌNH THÀNH HỌ LÊ (BÁ THÚC QUÝ)
Như ta đã biết,năm 1558 ngài Lê Kỳ theo đoàn quân dân cùng chúa Tiên- Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Có lẽ ngài Lê Kỳ phục vụ trong quân ngũ và ngài được phân bố về trấn giữ ở vùng gần Thanh Tuyền nên ngài chọn Thanh Tuyền làm quê hương mới.
Kể từ khi chúa Tiên vào đến đời chúa Võ đã hơn 200 năm, truyền được 8 đời, ngài Lê Kỳ cũng truyền được 8 hay 9 đời rồi. Do đó khi chúa Võ cho lập làng Thanh Tuyền 2 thì đa số các vị ở các thế 8,9,10 của họ Lê ta đi khai khẩn lập làng mới. Còn lại một số con dân họ Lê ở Thanh Tuyền 1 phát triển thành họ Lê ở đó.
Chúng ta có thể khẳng định như thế vì trong phổ chí chữ Hán Nôm, các ngài trong ban trị sự họ thuộc thế 10-11 đã để lại di huấn cách dùng chữ lót để đặt tên con cháu từ thế 12 trở về sau, có đề cập về đây lập làng vào thời Cảnh Hưng.
Các vị đã khai khẩn vùng phía tây đường mòn Nam-Bắc, một vùng rộng gần 2 hecta bên khe nước trong rồi dựng nhà thờ họ ở đây. Nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, tiền đường hướng về phía tây, hữu có Thanh Long (khe nước trong ) tả có Bạch Hổ (độn Sầm), xa xa có dãy độn Hoàng làm bình phong rất hợp với phong thủy.
Cuối thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp thôn tính toàn nước ta, chúng mở mang đường sá, cải tạo đường mòn Nam -Bắc thành quốc lộ 1, đồng thời xây dựng tuyến đường sắt song song với quốc lộ 1.
Đường sắt án ngữ mặt tiền, quốc lộ chặn hậu, làm cho khuôn viên nhà thờ hẹp lại, phá vỡ cảnh quan phong thủy của nhà thờ.
Vào thời vua Thành Thái (1889-1907), con cháu trong Họ có người làm quan, như các ngài Lê Bá Đắc, Lê Bá Lao, Lê Bá Vũ… cùng các vị thân hào trong Họ như ngài Lê Quý Giá đã đóng góp tôn tạo nhà thờ bằng vật liệu kiên cố: nhà rường gỗ mít ba gian hai chái, vẫn theo hướng cũ. Đồng thời di dời mộ ngài Thủy tổ Lê Cương Thiết ở Nghệ An vào để xây lăng khang trang và dần dần cải táng mộ của các ngài tử ngài Lê Kỳ trở xuống. Năm 1948-1949 theo lệnh tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh, các công trình xây dựng kiên cố như đình đài, miếu vũ bị triệt hạ để quân địch khỏi làm cứ điểm làm đồn dựng bốt gát. Do đó nhà thờ họ Lê ta, đình làng và nhà thờ các Họ khác bị san phẳng. Các đồ thờ tự của Họ phải đem thờ vọng ở các nhà tương đối rộng rãi còn lại. Cụ thể 3 hương án lớn gửi thờ ở nhà ông Lê Bá Tuyến, 2 hương án nhỏ và các sắc phong, phổ chí gởi nhà ông Lê Bá Cấp.
Đến năm 1950-1951, thực dân Pháp chủ trương bạch hóa hai bên quốc lộ. Chúng dùng xe cày san phẳng các công trình xây dựng, bụi bờ cây cối che khuất tầm nhìn trong vòng 150km kể từ trong lòng đường quốc lộ. Thành ngoại ở lăng ngài Tổ bị triệt phá từ dạo ấy, may mà không động đến phần nấm liếp của lăng, phải chăng nhờ uy linh lớn của các ngài mà chúng không dám động đến.
Thời ấy, nếu đứng ở quốc lộ ta có thể phóng tầm nhìn thẳng về Thanh Thủy Chánh. Đồng thời chúng xây dựng 6 lô cốt: lô cốt 1 ở cầu vượt, lô cốt 2 ở ga tạm sau lưng nhà thờ họ Trần, lô cốt 3 sau lưng nhà thờ họ Ngô, lô cốt 4 ở đầu đường Bến Đá, lô cốt Độn ở độn Lăng và lô cốt Rào ở bờ sông Lợi Nông cuối đập ông Viên Thêm. Ban ngày dân làng phần đông lánh xa sông Lợi Nông để lánh Giặc và để canh tác ruộng trưa. Khi nào nghe báo “trâu ra”(giặc về lùng) thì cùng nhau chạy về Thanh Thủy Chánh hay dọc theo bờ sông về phía Giạ Lê. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, có lần bọn Tây về lùng đã bắn chết trâu cày và hai với chồng ông Văn Nài đang gặt lúa ở đạt Tẹc cách đường bến chừng 200m.
Sau hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (1954) mọi người trở về làng làm ăn sinh sống, xây dựng lại quê hương.
Năm 1956-1958 các vị thuộc thế 14-16 chung nhau xây dựng lại nhà thờ Họ trên nền cũ. Ban trị sự họ đã truy tập các đồ thờ tự về bố trí lại nhà thờ, đồng thời cho tu dịch phổ chí từ chữ Hán -Nôm ra Quốc ngữ, việc dịch phổ chí do các vị như Lê Bá Bút, có sự cộng tác của các vị giỏi Hán như ông Phùng Hòe (Khán Hòe ) cháu ngoại của Họ.
Ngài Lê Kỳ sinh được một gái bốn trai , người con gái là bà Lê Thị Khích (vợ ngài tổ họ Đặng), 4 người con trai tuần tự là: Lê Tôn Lộc, Lê Tôn Thừa , Lê Tôn Thường , Lê Tôn Hòe. Ngài Lê Tôn Lộc là tổ phái Bá , Lê Tôn Thường là tổ phái Thúc , Lê Tôn Hòe là tổ phái Quý , còn ngài Lê Tôn Thừa không có con nối dõi. Do đó họ Lê ta có ba phái, gọi theo thứ tự là nhất ,nhì, ba. Con cháu trong họ khi sinh con thì tùy tiện dùng chữ lót để đặt tên , từ thế thứ 1 đến thế thứ 11 nhiều chữ lót được dùng như: tôn, bá ,trọng ,văn, viết, thanh…làm cho con cháu cùng Họ, cùng phái không nhận ra nhau, tai hại nhất là có thể xảy ra loạn luân ngoài ý muốn vì tưởng nhầm khác họ nên lấy nhau.
Vì thế đến đời các ngài thế thứ 12 như ngài Lê Bá Đắc (Án Sát An Giang) Lê Bá Lao (Kinh Tượng phó vệ úy kiêm Tư Hiền trấn quản đốc phòng) cùng các vị bô lão trong hội đồng gia tộc đã ban hành khuyến cáo cách dùng chữ lót , đại ý như sau: từ thế 12 trở về sau, phái nhất gọi là phái Bá, (lót chữ Bá) phái nhì gọi là phái Thúc (chữ lót Thúc) phái ba gọi là phái quý (chữ lót Quý).
Tuy có khuyến cáo như thế nhưng có vài gia đình không hiểu sao vẫn duy trì cách dùng chữ lót cũ mà gia đình quen dùng (như Lê Trọng, thay vì Lê Bá…).
Danh xưng của họ Lê ta thường gọi là họ Lê Bá, người ngoài họ thậm chí người trong Họ thỉnh thoảng nhầm tưởng Lê Bá ,Lê Thúc, Lê Quý là 3 họ khác nhau. Đến đời bác tộc trưởng Lê Quý Dung đề nghị lấy danh xưng của họ là Lê Bá Thúc Quý để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc, hội đồng gia tộc và con cháu đồng tình. Do đó từ năm 2002 họ ta được gọi là họ< Lê Bá Thúc Quý>.
Từ năm 1958 đến năm 1974 việc cúng giỗ ở họ được con cháu tổ chức chu đáo nhờ hoa lợi của các mẫu ruộng canh của họ nên chi phí kỵ chạp, tu sửa lăng mộ và nhà thờ rất thoải mái.
Từ năm 1975, ruộng canh bị sung công, mỗi năm Họ được hợp tác xã nông nghiệp Thủy Dương cấp cho 300kg lúa để lo hương khói, trong thời kỳ bao cấp, mọi người dân trong làng đều rất vất vả lo cho cái ăn nên việc cúng giỗ ở Họ trở nên đạm bạc, chiếu lệ.
Nhà thờ Họ ngày càng xuống cấp, hơn nữa nền quá thấp, nhà thờ nằm chìm sâu dưới vũng trũng giữa đường quốc lộ và đường xe lửa, nóc nhà thờ ngang với mặt đường. Con cháu đi trên quốc lộ nhìn xuống nhà thờ thì đều chạnh lòng xót xa.
Khoảng năm 1970, ông Lê Bá Cấp đã có ý tưởng vận dụng xe công binh chở đất núi lấp đầy vùng trũng để dựng nhà thờ lên trên. Ý tưởng hay nhưng thời thế không cho phép nên đành bỏ qua.
May thay, sau năm 1990, nhà nước bắt đầu thay đổi chính sách, khoán 10 cho nông dân và tiến hành kinh tế thị trường, nền kinh tế của nhân dân ngày càng sáng sủa, có của ăn của để.
Trước cảnh xuống cấp của nhà thờ Họ, con cháu họ ai ai cũng mong muốn góp công ,góp của để tôn tạo lại nhà thờ.
Năm 2000, nhiệm kỳ của bác Lê Bá Giàu làm tộc trưởng, ban trị sự Họ tổ chức cuộc họp đông đảo con cháu trong Họ để bàn về việc tôn tạo nhà thờ Họ. Trong buổi họp có hai ý kiến chính:
– Ý thứ nhất của nhóm người có ý tưởng thủ cựu, lấy thuyết “phong thủy” và “thiên địa nhân”, đề nghị xây dựng nhà thờ Họ trên nền cũ được nâng cao và giữ nguyên hướng cũ.
– Ý thứ hai thuộc phái cấp tiến, đề nghị đắp nền lên cao ngang mặt quốc lộ và chọn hướng cho phù hợp với khuôn viên hiện hữu của khu đất.
Sau khi phân tích, thảo luận: hai đường xe lửa và quốc lộ ám tiền và chận hậu làm cho nhà thờ mất cân xứng theo phong thủy. Còn theo thuyết thiên địa nhân thì có thiên thời (chánh sách cởi mở của nhà nước), nhân hòa (con cháu Họ đều đồng thuận việc tôn tạo), nhưng địa bất lợi. Gia đình ông Lê Bá Nghiệp đã lập sa bàn và mô hình nhà thờ để minh họa trong buổi họp.
Kết quả, đại đa số đồng thuận theo quyết định: đắp nền lên cao, mặt tiền hướng về suối nước ( hướng nam bị đài liệt sĩ án ngự).
Khi phần chính của nhà thờ được tôn tạo xong, con cháu Họ đã nhiệt tình góp công góp của để xây dựng tôn tạo các công trình chung quanh, làm cho phong cảnh tổng thể của nhà thờ trở nên bề thế tôn nghiêm. Cụ thể như các công trình sau:
– Gia đình ông Lê Quý Dẫn cúng xây dựng nhà bia, cặp ngựa.
– Gia đình ông Lê Quý Dung cúng độc lư và cặp hạc.
– Gia đình ông Lê Thúc Hóa cúng xây bình phong.
– Gia đình ông Lê Thúc Nguyên cúng cặp voi đá.
– Gia đình ông Lê Bá Cường cúng bộ “lỗ bộ”.
– Gia đình ông Lê Quý Chi cúng cặp mai.
– Toàn thể phái Quý lót gạch men nhà tăng và hành lang.
Ngoài ra còn rất nhiều vị cúng các mục khác như đồ thờ, tủ kính ,cây cảnh, voi đá.
Đặc biệt nhất là cô Lê Thúc thị Lợi cúng xây dựng bốn trụ biểu và bốn sư tử đá và lát gạch bê tông sân trước nhà thờ. Cô là con gái họ mà tâm hướng về Tổ Tiên thật đáng quý, xứng với câu phương ngôn: “trai mà chi , gái mà chi. Con nào có nghĩa có nghì thì hơn”.
Những người đáng tôn vinh nữa là các bà con dâu của họ, các bà đã tạo điều kiện thuận lợi, đắc lực cộng tác với chồng là các vị tộc trưởng, trưởng phái, thư ký,…để chăm lo chu toàn việc thờ cúng tổ tiên . Chúng ta không quên thắp nén hương lòng để tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân đã bỏ công lao xây dựng Họ và cống hiến các vật dụng thờ tự để nhà thờ có vẻ uy nghi, trang nghiêm như ngày nay.