TIỂU SỬ NGÀI KHAI CANH HỌ NGÔ
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NGÀI KHAI CANH
HỌ NGÔ THANH THỦY
Ngài Ngô Lực tự Minh Triết:
Sinh khoảng năm 1539
Tạ thế ngày 12.5.năm Đinh sửu Niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577)
Húy kỵ ngài vào ngày 11, 12.5 ÂL hàng năm.
Cha là Ngô Phủ Quân ( Ngô Thù ) Bổn Thổ Thành Hoàng làng Phù Bài.
Mẹ là bà Triệu Thị Mai.
I.THÂN THẾ – DÒNG TỘC
Sắc phong Duy Tân và Khải Định của Ngài Bổn Thổ Phù Bài
Ngài Ngô Phủ Quân : Tiền Khai Khẩn Bổn Thổ Thành Hoàng làng Phù Bài, Húy Thụ tự Thù.
Dòng dõi của Ngài Ngô Thù vốn gốc ở Bột Hải quận (nay là tỉnh Sơn Đông ) dưới triều nhà Minh (1368-1644 ). Tổ tiên của Ngài Ngô Thù là một đạo sĩ Lão giáo thiền sư có tài kỳ môn độn giáp, pháp thuật thần thông. Ngài Tổ làm quan ở Đạo Kỳ ty triều nhà Minh, phụng mệnh làm khâm sai giáo sĩ sang đất Việt để truyền Đạo giáo.
Gia phả họ Ngô Phú Bài : “Thời kỳ nội thuộc nhà Minh cai trị, từ năm 1414 đến1427 vua triều Minh ban chỉ truyền mở mang Nho học sang Đất Việt, lấy Tứ thư Lục kinh, bộ Tinh lý Đại toàn đưa sang ban cấp cho người Việt ở các phủ, châu, huyện…
Căn cứ vào lịch sử thì ngài Bổn Thổ thành hoàng làng Phù Bài là dòng họ Ngô húy Thụ tự Thù. Ngài vốn dòng dõi Trung Quốc dưới triều nhà Minh. Tổ của Ngài là một đạo sĩ Lão giáo thiền sư, có tài kỳ môn độn giáp,vạn pháp quy tôn, pháp thuật thần thông ngũ trí, tài năng hoán bổ lục thao. Ngài làm quan ở Đạo Kỳ ty triều nhà Minh, phụng mệnh làm khâm sai giáo sĩ sang đất Việt để truyền Đạo giáo..”
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi (1418-1427) Lê Lợi đã thế đức hiếu sinh cấp gạo thuyền cho quân Minh rút về nước(23.12.1427). Gia đình ngài Ngô Thù chỉ là giáo sĩ sang truyền đạo vì thế đã quyết định ở lại cư trú tại xứ Đường Lâm, quê hương của Ngô Quyền.
Gia phả họ Ngô Thanh Thủy: “Nguồn gốc ngài Thái tổ (Ngài Ngô Thù) quê ở Trung Quốc tại xứ Minh Châu, lạc đạo giáo vãng cư Việt địa, Băc Ninh tỉnh, Đường Lâm xứ, đời Quang Thuận Lê Thánh Tông 1460 Hậu lê”
Sống ở Đường Lâm (nay thuộc Ba Vì,Hà Tây), qua một thời gian dài, đến đầu thế kỷ XVI, gia đình ngài Ngô Thù đã trở thành người Việt chính thống.Vì thế, khi ngài Ngô Thù sinh (13.4 năm Nhâm Tuất 1502) Gia phả họ Ngô Lang Xá ghi:
“Nguyên hệ xuất Bột Hải quận, tính Ngô, Đường Lâm nhân, thuộc Bắc Ninh tỉnh”
Được tiếp thu sở học của ông cha, ngài Ngô Thù đã trở thành một đạo sĩ Lão giáo thiền sư tài giỏi. Ngài tham gia quân đội và trở thành một võ tướng chỉ huy đội quân tinh nhuệ dưới tướng Nguyễn Kim.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung truất phế vua Lê, thành lập nhà Mạc. Nguyễn Kim giương cao lá cờ Phù Lê diệt Mạc, lập Nam triều ở Thanh Hóa. Gia đình ngài Ngô Thù chuyển về cư trú ở Thanh Hóa.
Gia phả họ Ngô Lang Xá : “Lê Trang Tông hữu niên giám, tỵ Mạc chi loạn, cư Thanh Hóa”
Sau năm 1527 khi ở Thanh Hóa Ngài Ngô Thù đã có hai phu nhân : Đệ nhất phu nhân: Bà Lê Thị Thị sinh hạ một ái nữ. Đệ nhị phu nhân: Bà Triệu Thị Mai hạ sanh được tam lang. Căn cứ vào năm sinh của ngài Ngô Điêu 1542 thì các con của ngài Ngô Thù đều sinh ra ở Thanh Hóa :
Bà chị đầu Ngô Thị Cừ sinh khoảng 1530. (Sau này kết hôn với ngài thủy tổ họ Lê Phù Bài là ngài Lê Ngọc Hiền)
Anh trai đầu Ngô Tôi tự Dao sinh 1536
Ngô Lực tự Minh Triết sinh 1539.
Ngô Điêu là con trai út sinh 1542.
Đến giữa thế kỷ XVI dưới thời Hậu Lê, nội bộ triều đình từ khi Nguyễn Kim chết đã nãy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa hai dòng họ đang tôn thờ vua Lê. Trước tình hình đó, được sự tư vấn của Nguyễn Bỉnh Khiêm :
“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân “.
(Hoành sơn một dãy, dung thân muôn đời )
Nguyễn Hoàng đã vận động xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh âm mưu sát hại của Trịnh Kiểm và lo xây dựng lực lượng lâu dài về sau.
Tháng 10 năm 1558 Nguyễn Hoàng nhận cờ Tiết chế vào trấn thủ Thuận Hóa lúc 34 tuổi. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã đem theo những người thân tín tài giỏi, là những thành phần nòng cốt của mình, trong đó có gia đình ngài võ tướng tâm phúc Ngô Thù.
Tộc sử họ Ngô Việt Nam“Những người họ Ngô thiên cư theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, Thừa Thiên nay có trên 30 Họ, nhiều nhất là ở Huế và vùng lân cận.”
Gia phả họ Ngô Lang Xá của Ngô viết Hòa ( viết vào năm 1662):“Kỳ thời thống tướng Trịnh Kiểm ngôn vu đế, Lê đế chuẩn, Thái Tổ phân binh ngự Mạc, sở hướng khắc tiệp, dự hữu chiến công. Cập Mạc thối suy, công tại Thuận Hóa, hỹ kiến thử thổ địa sơn xuất hình thắng”
Dịch: Lúc bấy giờ thống tướng Trịnh Kiểm nói với vua cho Thái Tổ ( Nguyễn Hoàng ) vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông ( Ngô Thù ) theoThái Tổ phân binh đánh Mạc, đánh đâu thắng đó, lập nhiều chiến công. Sau ngày Mạc bại ông thấy ở Thuận Hóa đât đai rộng rãi phì nhiêu…
Đến Thuận Hóa, ngài võ tướng Ngô Thù được được phân công chỉ huy đồn An Nông, một chốt tiền tiêu bảo vệ thủ phủ Thuận Hóa.
Sau khi xây dựng đồn An Nông, bố trí lực lượng đề phòng giặc Chiêm Thành ở phía Nam, ngài Ngô Thù chiêu dân khai hoang lập làng. Ngài đã cùng nông dân khai hoang một vùng đất rộng lớn từ An Cựu cho đến Phú Bài:
Phía đông giáp sông Đại Giang và đầm Hà Trung
Phía bắc giáp hữu trạch sông Hương
Phía nam giáp sông Nong.
Phía tây giáp Dương Hòa, Lương Miêu.
Với một vùng đất đai rộng lớn, ngài Phủ Quân đã nhượng đất cho ngài Nguyễn Đương, Lê Trại (đến sau ngài Ngô Thù gần 20 năm), nhượng phần ruộng ở Bàu Phù Nam và Bàu Năng cho ngài Nguyễn Đà khai canh làng Nong
Đất ở Thanh Thủy được phân chia cho con trai thứ hai Ngô Lực. Ngài Ngô Lực trở thành Khai canh làng Thanh Thủy: “Thủy Tổ Khai canh Tòng Quân Thị Thọ Đặc Tấn Phụ Quốc,Thượng Tướng Cẩm Y Vệ Chanh Dinh Chưởng Cơ Lực Tài Hầu Ngô Quý Công”
Đất ở Lang Xá được phân cho con trai út Ngô Điêu. Ngài Ngô Điêu trở thành khai canh làng Lang Xá: “Bản Thổ Tiền Khai Canh Ngô Viết Đại Lang”
Riêng phần ruộng đất ở làng Phù Bài thì giao cho người con trưởng Ngô Tôi. Ngài Ngô Tôi trở thành Tiền Khai canh Ngô Đại Tôn của làng Phù Bài :
“Trưởng nam theo gót chân cha,
Thứ nam Thanh Thủy và Lang Xá Bàu.”
Ngoài công lớn khai hoang lập làng, Ngài Ngô Thù còn có công tìm mỏ khai quặng cung cấp cho triều đình, mỗi năm nộp 2000 khối quặng sắt (mỗi khối 25 cân). Có thể nói Phù Bài là địa danh luyện sắt đầu tiên ở vùng Đằng Trong. Ngài Ngô Thù còn công tổ chức phòng chống giặc cướp và thú dữ, bắt cọp dụ voi cung cấp cho triều đình và nhiều tài nguyên khác, đặc biệt giống nếp thơm.
Do công lao, tài năng và đức độ, Ngài Ngô Thù được triều đình ban nhiều sắc chỉ và phong thần.
Tước phong cao nhất của triều Hậu Lê là: Tiền khai khẩn Bản thổ thành hoàng Ngô Quý công, gia tặng Đại tướng quân oai linh tôn thần
Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ban lệnh bài: Bản Thổ Thành hoàng Đại tướng quân hiển ứng oai linh tôn thần.
Các triều Nguyễn đều có sắc phong: Quang Ý Trung Đẳng Thần.
Ngài Ngô Phủ Quân có nhiều công lao với đất nước và với làng Phù Bài, vì thế các triều nhà Nguyễn liệt ngài vào “Từ Điển Công Thần” với sắc phong “HỘ QUỐC TÝ DÂN”, do đó mỗi khi tế đàn Nam Giao tên Ngài được ghi vào danh sách công thần trong bài văn tế. Trưởng Cả (Tự thừa) của làng Phù Bài được mời tham dự có xe kiệu võng giá đưa rước như các vị công thần:
‘Thứ nhất Phủ Doản Thừa Thiên,
Thứ nhì Hội viên Đầm Dã
Thứ ba trưởng cả Phú Bài’.
Như vậy, ba vị khai canh Ngô Đại tôn Phù Bài, Ngô Thanh Thủy, Ngô Lang Xá đều là con của ngài Ngô Phủ Quân, vị Đại tướng công thần dưới triều Nguyễn. Húy kỵ ngàì Bổn Thổ nhằm ngày 13.4 và 13.12 ÂL hàng năm
II. SỰ NGHIỆP
Năm 1558 lúc theo cha vào Thuận Hóa, ngài Ngô Lực ( Ngô Minh Triết) khoảng 20 tuổi.
Tộc phả họ Ngô Lang Xá ghi: “Toàn Gia đình ngài Bổn Thổ theo phò chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa thì lúc đó ngài Ngô Viết Điêu đã 17 tuổi”
Là con của một võ tướng thân tín đang giữ đồn An Nông, một cứ điểm yết hầu của thủ phủ Thuận Hóa, ngài Ngô Lực đã là người trong đội quân Cẩm y vệ – đội quân cấm vệ có trách nhiệm bảo vệ phủ Chúa (Chánh dinh). Ngài Ngô Lực theo Nguyễn Hoàng Chống Mạc, lập dược nhiều chiến công. Ngài được đặc cách tấn phong: Thượng tướng Cẩm Y Vệ Chánh dinh Chưởng cơ (tướng chỉ huy quân Cấm vệ ở phủ Chúa), được mang tước Lực Tài Hầu.
Được cha giao trách nhiệm chiêu mộ dân binh khai hoang lập làng, ngài Ngô Lực đã cùng 11 vị khai canh của các Họ: Lê Diên, Lê Trọng, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Diên, Nguyễn Thanh, Nguyễn Viết, Phùng , Phan, Đặng, Trần, khai phá lập làng Ôn Tuyền thuộc huyện Tư Vinh. Sau đó đổi tên thành làng Thanh Tuyền. Đến năm Cảnh Hưng nguyên niên ( Canh thân 1740 ) một bộ phận con cháu các Họ tiếp tục khai hoang vùng đất cao giáp độn Sầm phát triển thành Thanh Tuyền thượng.
Do có công phò chúa Nguyễn và trung hưng nhà Lê, có công chiêu mộ dân binh lập làng, ngài Ngô Lực được các triều nhà Nguyễn từ vua Minh Mạng đến Khải Định đều có sắc phong :
“Khai canh Đặc Tấn Phụ Quốc,Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Chánh Dinh Chưởng Cơ, Lực Tài Hầu Ngô Quý công.Trước phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng Đoan Túc Tôn Thần”
Về gia thất, ngài Minh Triết có một phu nhân, sinh tam lang và hai ái nữ: Vợ là Lực phu nhân quý nương, lấy tước hiệu của chồng .
Các con :
Đệ nhất lang Ngô Bàng.
Đệ nhị lang Ngô Khê
Đệ tam lang Ngô Bạc
Hai ái nữ: Đệ nhất Ngô quý nương
Đệ nhị Ngô quý nương
Đến nay cháu, chắc của ngài Ngô Lực đã phát triển đến thế thứ 20,21. Là một trong những Họ có con cháu nhiều nhất làng.
III KẾT LUẬN
Qua hàng ngàn năm phát triển, con cháu họ Ngô Việt Nam sinh sôi nảy nở thành nhiều hệ phái khác nhau, nhưng Tổ tiên Họ Ngô căn dặn:
“ Mấy Ngô cũng một Ngô”
“ Mười đời không rời cánh tay
Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
Như vậy những người họ Ngô trên đất Việt đều có chung huyết thống, đều là bà con. Với tinh thần đó, họ Ngô Việt Nam có truyền thống tốt đẹp: Dù ở đâu những người cùng mang họ Ngô đều có tinh thần gắn bó, thương mến giúp đỡ nhau.
Đặc biệt tại nhà thờ họ Ngô còn ghi lại đôi câu đối để nhắc nhỡ muôn đời con cháu mai sau :
“ Thủy Tổ công cao, Ngư Động Sầm Sơn liên ngũ nhạc.
Khai canh đức trọng, Phù Bài, Thanh Thủy, Xá tam lang.”
Dịch: Thủy Tổ công cao, từ Động Ngư đến độn Sầm năm hòn núi nối tiếp.
Khai canh đức trọng, Phù Bài,Thanh Thủy, Lang Xá là ba anh em ruột.
Ngoài ra, con cháu họ Ngô cũng đã hình thành được truyền thống hiếu học: Dù giàu có hay nghèo khó, mỗi gia đình đều quan tâm đầu tư cho con em mình được ăn học. Con cháu họ Ngô Thanh Thủy cũng cảm nhận được sự hy sinh to lớn của cha mẹ, với hoàn cảnh thiếu thốn, vừa học vừa lao động giúp đỡ gia đình, nhưng nhiều con cháu họ Ngô đã học tập đạt kết quả tốt: Đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, đạt nhiều thành tích trong các kỳ tuyển sinh vào Đại học.
Tự hào là con cháu họ Ngô, mỗi chúng ta tỏ lòng biết công ơn Tổ tiên, hiếu kính với dòng tộc, luôn giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Họ để xứng đáng là con cháu của những vị võ tướng khai canh “Giúp nước phò dân” rạng ngời trong sử sách.
LỄ GIỖ NGÀI CAI ĐỘI LAI ĐỨC HẦU NGÔ QUÝ CÔNG
Ngày 25.06.2014 tức là ngày 28.05 Giáp Ngọ, Họ Ngô tổ chức lễ giỗ ngài Cai Đội Lai Đức hầu Ngô Quý công
Ngài Thủy Tổ khai canh họ Ngô Thanh Thủy có ba người con trai và hai quý nương. Tuy vậy chỉ có ngài tổ khảo Ngô Bàng có con truyền đời. Ngài Ngô Bàng sinh được năm vị con trai nhưng cũng chỉ có ngài Ngô Khuy có con nối dõi. Ngài Ngô Khuy sinh hạ đến 17 vị trong đó chỉ có một quý nương.
Trong các con của ngài Ngô Khuy đặc biệt có người con trai thứ tư là Ngô Văn Lai. Năm Hoằng Định thứ 3 (1602) ngài Ngô Văn Lai gia nhập quân đội dưới quyền của Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên, là một quan võ làm đến chức Cai đội. Do lập được nhiều chiến công, ngài được triều đình phong tước Lai đức hầu Ngô Quý Công.
Được sự ân sũng của triều đình, ngài Ngô Quý Công có nhiều điều kiện về vật chất. Đức tính quý báu của ngài là hết sức quan tâm đến gia tộc.Có bao nhiêu tiền bạc, ngài đầu tư cho con cháu trong Họ. Cũng chính nhờ sự tập trung đầu tư cho gia tộc, nhờ vậy họ Ngô bắt đầu phát triển mạnh, con cháu ngày càng đông đúc . Họ được chia thành ba Phái: Hữu, Văn, Viết.Ngài Ngô Hữu Ly (kỵ 16.3) đứng đầu phái Hữu, Ngài Cai đội Lai Đức Hầu Ngô Quý Công đứng đầu phái Văn (Kỵ 28.5), ngài Ngô Viết Lãng (kỵ 13.11) đứng đầu phái Viết.
Ngài Ngô Văn Lai sinh được bảy người con trai là Ngô Văn Nhuế (Duế), Ngô Văn Mồ , Ngô Văn Bạc, Ngô Văn Tạt, Ngô Văn Bền, Ngô văn Cất ( húy Ấng ), Ngô Văn Cáo , Ngô Văn Đợi. Trong đó ngài Ngô Văn Mồ (Kỵ 11.12) đứng đầu chi nhất, ngài Ngô Văn Ấng (kỵ 21.2) đứng đầu chi nhì phái Văn.
Do công lao to lớn của ngài đối với bổn Tộc, vì thế sau khi ngài mất, hàng năm Họ lo tổ chức ngày giỗ của ngài vào ngày 28.5 âm lịch. Truyền thống này vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay.
Lăng mộ của ngài hiện an táng tại ấp Phường Chánh. Vùng đất rẫy quanh lăng mộ được người dân thường gọi là đất Ngô Công.